Làm kịch thiếu nhi “cháy vé”

“Ngày xửa ngày xưa” được Sân khấu kịch Idecaf ra mắt tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) lần đầu tiên năm 2000 với vở kịch “Tấm Cám”. Sau 23 năm, chương trình đã cho ra mắt 34 vở kịch; vở mới nhất mang tên “Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai”, suất diễn đầu tiên diễn ra vào ngày 27-5 và hiện đã “cháy vé” với 20 suất xếp lịch cho tháng 7-2023.

Chuyện “cháy vé” với “Ngày xửa ngày xưa” dường như đã trở thành câu chuyện quen thuộc với giới làm sân khấu phía Nam, mỗi khi Idecaf giới thiệu công diễn vở mới ở mỗi mùa diễn (thường là dịp Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu hoặc Noel). Mùa hè 2022, ngay lần đầu mở bán “Ngày xửa ngày xưa” số 33 với vở “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá” đã có khoảng 13.000 vé được bán chỉ trong vài giờ. Vở này đã diễn suốt từ mùa hè 2022 qua năm 2023, với 55 suất diễn. Nhưng thật không ngờ tới năm nay, ngay đợt đầu mở bán “Ngày xửa ngày xưa” số 34, 14.000 vé đã bán được trong hơn một giờ đồng hồ, xô đổ mọi kỷ lục trước đây.

Cảnh trong “Ngày xửa ngày xưa” số 34 với vở “Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai”. Ảnh: IDECAF

Sức hút của “Ngày xửa ngày xưa” được lý giải, trong mỗi câu chuyện cổ tích, các nghệ sĩ gửi gắm những bài học đối nhân xử thế, tình anh em, gia đình; các diễn viên ở Idecaf quá quen diễn kịch thiếu nhi hơn 20 năm nay. Đó là những tên tuổi đã trở thành ký ức yêu thương của khán giả nhí như: Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Hương Giang, Mỹ Duyên, Tuấn Khôi, Đình Toàn, Lê Khánh... Những gương mặt “thương hiệu” ấy khiến cứ đến hè là khán giả đã trong tâm thế “săn vé” để được đến với “Ngày xửa ngày xưa”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf cho biết, làm kịch thiếu nhi không dễ, vừa tốn kém kinh phí gấp đôi, gấp ba so với kịch người lớn vì may trang phục và cảnh trí rất nhiều, rất lộng lẫy, trong khi đó giá vé phải thấp hơn kịch người lớn. Lại thêm nghệ sĩ rất vất vả, công sức cũng bỏ ra gấp đôi, gấp ba. Mỗi năm, ê kíp dàn dựng lại trăn trở tìm những câu chuyện hay, hấp dẫn để chinh phục khán giả nhí; việc đầu tư sáng tác âm nhạc, trang phục, đạo cụ... cho mỗi vở diễn cũng khá cầu kỳ. Vì lẽ ấy mà sân khấu đã “nuôi” cho mình một lớp khán giả riêng. Có những bé 3, 4 tuổi xem chương trình và đến nay ngoài 20 tuổi vẫn xem. Do vậy, không quá khó hiểu khi đến “Ngày xửa ngày xưa”, người ta bắt gặp hơn nửa rạp là tuổi teen-những khán giả đã lớn cùng chương trình. “Đi xem kịch ở đây chỉ nhớ thông điệp nhân văn thôi, đừng quá thắc mắc về các tình tiết, bởi có khi nó giản đơn theo kiểu con nít. Ấn tượng đọng lại là sắc màu lung linh, mơ mộng; là một thế giới thần tiên đưa người ta về với tuổi thơ, quên đi mọi phiền phức, lo toan. Mộng mơ ấy, lung linh ấy nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ”, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Giữ thương hiệu cho “Ngày xửa ngày xưa” bước tới chặng đường 23 năm phải kể đến sự nhiệt huyết và tài năng của Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc. Trong vở “Tấm Cám”, Thành Lộc đã khuấy động sân khấu với vai Cám đỏng đảnh, ham chơi. Vai diễn của ông khiến từ khán giả nhí đến phụ huynh cười nghiêng ngả trong những lần trả treo hay điệu múa hất tóc “lố” khi gọi cá bống. Vở mới nhất “Truy tìm thủy long kiếm”, thấy Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc lăn tròn trên sàn gỗ mà khán giả... lo lắng.

Cùng với lối diễn xuất tung hứng kiểu “cưa sừng làm nghé”, Thành Lộc và nhiều nghệ sĩ Idecaf rất dễ thương, không làm ai khó chịu. Vậy nên hồi tháng 5 vừa qua, khi nghệ sĩ có ý sẽ tạm nghỉ diễn xuất một thời gian, ngay lập tức đã đưa đến nguồn dư luận, rằng liệu Thành Lộc nghỉ thì “Ngày xửa ngày xưa” có mất đi độ “hot”, “linh hồn” của một chương trình thiếu nhi bậc nhất ở sân khấu phía Nam? Nghệ sĩ cũng đã lên tiếng trấn an dư luận, rằng chỉ tạm dừng các dự án sân khấu diễn cho người lớn, còn với sân khấu cho thiếu nhi, ông vẫn luôn sẵn sàng, cũng như đang ấp ủ nhiều câu chuyện hấp dẫn mới cho những số tiếp theo của “Ngày xửa ngày xưa”.

ĐÌNH CHUNG

Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết