Người làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam

Nhắc đến Đại tá Hoàng Xuân Vinh, nhiều người hâm mộ yêu mến, coi anh là niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Hơn 20 năm gắn bó với môn bắn súng, chiến tích mà anh xác lập cho thể thao nước nhà tại đấu trường Olympic lớn nhất hành tinh được xem là đỉnh cao ấn tượng. Anh từng khiêm nhường từ chối đề nghị được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thấu hiểu vinh quang mình mang về cho Tổ quốc là công sức của cả tập thể, hậu phương lớn phía sau.

Vững vàng ý chí

Lên 4 tuổi, cậu bé Vinh đã mất mẹ. Tuổi thơ anh gắn với cơm độn sắn, bữa đói bữa no. Anh chưa bao giờ than thân trách phận, vẫn cáng đáng việc nhà giúp bố mỗi ngày. Vinh được đi học sớm nên tốt nghiệp trung học phổ thông khi mới 16 tuổi. Với mong muốn nối nghiệp bố, anh xung phong lên đường nhập ngũ. Ngày đầu đến đơn vị, Vinh không khỏi choáng ngợp. Ngày đó, anh là người nhẹ cân nhất đơn vị.

Sau những giờ huấn luyện khắc nghiệt trên thao trường, cái nắng, cái gió tại Lữ đoàn 229 Công binh không thể làm khó Hoàng Xuân Vinh. Nhờ thành tích huấn luyện tốt và ý chí cầu tiến, ham học hỏi, anh được cử đi học tại Trường Sĩ quan Công binh. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều về công tác tại Lữ đoàn 239 Công binh. Một lần chứng kiến tài năng bắn súng của Hoàng Xuân Vinh, chỉ huy đơn vị đã cử anh tham gia Hội thi bắn súng toàn quân năm 1998. Hoàng Xuân Vinh nhanh chóng được đội tuyển bắn súng Quân đội chiêu mộ. Chỉ mất hai năm tập luyện, anh đã có tên trong danh sách đội tuyển bắn súng Việt Nam. Năm ấy, Hoàng Xuân Vinh 24 tuổi.

Bắn súng Việt Nam từng nhiều năm liền vận động viên phải tập luyện trong cảnh thiếu đạn, các xạ thủ phải tập bắn bằng bia giấy. Hoàng Xuân Vinh là người hiểu rõ nhất thực trạng này bởi hàng nghìn lần, anh và đồng đội phải “tập chay”. Cảm giác khó chịu, nhàm chán là điều thấy rõ nhưng anh vẫn bền bỉ nuôi dưỡng niềm đam mê.

Huấn luyện viên Hoàng Xuân Vinh (bên phải) chia vui với học trò Phạm Quang Huy sau tấm Huy chương Vàng tại ASIAD 19. Ảnh: NAM TRUNG 

Từng vô địch vài kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Hoàng Xuân Vinh được kỳ vọng sẽ giúp bắn súng Việt Nam vươn tầm. Kỳ vọng đi cùng với áp lực, có những lúc thành tích thi đấu không được như ý khiến anh thấy nản. Đó là năm 2010, khi anh thất bại ở Đại hội thể thao châu Á lần thứ 16 (ASIAD 16). Chuyện buồn tiếp tục kéo đến Olympic London 2012, ASIAD lần thứ 17 năm 2014 khi anh không thể bước lên bục nhận huy chương.

Một lần, Hoàng Xuân Vinh đang ngồi lau súng, trầm ngâm nghĩ về quãng thời gian khó khăn, HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung đến lay nhẹ vai anh, thân mật bảo:

- Chị tin sẽ có ngày nỗ lực của em được đền đáp xứng đáng.

- Em hơi nản, chị ạ. Em nên bắt đầu lại từ đâu?

- Em hãy tập luyện với tâm thế mình là nhà vô địch Olympic.

Hoàng Xuân Vinh ngơ ngác, mất một lúc để hiểu ra ý chị Nhung. Kể từ hôm đó, trước mỗi buổi tập, anh hô to: “Tôi muốn vô địch Olympic”. Để rèn sự tập trung, nhiều lần anh tự nhốt mình trong phòng, đứng im không cử động từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Trải qua 4 năm kiên trì rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân, rốt cuộc nỗ lực tập luyện và ước mơ của Hoàng Xuân Vinh như thấu cả trời xanh. Tại Olympic Rio de Janeiro 2016, Hoàng Xuân Vinh có loạt bắn hoàn hảo ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Viên đạn cuối cùng, anh bắn được 10,7 điểm, xuất sắc giành huy chương vàng lịch sử cho thể thao Việt Nam và phá kỷ lục Thế vận hội. Trên đà thăng hoa, anh giành thêm 1 huy chương bạc ở nội dung 50m súng ngắn.

Sau đỉnh cao ở Olympic Rio de Janeiro 2016, Hoàng Xuân Vinh được giới truyền thông và các doanh nghiệp săn đón như một ngôi sao. Anh sở hữu gương mặt điển trai, chiều cao ấn tượng (1,78m) nên có nhiều điều kiện xây dựng hình ảnh trở thành người nổi tiếng, có cơ hội để làm giàu. Nhưng Hoàng Xuân Vinh xác định tiếp tục gắn bó với bắn súng bởi thể thao đã cho anh tất cả. Được thưởng một khoản tiền lớn, anh dành ra 300 triệu đồng làm công tác thiện nguyện tại quê nhà Quảng Trị. Sau thành tích đặc biệt xuất sắc trên, Hoàng Xuân Vinh được đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhưng anh khiêm nhường từ chối. Anh mong muốn danh hiệu cao quý này được trao tới Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Với anh, thành tích của cá nhân có công lao rất lớn từ tập thể các nhà quản lý, chuyên gia, huấn luyện viên (HLV), đồng đội trong nhiều năm.

Thấy thế, có ý kiến xì xào, có người chê anh “dại quá" hay "vinh dự lớn thế sao dễ dàng từ chối”. Biết chuyện, anh Vinh cười hiền: “Danh hiệu Anh hùng Lao động quá lớn, còn tôi thì nhỏ bé giữa cuộc đời”.

Tập thể là trên hết

Sau Olympic Rio de Janeiro 2016, Hoàng Xuân Vinh có một kỳ nghỉ phép dài. Anh dành phần lớn thời gian bên gia đình. Với anh, đằng sau ánh hào quang là hình ảnh một người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó, chăm lo, vun vén cho gia đình. Có thời điểm Hoàng Xuân Vinh chịu nhiều áp lực bởi thành tích không được như ý, vợ anh (chị Phan Hương Giang) luôn là người đầu tiên an ủi, động viên anh. Có những lúc anh vắng nhà cả năm trời khi cuốn vào guồng tập luyện, thi đấu, chị Giang luôn là hậu phương vững chắc. Bởi vậy, khi có thời gian rảnh, anh luôn dành cho gia đình. Một lần đội tuyển bắn súng Việt Nam tổ chức giao lưu với phóng viên, anh Vinh lịch thiệp đến chào từng mâm, ngồi một lúc rồi xin phép về trước bởi lý do: “Đã hẹn đưa vợ con đi chơi”.

Thành tích đoạt huy chương vàng, huy chương bạc và lập kỷ lục Olympic giúp Hoàng Xuân Vinh trở thành huyền thoại của thể thao Việt Nam, nhưng anh chưa bao giờ có suy nghĩ ngủ quên trên chiến thắng. Từ giữa năm 2022, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung-gun, Hoàng Xuân Vinh nhận vai trò làm huấn luyện viên phụ trách đội tuyển bắn súng Việt Nam. Bên cạnh những công việc chung của đội tuyển, anh còn trực tiếp tham gia huấn luyện một số học trò, trong đó có Phạm Quang Huy. Vì sao một cậu bé cá tính, mê chơi game như Phạm Quang Huy lại răm rắp nghe theo những chỉ đạo của HLV Hoàng Xuân Vinh? Mới đây, có dịp gặp Huy, tôi nhận được câu trả lời: “Năm 2016, khi chú Vinh vô địch Olympic, em mới thi đấu được mấy giải làng nhàng. Khi ấy, em ngắm chú qua ti vi và ước một ngày được làm học trò của chú. Mơ ước ấy đã thành sự thực. Được thần tượng huấn luyện nên em tự tin, tiến bộ và cũng nghe lời hơn”.

Dưới sự chỉ bảo, kèm cặp của HLV Hoàng Xuân Vinh trong suốt một năm, Phạm Quang Huy tiến bộ thần kỳ, xuất sắc giành Huy chương Vàng ASIAD lần thứ 19 diễn ra năm 2023. Đáng nói, đây là tấm huy chương vàng đầu tiên của bắn súng Việt Nam tại sân chơi Á vận hội, danh hiệu mà trước đây chính anh Vinh đã bỏ lỡ đầy tiếc nuối. Ngoài ra, nhiều năm qua, bắn súng Quân đội nhiều lần khẳng định vị thế hàng đầu trong các giải vô địch trẻ, vô địch quốc gia, đại hội thể thao toàn quốc, đóng góp nhiều xạ thủ chủ lực cho đội tuyển bắn súng Việt Nam. Công lao đó có một phần đóng góp không nhỏ của Đại tá Hoàng Xuân Vinh trên cương vị HLV trưởng.

Mới đây, HLV Hoàng Xuân Vinh khiến nhiều người bất ngờ khi rút khỏi đội tuyển bắn súng Việt Nam. Biết chuyện, tôi gọi điện hỏi thăm, anh chia sẻ: "Với tôi, làm ở đâu cũng là làm. Điều quan trọng nhất là mình đóng góp được gì cho tập thể, cho bắn súng nước nhà. Năm 2024, tôi muốn dành sự tập trung tối đa cho nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu của đội tuyển bắn súng Quân đội".

Vẻ ngoài nghiêm nghị, ít nói nhưng bên trong, Đại tá Hoàng Xuân Vinh là một con người sống nội tâm, tình cảm, hết mình vì tập thể. Nghĩ về anh Vinh, tôi nhớ đến nhận xét của Đại tá Ngô Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội: “Hoàng Xuân Vinh biết sắp xếp công việc khoa học, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh là tấm gương sáng để các HLV và vận động viên noi theo”.

Dấu ấn của Đại tá Hoàng Xuân Vinh (sinh năm 1974) được thể hiện qua những chiến công, thành tích: Cho đến nay, anh là người đầu tiên và duy nhất của thể thao Việt Nam giành huy chương vàng, phá kỷ lục Olympic; giành 2 huy chương tại một kỳ Thế vận hội. Anh đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, gồm: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... 

HỮU TRƯỞNG

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...