Khúc tráng ca lên chèo

Kịch bản “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai, do soạn giả Đức Minh chuyển thể chèo, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi đạo diễn, được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng chỉ đạo Đoàn Chèo Hải Phòng dàn dựng, công diễn đúng dịp tháng 7-2023 thêm một lần nữa khai thác tiểu thuyết “Mưa đỏ” (nhà văn Chu Lai)-khúc tráng ca về cuộc chiến đấu anh hùng.

Các nhân vật trong tác phẩm hầu hết là sinh viên các trường đại học ở miền Bắc, nhập ngũ năm 1972, chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để đến thực hiện Hiệp định Paris, quân Mỹ cuốn cờ về nước và sau đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Đưa nội dung nhiều tiếng súng và máu lên sân khấu chèo đâu có dễ, bởi chèo như các cụ để lại là những câu chuyện về tình nhân ái, những nhân vật chuẩn mực đạo đức, thước đo phẩm hạnh (chủ yếu là người phụ nữ). Chèo giàu tính nhân văn, trữ tình nhưng cũng nhiều tiếng cười hóm hỉnh. Với “Mưa đỏ”, ê kíp nghệ sĩ thực hiện đã “tạm gác” những cảnh chiến đấu rồi kỹ càng lựa chọn những câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân, tình yêu đôi lứa, thậm chí có cả tình của người phía bên kia với tấm gương ngời sáng phía bên này mà thương vụng, nhớ thầm.

Hình ảnh trong vở chèo “Mưa đỏ”. Ảnh: CHÂU XUYÊN    

Xem chèo “Mưa đỏ”, có thể thấy vài cảnh mở kịch là không gian của chiến tranh trên sông Thạch Hãn và tại Thành cổ Quảng Trị. Chỉ đưa lên sân khấu “chào khán giả” vài cảnh ấn tượng trong bom đạn, rồi ngay sau đó, không khí chèo đã được xây dựng từng bước thông qua số phận của các cặp nhân vật chính và phụ. 

Cặp nhân vật chính, cũng là cặp có tình yêu xuyên suốt vở diễn, nhiều thử thách, kể cả thử thách hiểu lầm mà cuối cùng họ thành tình yêu lý tưởng, nhưng không hoàn mãn vì chàng trai hy sinh trong tình huống cắm cờ cách mạng lên bờ cao nhất của Thành cổ. Còn cô gái tên Hồng, vốn là sinh viên Khoa Văn, Viện Đại học Huế (nay là Đại học Huế) còn sống đến ngày chiến thắng.  

Nhà văn Chu Lai vốn là chiến sĩ đặc công, chiến đấu gần 10 năm ở vùng ven Sài Gòn, đã dành cho bạn đọc hàng chục cuốn tiểu thuyết chiến tranh thành công. Ông từng trải và giàu kinh nghiệm trong xây dựng các hình tượng văn học về người chiến sĩ. Ở “Mưa đỏ”, Cường là chiến sĩ đặc công và Hồng cũng là một đặc vụ, từ Huế lọt vào chiến đấu trong Thành cổ. Tác giả nhấc lên đặt xuống hai nhân vật chính của vở diễn để qua mỗi sự kiện, mỗi thử thách lại bồi đắp đầy thêm số phận nhân vật chính của mình. Đỉnh cao để cặp đôi thử thách tình yêu của họ là tình huống cô Hồng bị địch bắt, mà trong đám đối phương, tiếp nhận, xử lý cô Hồng lại là viên trung úy ngụy quân Sài Gòn từ trước đó đã yêu thầm cô Việt cộng tài sắc. Sau đó, chính người yêu của Hồng-là Cường-dẫn một tốp chiến sĩ cứu cô, nhưng “kịch tính” ở chỗ chàng ghen tuông vì thấy cảnh viên sĩ quan ngụy "cuối mắt đầu mày" với cô. 

Có thể nói, vở diễn gây xúc động người xem ở phần hai, khi nói về những hy sinh trong Thành cổ, bắt đầu từ trạm xá dã chiến, nơi bác sĩ đau đớn gạt nước mắt vì các bệnh nhân chiến sĩ đưa về đến trạm thì đã tắt thở. Cảnh mổ cho chiến sĩ không có thuốc gây mê hoặc thuốc tê, phải mổ “sống” nhưng cũng không cứu được thương binh... Những cảnh diễn đưa cảm xúc người xem dồn nén lại không phải khi chứng kiến trực diện sự hy sinh của chiến sĩ Thành cổ mà vì tình người trong bom đạn ác liệt. Mối tình của Cường và Hồng, dù Cường đã hy sinh nhưng vẫn được cô gái nuôi dưỡng tình yêu và truyền lại cảm xúc cho hai bà mẹ, là mẹ Cường và mẹ của sĩ quan phía bên kia đã bắn Cường. Rồi hai bà mẹ của hai phía đứng bên nhau, chia sẻ mất mát, bù lại tình yêu thương cho nhau và Hồng qua bao thăng trầm còn sống bên họ.

Vở chèo không kết thúc có hậu như những vở chèo truyền thống, mà kết thúc trong thao thức về sự hy sinh và chiến tranh, kết thúc để nhắc nhớ về quá khứ anh dũng, nhắc người xem nhớ máu đã đổ như mưa đỏ và đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh, để xảy ra “mưa đỏ” trên đất nước thân yêu.

Đạo diễn vở chèo, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi là học trò của nhiều đạo diễn sân khấu và kịch hát nổi tiếng, đến lượt mình “cầm đũa” chỉ huy dàn diễn viên và các đồng nghiệp hỗ trợ từ âm nhạc, mỹ thuật đến múa và cả dạy hát. Tất cả trở thành một khối sáng tạo thống nhất, để chèo “Mưa đỏ” là vở diễn của câu chuyện chiến tranh nhiều tiếng súng, vẫn là chèo, đặc sệt chèo từ bố cục các mảnh diễn ước lệ, thay vào chuyện súng đạn là tình người, ngôn ngữ tinh túy, kỹ càng và tiết chế từng câu hát phù hợp với con người thời bom đạn.              

Kịch hát lâu nay của các đoàn sân khấu thường lùi về những câu chuyện công chúa, hoàng tử một thời xa xưa. Vì vậy, Đoàn Chèo Hải Phòng đưa lên sân khấu chuyện chiến tranh và con người sau chiến tranh còn nóng hổi tính thời sự là một cố gắng. Một hướng đi của nghệ thuật sân khấu tiếp cận những vấn đề hôm nay, để công chúng nhìn lên sàn diễn có thể gặp hình bóng mình, người thân của mình và chia sẻ về số phận con người một thời chưa xa. Đưa khúc tráng ca về người chiến sĩ lên chèo đòi hỏi sự cất bước của Đoàn Chèo Hải Phòng, cố gắng làm mới sân khấu bằng số phận con người đương thời và họ đã thành công ngay từ đêm diễn đầu tại Nhà hát thành phố vốn kén khán giả.

Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng sẽ đưa vở lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội diễn hai tối cuối tháng 7 này. Đây là điều đáng hoan nghênh, để nghệ thuật chèo, những vở diễn hay được lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân, vào niềm yêu thích sân khấu truyền thống của khán giả.

Tags: Mưa đỏ
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết