Nét văn hóa Hà Nội phát huy trên vùng đất Đạ Tẻh
Với 25% bà con người Hà Nội sinh sống và lập nghiệp tại Đạ Terh (Lâm Đồng), đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Đạ Tẻh là "một phần' của Thủ đô và mong muốn hỗ trợ, hợp tác với địa phương trên nhiều lĩnh vực.
Tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, sáng 27/10, đoàn công tác Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc tại huyện Đạ Tẻh.
Để Đạ Tẻh là "một phần" của Hà Nội
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dần đầu đoàn công tác; cùng đi có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Đoàn công tác của TP Hà Nội đã chia thành các tổ khác nhau tới các xã Mỹ Đức, Quốc Oai, Đạ Kho của huyện Đạ Tẻh.
Tại xã Mỹ Đức, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã trao những món quà đậm dấu ấn nghĩa tình, kết nối tới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn.
Tại đây, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, xã phát huy lợi thế, ưu tiên giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội. Điều này có ý nghĩa quan trọng rất quan trọng, bởi từ đây, các giá trị của Hà Nội và âm hưởng quê hương sẽ hiện diện, sống mãi và cũng là các giá trị vô giá cho các đời sau.
Tại Huyện ủy Đạ Tẻh, báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Mạnh Việt cho hay, toàn huyện có 8 xã (Đạ Lây, An Nhơn, Đạ Kho, Triệu Hải, Quảng Trị, Đạ Pal, Mỹ Đức, Quốc Oai) và thị trấn Đạ Tẻh; có 77 thôn, tổ dân phố. Huyện có 13 dân tộc anh, em cùng sinh sống.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Huyện ủy Đạ Tẻh |
Từ năm 1980 đến 1990, bà con Nhân dân từ TP Hà Nội (chủ yếu là tỉnh Hà Tây cũ như: Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì) đến đây sinh sống, lập nghiệp và có đời sống khá giả.
Hiện Đạ Tẻh có khoảng 3.000 hộ (25%) người Hà Nội sinh sống. Đặc biệt, đa số bà con vẫn giữ được các lễ hội truyền thống của người bản địa, duy trì được những sản phẩm văn hóa của người dân Hà Nội.
Thế mạnh của huyện Đạ Tẻh vẫn là sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, huyện đã xây dựng được 2 nhãn hiệu gồm: “Bưởi da xanh Đạ Tẻh”, “Sầu riêng Đạ Tẻh” và 8 sản phẩm OCOP, qua đó từng bước khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn huyện.
Trong đó, dâu tằm là cây chủ lực của huyện Đạ Tẻh với hơn 1.500ha. Năm 2019, huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (Đạ Kho, An Nhơn, Quảng Trị, Quốc Oai, Mỹ Đức).
Đồng chí Hoàng Hồng Giang, đại diện xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh phát biểu tại buổi đón tiếp |
Huyện cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của những địa phương ở Hà Nội như các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên.
Năm 2011, huyện Quốc Oai vào thăm và hỗ trợ xã Quốc Oai một công trình trị giá 500 triệu đồng; cộng với nguồn đối ứng của huyện Đạ Tẻh đã xây dựng Nhà văn hóa thôn Hà Mỹ.
Năm 2014, huyện Thường Tín vào thăm và hỗ trợ xã Mỹ Đức 1 công trình đường giao thông thôn 4 trị giá 520 triệu đồng.
Hà Nội sẽ hỗ trợ trước hết ở lĩnh vực giáo dục
Bày tỏ sự vui mừng về những nét văn hóa của Hà Nội đang được gìn giữ và phát huy trên vùng đất mới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cảm ơn Đảng bộ huyện Đạ Tẻh đã giúp đỡ để bà con có thu nhập cuộc sống cao so với bình quân toàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, trong 5 xã Nông thôn mới nâng cao của huyện Đạ Tẻh có 3 xã người Hà Nội có công viên xanh. Điều này cho thấy phẩm chất, cốt cách, tâm hồn của người Thủ đô không những được duy trì mà còn phát huy trên vùng đất mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trao tặng bức tranh tới Huyện ủy Đạ Tẻh |
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, huyện Đạ Tẻh có tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn: Đất đai, thổ nhưỡng còn nguyên và đặc biệt là sự kết nối giao thông với TP HCM và nguồn nhân lực. Đặc biệt, đồng chí cũng đánh giá cao huyện đang đi đúng hướng đó là đẩy mạnh chuyển đổi số.
“Vì vậy, huyện phải gắn kết nguồn nhân lực. Đặc biệt, muốn phát triển du lịch hay hình thành khu công nghiệp thì phải có lộ trình để tránh câu chuyện khi dân nhập cư đông hơn dân tại chỗ, tạo sức ép lên hạ tầng xã hội và giữ gìn phát huy văn hóa bản địa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và nói thêm: “Câu chuyện sâu xa và bền vững là cần quy hoạch xứng tầm vì là cửa ngõ kết nối với cụm phía Nam”.
Một lần nữa khẳng định, Đạ Tẻh là "một phần" của Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, Hà Nội sẽ chia sẻ, đồng hành với huyện Đạ Tẻh ở mọi khía cạnh.
“Trước tiên, Hà Nội sẽ hỗ trợ huyện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Tiếp đó, các Sở, ban, ngành của TP, đặc biệt là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội sẵn sàng mời huyện tham gia vào trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Hà Nội miễn phí”, đồng chí Nguyễn Văn Phong chia sẻ.
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực văn hóa, thành phố sẽ tổ chức Ngày văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng và tại Đạ Tẻh. Hàng năm, thành phố sẽ có các đoàn chuyên nghiệp đến biểu diễn phục vụ bà con. Đặc biệt, Hà Nội mong muốn tặng huyện Đạ Tẻh công trình có tính biểu tượng và điểm nhấn về kinh tế - xã hội để tạo sự gắn kết giữa Thủ đô với địa phương.
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác tại Huyện ủy Đạ Tẻh |
Ngược lại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội có thể học tập việc chuyển đổi số của Đạ Tẻh; đồng thời bày tỏ mong đoàn lãnh đạo của huyện sớm ra thăm Hà Nội và đề xuất trực tiếp cần hỗ trợ về những mô hình nhân giống gà mía, bò sinh sản hay du lịch cộng đồng.
Nhân dịp này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thay mặt đoàn công tác tặng 250 suất quà cho bà con Hà Nội và 100 triệu đồng hỗ trợ bà con trên địa bàn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phòng thay mặt đoàn công tác tặng 250 suất quà cho bà con Hà Nội và 100 triệu hỗ trợ bà con trên địa bàn. |
Một số hình ảnh của đoàn công tác tại Đạ Tẻh sáng 27/10:
Đoàn công tác tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Đạ Tẻh |
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các thành viên đoàn công tác thăm xã Quốc Oai |
Đoàn công tác trao quà tại xã Đạ Kho |