Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội: Tiếp bước truyền thống, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật
Để kịp thời bồi dưỡng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời cổ vũ, động viên hành động chiến đấu anh dũng, ngoan cường của bộ đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 15-3-1951, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nằm trong căn cứ kháng chiến Việt Bắc, Tổng cục Chính trị công bố quyết định thành lập Tổng đội Văn công thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Đây là đơn vị nghệ thuật đầu tiên của nước ta (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội ngày nay).
Trong suốt chặng đường lịch sử, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội mang nhiều tên gọi khác nhau (Tổng đội Văn công, Tổng đoàn Văn công, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, Đoàn Ca múa Quân đội, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) để phù hợp với nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội. Dù mang tên gọi nào, đơn vị vẫn luôn được Đảng, Bác Hồ quan tâm dìu dắt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị thường xuyên chỉ đạo hoạt động; gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT.
Trong những năm kháng chiến, các nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị luôn theo sát các chiến trường, biểu diễn động viên tinh thần, tiếp lửa cho chiến sĩ, dân công, bằng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, khẳng định tinh thần chiến đấu dũng cảm, quên mình, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, góp phần làm nên những chiến công vang dội. Ngoài ra, đơn vị đã nhiều lần vinh dự được phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; biểu diễn phục vụ Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp khách quốc tế, tham gia giao lưu nghệ thuật ở nhiều nước trên thế giới. Với nỗ lực trong hoạt động nghệ thuật, đơn vị vinh dự được Bác Hồ đến thăm, tặng quà và chụp ảnh lưu niệm vào ngày 11-5-1964.
|
Tiết mục văn nghệ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tại buổi gặp mặt, tuyên dương các nghệ sĩ trong Quân đội được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức. Ảnh: TUẤN HUY |
Bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà hát thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sáng tác, bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc; dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc, phản ánh chân thực, sinh động, phong phú cuộc sống chiến đấu, lao động, sản xuất, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Bên cạnh đó, Nhà hát còn tham gia biểu diễn ở hơn 20 nước với gần 200 buổi phục vụ kiều bào ta sinh sống tại nước ngoài; biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại quốc phòng, được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao. Đặc biệt, trong năm 2023, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã sáng tác, dàn dựng, biểu diễn 260 chương trình nghệ thuật có nội dung tư tưởng sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao (vượt chỉ tiêu 73,33% so với kế hoạch năm). Tham gia các cuộc thi, hội diễn (độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Thanh âm đất mẹ”; sáng tác ca khúc ca ngợi phụ nữ Quân đội; tài năng múa toàn quốc năm 2023; Giai điệu mùa thu; Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023), Nhà hát đoạt nhiều giải nhất, giành nhiều huy chương vàng.
Quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Nhà hát luôn gắn liền với tên tuổi của những nhạc sĩ, ca sĩ và những tác phẩm đi cùng năm tháng, lừng danh trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như: Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), Đường chúng ta đi (Huy Du), Đường tôi đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Tiếng đàn Ta-lư (Huy Thục), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), tác phẩm múa Mùa hoa ban nở (Minh Tiến), Con quỷ và nàng tiên (Kim Tiến), Vũ điệu chim công (Ứng Duy Thịnh)... và nhiều nghệ sĩ, diễn viên tài năng. Đến nay, Nhà hát có 14 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 73 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú; nhiều nghệ sĩ, tác phẩm được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, huy chương vàng trong các hội thi, hội diễn toàn quân và toàn quốc về văn hóa, nghệ thuật...
Khắc ghi lời Bác dạy: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà hát hôm nay đang tiếp bước và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, nỗ lực phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước, xứng đáng là lực lượng xung kích, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, hàng đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (2000); Huân chương Độc lập hạng Ba (2011); Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba (1976, 1984); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì (2015, 2021); Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba (1953, 1954, 1955)...; được Đảng, Nhà nước Lào tặng Huân chương Itxala hạng Ba (2004), 2 Huân chương Hữu nghị (2009, 2013)... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác... |
Đại tá, NSND HỒNG HẠNH, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội