Phác thảo điện ảnh thời đổi mới và hội nhập

Từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) đến thời điểm hiện tại, điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Nhìn nhận rõ nét về điện ảnh Việt Nam, TS Ngô Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã dày công nghiên cứu và thể hiện qua cuốn tiểu luận phê bình điện ảnh “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” đã góp phần xâu chuỗi và hệ thống ngành nghệ thuật thứ bảy.

Cuốn sách chia thành hai phần, trong đó phần 1 - “Điện ảnh Việt Nam từ thời đổi mới” tập trung khái quát về những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu. Bên cạnh thể hiện theo phong cách lý luận phê bình, tác giả đã lồng ghép cả nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, phản ứng của dư luận, xã hội đối với các tác phẩm này, giúp người đọc hiểu thêm về những điều đã diễn ra, những tác động đến tác phẩm, đạo diễn và những ảnh hưởng của tác phẩm đó đến các tác phẩm ra đời sau.

Những bộ phim được nhắc đến đều rất nổi tiếng và ghi dấu một giai đoạn sôi động của điện ảnh nước nhà, được TS Ngô Phương Lan ví như “những cánh én đầu tiên báo hiệu điện ảnh đổi mới” như: “Cô gái trên sông”, “Tướng về hưu”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Thằng Bờm”, “Gánh xiếc rong”, “Chung cư”, “Mê Thảo thời vang bóng”, “Ai xuôi vạn lý”, “Chiếc chìa khóa vàng”, “Hãy tha thứ cho em”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng”, “Vị đắng tình yêu”, “Đời cát”, “Thung lũng hoang vắng”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Mùa len trâu”, “Thời xa vắng”, “Vào Nam ra Bắc”, “Chuyện của Pao”...

Cuốn sách của TS Ngô Phương Lan. 

Phần 2 gồm các bài tiểu luận phản ánh những nghiên cứu của tác giả về quá trình phát triển, những vấn đề thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua. Trong đó, tác giả dành nhiều bài viết để trình bày những bài học kinh nghiệm, ý tưởng của mình về việc làm sao để phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Với nhiều vai trò từ quản lý đến nhà phê bình, cách trình bày của TS Ngô Phương Lan tiếp tục thể hiện sự đa chiều khi một mặt chỉ rõ những thách thức, khó khăn của điện ảnh, mặt khác cũng nêu bật những ưu điểm của điện ảnh nước nhà luôn khát vọng vươn lên và hội nhập quốc tế.

Đánh giá về cuốn sách, nhiều ý kiến ghi nhận “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” là một công trình nghiêm túc, có tính học thuật cao và giàu tính hiện thực. Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh cho biết, ông chứng kiến sự trưởng thành của TS Ngô Phương Lan từ khi bà mới học ở Nga về, sau đó làm việc ở Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Các bài viết về điện ảnh của TS Ngô Phương Lan được ông và người trong giới đánh giá là sắc sảo. “Điều đặc biệt là tác giả đã thực hiện tác phẩm dưới nhiều góc độ quan sát.

Là một nhà quản lý trực tiếp của ngành điện ảnh Việt Nam, lại vừa là một nhà lý luận phê bình điện ảnh gắn bó chặt chẽ với những diễn biến thực tế của điện ảnh trong nước nên tác phẩm của TS Ngô Phương Lan đã thể hiện một cái nhìn đa chiều về nền điện ảnh Việt Nam từ khi đổi mới cho đến nay", đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, đánh giá: “TS Ngô Phương Lan đã dày công phân tích khá thấu đáo đối với hầu hết tác phẩm được xem là dấu ấn của điện ảnh Việt Nam từ thời đổi mới đến nay. Ai cũng biết, phê bình, nhất là phê bình những tác phẩm đã thành danh là rất khó, bởi luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều. Nhưng chính nhờ sự phân tích tinh tế của tác giả đã góp phần giúp người đọc nhìn lại để hiểu rõ hơn về tình hình điện ảnh trong nước, từ đó mới có thể tiến xa hơn”.

Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết