Loạt địa điểm du lịch không phải ai cũng dám đặt chân tới ở Nhật Bản
Không chỉ có những địa điểm đẹp hay mùa hoa anh đào rực rỡ, ở Nhật bản cũng có địa danh mà không phải ai cũng dám đặt chân tới.
Nhật Bản là một trong những quốc gia châu Á nổi tiếng với nhiều địa điểm đậm tính lịch sử và văn hóa. Đồng thời, mỗi năm, cứ vào dịp này, từ tháng 4 trở đi, khung cảnh đất nước mặt trời mọc lại thêm thơ mộng bởi sắc hoa anh đào. Chính vì vậy, những chuyến đi tới Nhật Bản luôn được xem là những chuyến du lịch trong mơ với nhiều người.
Theo thống kê từ Tổ chức Du lịch Quốc gia, tính riêng trong tháng 1 năm 2023, có khoảng 1,5 triệu lượt khách đến Nhật Bản và con số này có xu hướng tăng khi đất nước bước vào mùa cao điểm - mùa hoa anh đào.
Tuy nhiên, không phải nơi nào ở Nhật Bản cũng “chào đón” du khách. Có một số địa điểm được cho là khá rùng rợn và có phần đáng sợ, đến chính những người dân bản địa cũng phải e rè hoặc không dám đặt chân tới. Đằng sau mỗi địa điểm như thế lại có ẩn chứa những câu chuyện hoặc điều bí ẩn khác nhau.
1. Rừng Aokigahara
Ảnh: Getty
Aokigahara đơn giản chỉ là một khu rừng, song không phải tự nhiên mà nó trở thành một trong những khu rừng nổi tiếng nhất Nhật Bản và đã có hẳn 1 bộ phim về nơi này.
Là một khu rừng ở sườn phía Tây Bắc núi Phú Sĩ, Aokigahara phát triển trên nền nham thạch đã cứng rộng khoảng 30km2. Nhiều thông tin cho thấy, khu rừng có nguồn gốc từ vụn phun trào lớn cuối cùng của núi Phú Sĩ vào năm 864 SCN. Ngoài ra, rìa phía Tây của Aokigahara có một số hang động đầy băng tuyết vào mùa đông. Chính vì vậy nó được coi là địa điểm nổi tiếng cho du khách tới tham quan.
Tuy nhiên, nhiều du khách nhận xét, khung cảnh ở rừng Aokigahara đem lại một cảm giác vô cùng khác biệt. Rừng rậm xoắn Aokigahara im lặng một cách kỳ lạ, và ngay cả ánh sáng mặt trời cũng khó len lỏi qua tán cây.
Có nhiều câu chuyện bí ẩn và có phần đáng sợ xung quanh địa điểm này. CNN hay The Japan Times đặc biệt gọi Aokigahara với cái tên là "khu rừng tự sát" bởi nó được xem là địa điểm tự sát phổ biến thứ hai thế giới.
Ảnh: Getty
Theo The Japan Times, hồ sơ của cảnh sát địa phương, trong nhiều thập kỷ qua, có hàng trăm người từng cố gắng tự tử tại đây và khoảng khoảng một nửa trong số họ được cứu sống. Chỉ riêng từ năm 2013- 2015, hơn 100 vụ tự sát được ghi nhận, nhiều đến nỗi chính phủ đã đặt thông tin và thẻ ở khắp mọi nơi về phòng chống tự tử.
Chưa hết, Aokigahara còn được cho là từng được sử dụng để thực hành 'ubatse' hoặc tập tục để những bà già chết trong rừng, và người ta nói rằng yurei (linh hồn) của họ vẫn ám ảnh khu rừng. Chính quyền địa phương cho biết, việc tự sát ở đây diễn ra thường xuyên nên cảnh sát và các tình nguyện viên có những đợt tiến hành tìm kiếm thi thế định kì.
Ảnh: Getty
Cũng bởi những câu chuyện trên mà nhiều du khách nhận xét rằng, họ khá lo sợ khi tới khu rừng, ngay cả vào ban ngày.
2. Super Scary Labyrinth Of Fear – Fuji Q Highland
Super Scary Labyrinth Of Fear nằm trong công viên Fuji Q Highland, thực chất là một bối cảnh được dựng lên, nhằm thu hút những vị khách yêu thích yếu tố kinh dị và sự mạo hiểm. Nó được thiết kế dưới dạng một bệnh viện bỏ hoang với những bức tường cao ẩm mốc, các bảng biểu, đèn báo hỏng hóc hay những dấu hiệu “lạ” in trên tường.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều du khách nhận xét rằng việc chinh phục địa điểm này cũng không hề dễ dàng. Nhiều người còn kể lại rằng họ thật sự đã bắt gặp những hiện tượng bất thường tại đây.
Ảnh: Japan Today
Theo Japan Deluxe Tour, một chuyên trang lớn về hướng dẫn du lịch Nhật Bản, câu chuyện xoay quanh về Super Scary Labyrinth Of Fear về một bệnh viện, một trung tâm y tế đã từng rất thịnh vượng trước đây. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện bí ẩn, bắt nguồn từ một số bác sĩ, đã khiến nơi này biến thành một địa điểm đáng sợ.
Đi qua cánh cổng đổ nát và bước vào trong, du khách sẽ bắt gặp những hành lang sâu hun hút cùng ánh đèn chập chờn, những thi thế giả, những bộ phận cơ thể, được đặt trong những thùng gỗ lớn, hay những dụng cụ phẫu thuật vương vãi khắp nơi.
Những khu vực được xem là khiến người trải nghiệm “dựng tóc gáy” nhất trong bệnh viện có thể kể tới như căn phòng Không lối thoát, Khu cách ly, Phòng Chụp CT, Phòng Khám Chẩn đoán và Phòng Phẫu thuật Thứ ba,...
Ảnh: Japan Today
Để đi hết 2 tầng của “bệnh viện ma”, du khách sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên không ít người đã phải bỏ dỡ quãng đường và không thể hoàn thành hết việc khám phá bởi nó quá đáng sợ và chân thật.
3. Cổng số 3, khu trại Hansen, Okinawa
Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra rất nhiều sự tàn phá ở Nhật Bản và để lại rất nhiều binh sĩ thiệt mạng. Một trong những nơi đã chứng kiến điều này là trại Hansen ở Okinawa. Trại là căn cứ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và hỗ trợ hơn 6.000 lính thủy đánh bộ. Từng có một vụ giết người đẫm máu bởi những binh lính trong thế chiến thứ II tại khu trại của quân đội Hoa Kỳ này.
Trại Hansen, Okinawa, Nhật Bản
Khi hòa bình được thiết lập, trại Hansen vẫn được hoạt động bình thường. Tuy nhiên ở khu vực cổng 3 của trại, hiện nay đã được đóng, có nhiều câu chuyện kỳ quái xoay quanh nó.
Nhiều người dân bản địa kể lại rằng, họ đã từng bắt gặp những bóng người kỳ lạ tại cổng 3 trại Hansen. Nó giống như một người lính, trên người mặc bộ quần áo đẫm máu và xin thuốc lá từ những người gần đó. Sau khi bật lửa châm thuốc, anh ta cũng sẽ biến mất luôn theo làn khói.
Khu vực Cổng 3 - nơi từng được kể lại là xuất hiện nhiều câu chuyện đáng sợ, giờ đã bị đóng
4. Đảo Hashima
Cách thành phố Nagasaki khoảng 9 dặm là một hòn đảo bị bỏ hoang, không có cư dân sinh sống và được mệnh danh là “hòn đảo địa ngục” hay “hòn đảo bị lãng quên” giữa biển Nhật Bản. Đó là đảo Hashima.
Ảnh: The Japan Times
Cho đến hiện nay, trên đảo không hề có một cư dân nào sinh sống và chỉ còn những vết tích đổ nát của những tòa nhà cao tầng. Tờ Daily Mail đưa tin, hòn đảo từng là cơ sở khai thác than sầm uất vào những năm Thế chiến thứ 2. Đồng thời, nó cũng là nơi ở của những người lao động làm việc tại các hầm, mỏ khai thác than.
Tuy nhiên vào năm 1974, đảo Hashima chính thức bị đóng cửa. Nguyên nhân được cho là dầu mỏ dần thay thế than ở Nhật trong những năm 1960, từ đó hoạt động công nghiệp khai thác than trên đảo cũng phải kết thúc.
Khung cảnh hoang vắng, lạnh lẽo cùng những tòa nhà cũ, ẩm mốc, đổ nát, khiến nơi đây không khác gì phim trường của một bộ phim kinh dị. Cũng có nhiều câu chuyện được truyền miệng lại về sự đáng sợ của số phận những người công nhân, lao động trên đảo. Brian Burke-Gaffney - một vị Giáo sư tại Đại học tổng hợp Nagasaki, đã viết một phóng sự về Hashima. Ông phỏng đoán rằng đến cuối Thế chiến II, có khoảng 1.300 người nằm lại trên đảo, chưa kể đến số định trốn qua biển và làm mồi cho cá.
Ảnh: Jordy MEOW
Sau nhiều năm bỏ hoang, đảo Hashima chính thức mở cho khách du lịch tham quan vào năm 2009. Đến năm 2015, UNESCO cũng quyết định công nhận hòn đảo là Di sản thế giới.
Ngày nay, với những du khách yêu thích sự khám phá những điều mới lạ hay những địa điểm mang tính lịch sử, có phần rùng rợn, thì chắc chắn không thể bỏ qua hòn đảo địa ngục nổi tiếng này.
Ảnh: The Japan Times