Người “giữ lửa” nghề gốm mộc Hương Canh

Tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật làm gốm đã thôi thúc anh Nguyễn Hồng Quang (thôn Lò Cang, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) dành phần lớn tâm huyết, thời gian để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề gốm Hương Canh truyền thống.

Làng gốm Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vốn nổi tiếng là làng gốm cổ sành, có tuổi đời trên 300 năm với những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng mẫu mã như chum vại, nồi niêu, ấm chén...Trong quá khứ, thương hiệu gốm sành Hương Canh nức tiếng gần xa với câu ca “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Những năm 60 của thế kỷ trước, gốm Hương Canh phát triển cực thịnh, gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ. Thời điểm đó, bà con làng gốm sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng gốm Hương Canh đã không còn hưng thịnh như trước. Dù vậy, nghề gốm nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa, một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau.

Người “giữ lửa” nghề gốm mộc Hương Canh
Gốm Hương Canh, một địa danh, một thương hiệu không mấy xa lạ, đặc biệt là với người dân Bắc Bộ. Ảnh: Khánh An

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, anh Nguyễn Hồng Quang cùng các nghệ nhân làng gốm Hương Canh luôn nỗ lực làm mới, đa dạng hóa sản phẩm kết hợp duy trì mặt hàng sản xuất truyền thống.

Chủ động phát triển dòng gốm nghệ thuật

Nhận thấy sự chênh lệch giá cả giữa các sản phẩm gia dụng truyền thống và các dòng gốm nghệ thuật, nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang - chủ xưởng gốm nghệ thuật Quang Đức đã chủ động phát triển dòng gốm này.

Người “giữ lửa” nghề gốm mộc Hương Canh
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang (ngoài cùng bên trái) cùng các sản phẩm được tham dự tại triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ảnh: NVCC

Anh Quang chia sẻ, tất cả những hình thù gốm ban đầu đều là những hình trụ, hình tròn, hình lục lăng. Những sản phẩm được thực hiện thủ công bằng phương pháp chuốt bắt buộc phải là hình tròn xoay có tâm. Bản thân người nghệ nhân muốn kết hợp giữa các hình dạng khác nhau cần có kiến thức, học hành bài bản.

Người “giữ lửa” nghề gốm mộc Hương Canh
Mỗi công đoạn đều cần sự chỉnh chu, tỉ mỉ của người thợ. Ảnh: Khánh An

Bản chất của gốm Hương Canh là gốm sành được nung ở nhiệt độ cao, kết cấu của gốm tốt, phát ra tiếng kêu vang ngân đặc trưng. Bên cạnh đó, dấu ấn nổi bật của gốm Hương Canh là gốm mộc không tráng men, màu sắc tự thân, trải qua quá trình nung đất chuyển hóa thành các màu sắc khác nhau. Bởi lẽ trong thành phần ở trong đất chứa hàm lượng ôxit sắt, ôxit mangan cao khi gặp nhiệt độ cao sẽ gây ra hiện tượng cháy, sản sinh ra bề mặt bên ngoài.

Chia sẻ về họa tiết trang trí trên gốm, anh cho biết vẫn đang thực hiện nghiên cứu sâu về màu sắc, hình vẽ tự nhiên. Chính sự mộc mạc, giản dị của gốm Hương Canh đã làm nên nét “duyên thầm” khác biệt. “Gốm là người, con người địa phương nào sẽ mang màu sắc gốm của địa phương đó. Nếu như thành phố sẽ mang lên gốm sự ồn ào, hối hả thì làng quê vẽ nên bức tranh bình lặng như chính con người của họ”, anh Quang tâm sự.

Người “giữ lửa” nghề gốm mộc Hương Canh
Những họa tiết như hình hoa, cây, ngọn cỏ, đường phố, ngôi nhà,...được khắc họa trên gốm. Ảnh: Khánh An

Về màu sắc, gốm Hương Canh vốn chỉ mang tông màu trầm nên việc đưa được sắc độ phù hợp nắm vai trò vô cùng quan trọng. Mỗi người nghệ nhân sẽ có một phương pháp khác nhau, anh cho biết: “Xưởng nhà tôi đang sử dụng phương pháp điêu khắc trên gốm, yếu tố điêu khắc sẽ tạo va đập về ánh sáng, tạo sự rõ rệt giữa khối âm và khối dương tạo nên sắc độ thị giác. Một số màu thường sử dụng trên gốm là màu tự nhiên của đất như màu sáng là đất Trúc Thôn (Hải Dương), đất trắng Bát Tràng hay đất sét Tuyên Quang,..Tôi tích hợp những màu đó bằng nhiều chuyến lò thử nghiệm cho ra kết quả cụ thể, sau đó mới đưa ra trang trí trên sản phẩm gốm”.

Trong quá trình sáng tác, không ít lần mải ấp ủ ý tưởng, mày mò tạo hình và nung thử nghiệm các sản phẩm mới, anh không ngủ nổi, nên việc thức liền mấy đêm diễn ra thường xuyên. Đồng thời anh cũng khẳng định, tất cả những sản phẩm xưởng đang thực hiện hoàn toàn tự sáng tạo, không sao chép, ăn cắp bất cứ mẫu mã nào trên thị trường.

Người “giữ lửa” nghề gốm mộc Hương Canh
Anh Quang sở hữu hàng ngàn mẫu sản phẩm đa dạng. Ảnh: NVCC

Đến nay bình quân mỗi tháng, anh Quang đốt 3 chuyến lò thủ công và 1 chuyến lò ga. Sản lượng thu được để đưa ra thị trường là hơn 550 sản phẩm/tháng. Với mức giá từ 300-800.000 đồng/1 sản phẩm, anh thu về hơn 100 triệu đồng. Các sản phẩm gốm của xưởng hiện phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, gốm Hương Canh cũng được xuất khẩu ra các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ thông qua các đại lí và kênh bán hàng trực tuyến.

Lưu giữ nghề truyền thống cho thế hệ trẻ

Thời gian đầu, anh Quang cho biết bản thân gặp nhiều khó khăn khi chưa độ “chín” nghề cũng như điều kiện tài chính. Nhiều chuyến lò hỏng cùng định kiến từ người dân xung quanh, anh cho rằng kiên định là bí quyết dẫn đường: “Thời điểm mới khởi nghiệp, người dân người ta nói ra nói vào, bảo làm cái này thì bán cho ai. Quả thật, tôi cũng không quan trọng là bán cho ai, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình làm tốt với nghề rồi nghề sẽ tốt lại với mình”.

Người “giữ lửa” nghề gốm mộc Hương Canh
Tâm huyết, say mê của người con làng nghề đã giúp anh vượt qua khó khăn. Ảnh: NVCC

Hiện tại, với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Quang tự tin đã làm chủ được quy trình làm gốm, hiểu rõ về các chất liệu đất, nước và lửa nên mỗi mẻ ra lò, gốm loại I đạt tỷ lệ lên đến 98%, hiệu quả hơn rất nhiều so với lò của các thế hệ trước.

Bên cạnh đó, anh còn mở lớp dạy thợ làm gốm tại xưởng, nhằm đào tạo những bạn trẻ có năng lực trong ngành gốm. Từ kiến thức và trải nghiệm có được, họ sẽ có cơ hội phát triển nghề truyền thống trong tương lai. “Với một người thợ chưa biết gì về nghề, cá nhân phải học nhanh nhất từ 3-6 tháng cho một công đoạn của sản phẩm gốm. Tôi học và trải nghiệm được gì trên gốm đều sẵn sàng truyền lại hết cho các bạn. Chỉ mong thế hệ trẻ sau này nắm bắt tinh thần, hiểu được giá trị tinh hoa mà ông cha để lại”, anh bày tỏ.

Anh Quang cho biết đào tạo nghề cho thế hệ trẻ cần được chú trọng, khi nghề đang còn sức cháy cần sự quan tâm thiết thực của các cấp chính quyền. Anh mong mỏi chính quyền quy hoạch, khoanh vùng đất nguyên liệu sản xuất gốm, tránh để vùng nguyên liệu bị chuyển đổi thành đất phát triển công nghiệp hoặc là nơi xả thải của nhà máy công nghiệp. Bởi chính nguồn nguyên liệu quý giá của Hương Canh đóng vai trò quan trọng, quyết định sự sống còn của nghề gốm trong tương lai.

Lượt xem: 11
Tác giả: Khánh An
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...