Phim gia đình hấp dẫn từ rạp chiếu đến sóng truyền hình
Thời gian qua, 3/4 phim có doanh thu cao nhất phòng vé Việt đều thuộc thể loại tâm lý gia đình. Những bộ phim hấp dẫn nhất trên sóng truyền hình với tỷ lệ người xem cao, được chia sẻ và bàn luận mạnh mẽ trên mạng xã hội cũng đều ở mảng đề tài này. Vì sao phim gia đình luôn ăn khách như vậy? Mảng đề tài này có “ngon ăn” như nhiều người nghĩ?...
Từ cơn sốt “Lật mặt 7” đến “Về nhà đi con”
Trong khi những dòng phim hành động, hài hay kinh dị khá khu biệt đối tượng khán giả thì dòng phim gia đình tưởng như cũ kỹ lại có sức sống bền lâu, có thể kéo khán giả đến rạp bất cứ thời điểm nào nhờ nội dung gần gũi và dường như ai cũng thấy mình trong đó. Cũng chính vì thế mà dòng phim này luôn hút khách và mang đến doanh thu lớn cũng như thành công ngoài sức tưởng tượng cho các nhà sản xuất.
Với mảng phim chiếu rạp, thành công gần nhất có thể kể đến là bộ phim gia đình “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải. Khai thác đời sống của gia đình 5 người con với hoàn cảnh khác nhau và mối quan hệ với mẹ già lấy đi nhiều nước mắt người xem, phim đã kéo hàng triệu khán giả tới rạp, trở thành phần phim ăn khách nhất series “Lật mặt”. Mới ra mắt cuối tháng 4-2024, “Lật mặt 7: Một điều ước” ngay lập tức trở thành bộ phim có doanh thu chiếu rạp cao thứ hai lịch sử rạp chiếu Việt với doanh thu 478 tỷ đồng và hiện đang chiếu tại Mỹ, các nước châu Âu.
Nhìn vào tốp 4 phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt thì có tới 3 phim khai thác đề tài gia đình gần gũi, với câu chuyện cảm động về mối quan hệ cha con-“Bố già” doanh thu 395 tỷ đồng; quan hệ mẹ con-“Nhà bà Nữ” doanh thu 459 tỷ đồng và mối quan hệ giữa mẹ già và 5 người con đã trưởng thành, có gia đình riêng-“Lật mặt 7: Một điều ước” với 478 tỷ đồng. Chưa kể bộ phim chiếu rạp dịp Tết Nguyên đán 2024 là “Gặp lại chị bầu” với câu chuyện rơi nước mắt về đứa con trai ngỗ ngược được trở về quá khứ để gặp người mẹ bất hạnh của mình, mới đây cũng đã công bố đạt doanh thu 100 tỷ đồng sau khi tiến ra thị trường nước ngoài.
Cảnh trong phim điện ảnh “Lật mặt 7: Một điều ước”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Lĩnh vực phim truyền hình gần đây cũng gây sốt với câu chuyện gia đình đặc biệt của anh em Trí-Tuệ trong “Người một nhà” cùng tình yêu vô điều kiện, sự hy sinh không thể đong đếm mà người em dành cho anh cũng như anh dành cho em bất chấp nghịch cảnh.
Khán giả hẳn vẫn chưa quên hai bộ phim tiêu biểu của dòng phim gia đình từng làm “mưa gió” màn ảnh năm 2019 và 2021 là “Về nhà đi con” và “Hương vị tình thân”. Công chiếu năm 2019, “Về nhà đi con” dẫn đầu tốp 10 phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trên Google 2019 với 459 triệu kết quả trong 0,37 giây. Chủ đề phim được bàn tán từ nhà ra ngõ và khán giả ngóng theo diễn biến từng tập phim.
Còn “Hương vị tình thân”, bộ phim truyền hình dài nhất của VTV (136 tập) được công chiếu trong dịp giãn cách xã hội đã hút hàng triệu khán giả theo dõi và khóc theo hành trình tìm lại bố ruột của nhân vật Phương Nam. Đến nay, hai bộ phim gia đình đều của đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Danh Dũng vẫn được nhắc tới như những tác phẩm thành công nhất trên truyền hình Việt Nam và luôn được khán giả xem đi xem lại.
Thách thức của những nhà làm phim
Đề tài gia đình luôn ăn khách nhưng là thách thức với mọi biên kịch và đạo diễn, bởi làm bộ phim hời hợt thì dễ, làm một tác phẩm mới mẻ nhưng gần gũi với đời thường và chạm tới trái tim người xem lại không đơn giản. Biên kịch Huyền Lê của phim “Người một nhà” chia sẻ: “Những kịch bản về đề tài gia đình vốn tưởng dễ viết, nhiều chuyện để viết nhưng thực ra khá khó. Trước hết, đề tài gia đình vốn rất quen thuộc, việc làm mới để phù hợp với thời đại, với thị hiếu khán giả bây giờ buộc người viết phải nghiên cứu kỹ về nhiều mặt như bối cảnh xã hội, tâm lý xã hội, con người... Thứ hai, đề tài gia đình cũng đòi hỏi đào sâu hơn về tâm lý nhân vật, sự thấu hiểu, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống để có thể lột tả hết những cảm xúc phức tạp ở mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật”.
Vì mong muốn xây dựng những nhân vật “đời” nhất, thật nhất trong kịch bản của mình nên Huyền Lê luôn cố gắng tìm kiếm chất liệu từ cuộc sống nhiều hơn là trên sách vở. “Tôi quan sát những người sống xung quanh mình, lắng nghe câu chuyện của họ. Với mỗi loại nhân vật, tôi để ý đến những người tương tự ngoài đời, học cách nói chuyện của họ, quan sát hành động của họ, cách xử lý vấn đề của họ khi gặp chuyện để có thể dựa vào đó mà đưa vào kịch bản nếu phù hợp. Tôi có thể ngồi hàng giờ ở quán trà đá, quán cà phê, quán nhậu chỉ để hóng chuyện thiên hạ và ghi nhớ nó để đến lúc cần có thể mang ra dùng. Bản thân tôi trong thời gian làm kịch bản cũng phải đọc và học hỏi rất nhiều, phim liên quan đến nghề nào, tôi tìm hiểu về nghề đó, phim liên quan đến chuyện gì, tôi tìm hiểu về chuyện đó”, biên kịch Huyền Lê cho hay.
Biên kịch Lại Phương Thảo (các phim “Nhà trọ Balanha”, “11 tháng 5 ngày”, “Sao Kim bắn tim sao Hỏa”) cũng đồng quan điểm với Huyền Lê. Chị cho rằng, đề tài hôn nhân, gia đình là đề tài xưa cũ, được đề cập rất nhiều trên truyền hình nên chọn một đề tài đã đi vào lối mòn, làm sao làm mới vấn đề đã quá quen thuộc với khán giả là việc không dễ.
Còn đạo diễn Bùi Quốc Việt (“Hãy nói lời yêu”, “Gara hạnh phúc”) khẳng định, đề tài gia đình chưa bao giờ là mới, nhưng bước vào đề tài cũ lại là thách thức. Trong “Sao Kim bắn tim sao Hỏa”-bộ phim mới do anh đạo diễn đang phát sóng trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, các nhân vật đều có nghề nghiệp rất đời: Cảnh sát giao thông, cô giáo mầm non, thợ điện, shipper, thợ làm nail. “Họ giản dị, thuần túy và phải đối mặt với vấn đề "cơm, áo, gạo, tiền" rất nhiều. Điều này khán giả bây giờ quan tâm hơn là những chuyện nặng nề tranh giành quyền lực, đấu trí... Tôi làm phim gia đình gần gũi, đi sâu vào tâm lý của người xem hơn để họ thấy chính mình trong đó”, đạo diễn Bùi Quốc Việt bày tỏ.
Đạo diễn cũng cho biết, với mỗi bộ phim, anh đều mang những thứ của bản thân, gia đình vào. Chẳng hạn trong “Gara hạnh phúc”, nhân vật do Duy Hưng đóng rất sợ gà. Ngoài đời vợ đạo diễn sợ lông vũ nên anh đã đưa đặc điểm này vào nhân vật trong phim của mình. Rồi cách nịnh vợ, làm hòa hay vượt qua các câu hỏi của vợ về chuyện đi sớm về muộn thế nào, đồng nghiệp ra sao... cũng đều được anh đưa từ đời thường vào phim.
Chính vì đưa vào các chi tiết đời thường gần gũi có thể bắt gặp ở bất cứ ai, bất cứ đâu trong cuộc sống vào phim nên rất dễ nhận được sự đồng cảm và hưởng ứng của khán giả.
Tuy vậy, những bộ phim đề tài gia đình ăn khách ngoài rạp vẫn chưa hẳn đã làm hài lòng tất cả, bởi các nhà làm phim thường chọn cách làm an toàn, hướng tới yếu tố giải trí và làm vừa lòng số đông nhằm bán được nhiều vé nhất có thể, từ đó bảo đảm về mặt doanh thu. Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nêu quan điểm: “Với người Việt Nam nói riêng và thị trường châu Á nói chung, gia đình vẫn là đề tài quen thuộc và gắn bó mật thiết đến đời sống từng cá nhân trong xã hội. Đó là lý do mà tốp những phim Việt ăn khách nhất của lịch sử điện ảnh Việt Nam vẫn tập trung về đề tài này. Ở Việt Nam, có thể chưa chắc câu chuyện mới nhưng cách kể mới, khiến khán giả có thể khóc, cười cùng số phận nhân vật hoặc câu chuyện đều có khả năng thắng cao về mặt doanh thu”.
Tuy nhiên, điểm yếu của các phim đề tài gia đình Việt Nam nói chung vẫn là đi theo hướng cái kết có hậu. Tức là đôi khi biên kịch không dám mạnh tay, đưa thực tế cuộc sống vào cái kết mà chấp nhận việc dĩ hòa vi quý, mang đến sự hài lòng cho khán giả, dễ thu hút ra rạp hoặc lên sóng truyền hình. Vì điều này, các bộ phim đề tài gia đình ở Việt Nam khó hướng đến việc tạo ra giá trị sáng tạo, độc đáo mà tập trung vào hướng giải trí, hài lòng khán giả là chủ yếu.
Nhà biên kịch TRẦN BÍCH HẠNH, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội