Phát hiện địa điểm cảnh như trong phim kiếm hiệp khiến du khách ngạc nhiên, cách Hà Nội 2 giờ chạy xe
Khung cảnh cánh rừng rậm rạp khiến nhiều du khách khi tới đây liên tưởng ngay đến các cảnh trong một bộ phim kiếm hiệp thường thấy qua màn ảnh.
Khi xem những thước phim qua màn ảnh, đặc biệt là những bộ phim kiếm hiệp, một trong những cảnh quen thuộc nhất với khán giả chính là những rừng tre, rừng trúc rậm rạp, hoang sơ, xanh ngát 1 màu. Đã bao giờ bạn nghĩ có thể đặt chân tới đây 1 lần? Và không phải đi tới đất nước nào đó quá xa xôi, ngay ở Việt Nam, chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 2 giờ chạy xe, khung cảnh như trong phim kiếm hiệp này sẽ hiện hữu ra trước mắt.
Địa điểm đang được nhắc tới mang tên Bản Ven, thuộc xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 45km, du khách tới đây không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên mà còn được tìm hiểu và biết thêm về văn hóa bản địa - văn hóa của đồng bào người dân tộc Sán Chay, hay người Cao Lan. Đây cũng chính là cộng đồng người chiếm 90% dân số tại bản. Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, Bản Ven được phát hiện vào khoảng 300 năm trước và được xem là một bản làng cổ của người dân tộc Sán Chay.
Khung cảnh cánh rừng rậm rạm như bước ra từ trong phim kiếm hiệp khiến nhiều du khách chú ý tới Bản Ven (Ảnh Huyền Khánh Ng)
Khung cảnh như bước ra từ bộ phim kiếm hiệp
Như đã nói ở trên, khung cảnh ở Bản Ven bắt đầu được nhiều du khách chú ý tới thông qua những bức hình hay thước phim trên các diễn đàn về du lịch trong khoảng 1-2 năm gần đây. Ở đây có một khu du lịch mang tên Bản Ven Xanh, được đầu tư và xây dựng bài bản để phục vụ du khách, song vẫn giữ được những nét truyền thống của vùng đất này. Nhiều du khách, thậm chí cả những người ở Bắc Giang cũng phải thừa nhận rằng, trước đó họ không hề biết tới cái tên Bản Ven trên bản đồ du lịch.
Nơi đây sở hữu diện tích rộng lớn là rừng cây rậm rạp. Tuy nhiên, nó không phải là rừng tre, rừng trúc như nhiều người nghĩ, mà là rừng phấn. Phấn là loại cây cùng họ với tre, mai, vầu. Theo chia sẻ của người dân bản địa, cây phấn dễ trồng, không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ. Chỉ cần giâm mầm cây, khi mưa xuống cây sẽ nảy mầm và sinh sôi. Sau khoảng 5 năm là đã có thể thu hoạch và đem lại nguồn sinh kế cho người dân.
Chính vì vậy, việc trồng rừng phấn tại Bản Ven nói riêng cũng như trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng vừa tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, thu hút du khách, vừa đem lại giá trị về kinh tế.
Rừng phấn ở Bản Ven (Ảnh Yến Lee)
Tới rừng phấn ở Bản Ven, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên bằng việc tản bộ, đạp xe quanh rừng, rồi lưu lại những tấm hình kỷ niệm như khi đang trong bối cảnh của bộ phim kiếm hiệp nào đó.
Những năm gần đây, khi bắt đầu được nhiều du khách biết tới hơn, người dân bản địa còn mở ra, cung cấp thêm các dịch vụ như cắm trại ngay tại rừng phấn, thưởng thức những món đặc sản hay nhiều trải nghiệm khác quanh khu vực Bản Ven. "Bữa trưa tại Bản Ven có gà đồi, xôi ngũ sắc, thịt nướng mắc khén rất ngon và lạ miệng. Ngoài ra vẫn có những món truyền thống cho mâm cơm gia đình. Phải nói là rất đa dạng và đặc sắc", du khách Hoàng Hà (Bắc Giang) chia sẻ sau chuyến đi tới Bản Ven vào đầu năm nay.
Du khách có thể cắm trại ngay trong rừng phấn xanh tốt (Ảnh Thu Thảo, Blog của Rọt, Yến Lee)
Tài khoản du khách Tâm Tít Pe chia sẻ, đến với Bản Ven, cô còn rất yêu thích trải nghiệm được tự mình đi hái những búp chè non trên đồi chè mênh mông rộng lớn, hay mặc thử trang phục của người dân tộc Cao Lan, sống như người bản địa trong 1 ngày. Thật vậy, đây chính là một hoạt động khác du khách không nên bỏ lỡ khi đến với Bản Ven.
Còn được biết tới là xứ chè của Bắc Giang, 150 hộ gia đình đang sinh sống tại đây cũng mưu sinh bằng nghề trồng và cung cấp chè. Ghé thăm những ngôi nhà của người bản địa, du khách sẽ còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm chè, thậm chí tự tay tham gia vào phần nào đó rồi cuối cùng là "hưởng thụ" thành quả là những ly nước chè đậm đà.
Những búp chè xanh tươi mơn mởn trên các nương, đồi chè ở Bản Ven (Ảnh Báo Bắc Giang)
Du khách thích thú khi khoác lên mình trang phục của người dân tộc Cao Lan và tự mình hái chè ở Bản Ven (Ảnh Hothienngaa, Nguyễn Cẩm Nhung)
Hoạt động hái, làm chè còn thu hút cả những bạn nhỏ (Ảnh Hoàng Hà)
Có thể thấy, các hoạt động dành cho du khách tại Bản Ven đều mang đậm yếu tố thiên nhiên và giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa địa phương với nhiều loại hình. Cũng chính bởi điều này mà vào năm 2019, Bản Ven đã được công nhận là Điểm Du lịch cộng đồng của tỉnh. Ngoài ra, nơi đây cũng được đánh giá là phù hợp với mọi đối tượng du khách ở mọi độ tuổi.
Gợi ý lịch trình - chi phí đi Bản Ven
Như đã nói ở trên, không chỉ có tham quan, đi dạo hay cắm trại tại rừng phấn, du khách đến với Bản Ven nói chung hay khu du lịch Bản Ven xanh nói riêng còn có thể trải nghiệm loạt hoạt động khác như vui chơi, chụp ảnh tại vườn thú, tắm thác, tắm bể bơi, câu cá, nặn gốm, tô tượng...
Theo nhiều du khách đã có kinh nghiệm, lịch trình lý tưởng cho chuyến đi tới Bản Ven là gói gọn trong 1 ngày. Du khách hãy di chuyển từ buổi sáng, đến Bản Ven vào khoảng 9-10 giờ sáng để thỏa sức chụp ảnh, tham quan. Bữa trưa du khách có thể liên hệ với khu du lịch để đặt món trước. Buổi chiều là thời điểm thích hợp để tắm thác, tắm bể hoặc tham gia hoạt động hái chè, làm chè với người địa phương. Nếu muốn ngủ lại qua đêm, du khách tốt nhất nên đặt phòng từ sớm.
Một số hình ảnh khác của du khách khi tới Bản Ven (Ảnh Blog Của Rọt, Hoàng Hà, Thu Thảo)
Một số gợi ý về chi phí như sau:
- Vé vào cửa Khu du lịch Bản Ven Xanh: 60.000 đồng/người lớn; 30.000 đồng/trẻ em cao từ 0,9 - 1,3m
- Thuê lều trại: 500.000 đồng/lều cho 2 người - phụ thu từ người thứ 3 50.000 đồng/người
- Nhà sàn hoặc lều, trại ngủ qua đêm: ~300.000 đồng/người
- Hoạt động vui chơi, ăn uống khác: ~200.000 - 300.000 đồng/người