Người trẻ Hà Nội góp phần chấn hưng văn hoá

Để bảo tồn, duy trì văn hóa trong kỷ nguyên số, tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực.

Sứ giả trẻ

Theo số liệu thống kê vào tháng 1/2023, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ sử dụng Internet là 79,1% trên tổng dân số. Trong số những người dùng internet là giới trẻ, có tới 94% là sinh viên, trí thức trẻ. Nền tảng được dùng nhiều nhất là Facebook và Youtube.

Với số lượng người sử dụng mạng xã hội nhiều như vậy thì “rác” trên không gian mạng đang là rào cản không dễ vượt qua trong công cuộc chấn hưng văn hóa. Do đó, bảo vệ văn hoá tư tưởng trên không gian mạng là một bài toán thách thức đối với tuổi trẻ Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Chị Hoàng Minh Hằng, Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ huyện Thanh Trì

Chị Hoàng Minh Hằng, Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ huyện Thanh Trì

Chị Hoàng Minh Hằng, Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ huyện Thanh Trì cho rằng, mỗi người trẻ có vai trò như một sứ giả văn hoá trong hành trình chấn hưng văn hoá ở kỷ nguyên số hiện nay. Sứ giả hãy lấy cái đẹp dẹp cái xấu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của thanh niên còn là sự kết nối và giao tiếp giữa các cộng đồng và văn hóa khác nhau. Họ có thể sử dụng mạng xã hội, video trực tuyến và các công cụ số chia sẻ câu chuyện, hình ảnh và nghệ thuật liên quan đến văn hóa dân tộc. Điều này giúp kết nối với mọi người trên toàn thế giới, tạo cơ hội cho việc trao đổi và học hỏi từ các nền văn hóa khác nhau.

Bạn Nguyễn Thị Phương Dung, Đoàn Thanh niên Đai học Bách khoa Hà Nội

Bạn Nguyễn Thị Phương Dung, Đoàn Thanh niên Đai học Bách khoa Hà Nội

Bạn Nguyễn Thị Phương Dung, Đoàn Thanh niên Đai học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khi khoa học công nghệ phát triển đã đặt ra những thách thức to lớn đối với thế hệ trẻ trong việc bảo vệ văn hoá trên không gian mạng. Điều này đòi hỏi thế hệ trẻ phải nhận thức rõ ràng sứ mệnh: “Tiên phong – Đổi mới – Lan toả” của mình.

Theo đó người trẻ phải tiên phong trong việc rèn luyện học tập và phẩm chất, đạo đức để có bản lĩnh vững vàng trước các thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng; Đổi mới trong ứng dụng các công nghệ số để truyền tải những giá trị hay trên mạng xã hội bằng hình thức phong phú, hấp dẫn; Lan toả là không ngừng chia sẻ những cái hay, đặc sắc của mái trường, quê hương, dân tộc tới cộng đồng bạn bè trong nước và quốc tế.

Hãy bắt đầu từ nơi mình sống và học tập

Cũng theo bạn Nguyễn Thị Phương Dung, xây dựng thế hệ thanh niên thời đại mới Tiên phong - Đổi mới – Lan toả là một nhiệm vụ quan trọng. Do đó, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội luôn luôn chủ động, tích cực, sáng tạo vận dụng những giải pháp, cách làm hiệu quả để phát huy văn hoá người Bách khoa, đặc biệt là trên không gian mạng.

“Cụ thể, bảo vệ văn hoá tư tưởng trên không gian mạng cần song hành với hoạt động phát huy ý nghĩa, giá trị của phong trào sinh viên 5 tốt. Ở tại ĐH Bách khoa Hà Nội, khi thực hiện tuyên truyền về phong trào sinh viên 5 tốt, chúng tôi luôn nhấn mạnh: Bạn là một chiến binh, người lan toả những giá trị văn hoá tốt đẹp của Bách khoa; Bạn là một sinh viên Thủ đô ngàn năm văn hiến… Vì thế hình ảnh đẹp, văn hoá của bạn góp phần tạo nên danh tiếng của Bách khoa, là uy tín của Hà Nội. Do vậy, dù ở bất cứ không gian nào, trong cộng động, nơi giảng đường, khu vui chơi hay trên không gian mạng, bạn hãy nêu gương, gìn giữ và phát huy nét văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam”, cô gái trẻ Phương Dung chia sẻ.

Sinh viên Đại học Bách khoa luôn tương tác tích cực với các sự kiện do Đoàn, Hội sinh viên trường phát động

Sinh viên Đại học Bách khoa luôn tương tác tích cực với các sự kiện do Đoàn, Hội sinh viên trường phát động

Không chỉ hô hào, Đoàn ĐH Bách khoa còn ứng dụng chuyển đổi số vào tuyên truyền phát huy, bảo tồn văn hoá. Nội dung tuyên truyền xây dựng văn hoá học đường được truyền tải thông qua các video clip hóm hỉnh, hình ảnh trực quan, thông điệp ngắn gọn. Các tư liệu tuyên truyền luôn được đổi mới, cập nhật thường xuyên, nên thu hút đông đảo sinh viên quan tâm và tương tác.

“Nội dung truyền tải muốn có hiệu quả phải tạo ra tương tác, trúng sự quan tâm của thanh niên, sinh viên. Cụ thể: ĐH Bách khoa tổ chức nhiều hoạt động trên không gian số với mục tiêu đưa thanh niên, sinh viên chủ động tìm hiểu về văn hoá, lịch sử và xây dựng các sản phẩm số để tham gia vào diễn đàn như một sân chơi bổ ích. Sinh viên được thu hút từ những sân chơi định hướng, các bạn sẽ tự mình sáng tạo, làm sản phẩm tham gia, từ đó họ sẽ tự nhận thức giá trị văn hoá, tư tưởng một cách hiệu quả nhất”, chị Phương Dung nhấn mạnh.

Người trẻ Hà Nội góp phần chấn hưng văn hoá

Lễ gắn biển công trình thanh niên "Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Tây Hồ"

Chia sẻ về cách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tại địa phương của mình, bạn Đỗ Ngọc Linh, Quận đoàn Tây Hồ cho biết, Quận Đoàn đã cho ra mắt công trình thanh niên: “Mã hoá dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn”. Thông qua việc sử dụng công nghệ VR360 để số hoá các địa chỉ đỏ, tạo thành những tour tham quan thực tế ảo, mô phỏng lại toàn thể không gian bên ngoài và trong di tích lịch sử. Đó cũng là một cách làm hay và sáng tạo của ứng dụng công nghệ số cần được nhân rộng trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống.

Biển hiệụ công trình thanh niên có gắn mã QR để du khách quet mã truy cập thông tin

Biển hiệụ công trình thanh niên có gắn QR để du khách quet mã truy cập thông tin

Nhận thức được việc giữ gìn, phát huy và quảng bá văn hoá truyền thống của địa phương là rất quan trọng. Năm 2023, Tuổi trẻ Tây Hồ đã cho ra mắt Công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Tây Hồ”. Công trình gồm 2 nội dung là: Số hóa các thông tin của 39 di tích lịch sử đã được xếp hạng, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của quận Tây Hồ; thực hiện cấp mã QR code, tổ chức lắp đặt các điểm quét mã QR code tại 39 di tích để phục vụ khách du lịch tìm hiểu thông qua các thiết bị thông minh. Đến nay, mô hình này đã được rất nhiều các cấp bộ Đoàn trên cả nước cùng triển khai đồng loạt.

Với những việc đã và đang làm, tuổi trẻ Thủ đô chắc chắn sẽ có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm từ thực tế để giữ gìn, phát huy văn hoá tốt đẹp của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

Lượt xem: 18
Tác giả: Đình Trung
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...