Nhân văn qua từng trang sách

Nhà văn Minh Chuyên (tên khai sinh là Nguyễn Minh Chuyên), sinh năm 1948, tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông là người có những đóng góp giá trị cho văn học và điện ảnh Việt Nam với nhiều tác phẩm viết về hậu quả, nỗi đau mà chiến tranh để lại trên đất nước ta.

Nỗi đau chiến tranh

Năm 1967, nhà văn Minh Chuyên nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ngay trong thời gian này, ông bắt đầu sáng tác văn học. Khi ấy, ông viết về sự mất mát hy sinh và cuộc chiến tranh tàn khốc mà đế quốc Mỹ gây ra ở miền Nam Việt Nam. Là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Từ đó, ông cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên “Đường lên dốc đỏ”, năm 1968.

Từng trực tiếp cầm súng chiến đấu để giải phóng đất nước nên nhà văn Minh Chuyên dồn tâm huyết viết về đề tài hậu chiến tranh. Ngay trong giai đoạn 1974-1975, ông đã tham gia trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và viết truyện, ký, kỷ niệm sâu sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông cũng là một trong những nạn nhân phải chịu đựng hậu quả và nỗi ám ảnh sau chiến tranh do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hủy hoại tới 40% sức khỏe.

Nhà văn Minh Chuyên vẫn lao động miệt mài để hoàn thiện bộ 50 cuốn sách "Nỗi đau sau chiến tranh".

Từ khi dồn tâm huyết viết về đề tài hậu chiến, với ngòi bút truyền cảm, chân thực, lại chịu khó thâm nhập thực tế, sớm phát hiện ra những phận người, phận đời bất hạnh sau chiến tranh, nhà văn Minh Chuyên đã cho ra đời tác phẩm “Đứa con màu da thú”, nói về hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Em bé được nhắc tới trong sách chỉ là một trong gần 350.000 trẻ em Việt Nam phải gánh chịu những di chứng nặng nề do hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại.

Tính đến nay, nhà văn Minh Chuyên đã chủ biên và sáng tác 97 cuốn sách với hơn 300 tác phẩm, bao gồm: Truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và hơn 200 bộ phim tài liệu về thời kỳ hậu chiến. Trong đó không ít tác phẩm mang lại cho ông những giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập bút ký “Di họa chiến tranh” năm 1998; Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho tập ký “Người không cô đơn” năm 2017; Giải Cúp vàng quốc tế, Liên hoan phim quốc tế lần thứ 10 tại Triều Tiên cho phim tài liệu “Cha con người lính” năm 2006; Giải A Giải thưởng văn học-nghệ thuật Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình cho tập truyện ký “Người lang thang không cô đơn” năm 1998; Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2017...

Sự đồng cảm của bạn bè quốc tế

Sau quãng thời gian hơn 40 năm theo đuổi đề tài hậu chiến tranh, năm 2017, Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh của nhà văn Minh Chuyên được Nhà nước công nhận và đầu tư xây dựng. Chính bảo tàng này đã thôi thúc ông thành lập bộ sách “Nỗi đau sau chiến tranh”, với mong muốn gìn giữ và lưu lại những ký ức, hồi ức, câu chuyện của những người lính, những nạn nhân của chiến tranh.

Từ ý tưởng đó, năm 2018, được sự bảo trợ, giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên cùng Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh phối hợp với Câu lạc bộ Thơ lục bát tỉnh Thái Bình phát động phong trào sáng tác văn học thiện nguyện viết về đề tài nỗi đau thời hậu chiến, đến nay đã ra 25 tập sách.

Xúc động chia sẻ về niềm vui khi biên soạn bộ sách “Nỗi đau sau chiến tranh”, nhà văn Minh Chuyên tâm sự: “Tôi bất ngờ và cảm động khi phong trào sáng tác văn học thiện nguyện viết về đề tài nỗi đau thời hậu chiến vừa phát động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các nhà văn, nhà thơ không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài”.

Trong những nhà văn, nhà thơ nước ngoài có tác phẩm in trong bộ sách “Nỗi đau sau chiến tranh”, có thể kể đến nhà thơ Wislawa Szymborska, người Ba Lan, từng đoạt Giải Nobel Văn học năm 1996; hay những nhà văn, nhà thơ người Mỹ như: Kevin Bowen, Gary Nhitel, Brian Mooney, Molly Watt, Preston Wood... Điều đó chứng tỏ sự đồng cảm, chia sẻ của bạn bè quốc tế với những người lính và người dân là nạn nhân của chiến tranh.

Đến nay, một số tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên còn được chọn đưa vào bộ sách Cánh Diều (sách Ngữ văn phổ thông trung học và tiểu học), giảng dạy trong nhà trường từ năm học 2023 như: Truyện ký “Vào chùa gặp lại” (sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, tập 2); bút ký “Nhà bác học của đồng ruộng” (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, tập 1); truyện ký “Chuyện ông Hoàng Cầm” (sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, phần văn bản đọc hiểu).

Thời gian tới, nhà văn Minh Chuyên cùng Câu lạc bộ Thơ lục bát tỉnh Thái Bình tiếp tục hoàn thiện bộ sách “Nỗi đau sau chiến tranh”. Ông chia sẻ: “Tôi mong rằng khi hoàn thành bộ sách gồm 50 tập, đây sẽ là món ăn tinh thần, phần nào chia sẻ những nỗi đau, mất mát với những người đã chịu nhiều thiệt thòi do chiến tranh gây ra; cũng như lưu giữ, tiếp nối thông điệp tới thế hệ sau này về hậu quả của chiến tranh tàn khốc”.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...