Khèn Mông - Nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh
Khèn Mông là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được diễn tấu trong tang ma, là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm. Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Khèn Mông càng được người dân trân trọng và tự hào khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khèn Mông là nhạc cụ gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Mông từ bao đời nay và đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn hiện hữu trong mọi mặt của đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người Mông, là một loại nhạc cụ độc đáo, không chỉ bởi tính đại chúng của nó mà còn là nhạc cụ, đạo cụ.
Theo nghệ nhân Thào Cáng Súa, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, khèn là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được sử diễn tấu trong tang ma nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm. Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp gió gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái.
Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp.
Khi biết tin khèn Mông Mù Cang Chải đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của khèn Mông Yên Bái và đặc biệt hơn là được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ nhân Thào Cáng Súa tự hào chia sẻ, "Tôi rất vui khi khèn mông được công nhận và lọc vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi hứa sẽ tiếp tục truyền dạy các điệu khèn, cách chế tác khèn cho thế hệ trẻ để khèn Mông luôn được gìn giữ cho muôn đời sau”.
Các nghệ nhân xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải tập luyện các điệu nhảy và khèn Mông. Ảnh: Bùi Bình |
Không chỉ đối với những nghệ nhân, niềm tự hào ấy đã lan tỏa tới thế hệ trẻ, tạo thêm động lực để thế hệ trẻ chung tay gìn giữ và phát huy loại nhạc cụ này thực sự là biểu tượng thiêng liêng, là nét văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa trong mắt bạn bè, du khách gần xa.
Anh Sùng A Dà, bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải tự hào cho biết, “bản thân tôi thấy rất vinh dự và tự hào khi biết khèn Mông được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì và lưu truyền nghệ thuật khèn Mông cho thế hệ trẻ ”.
Những năm qua, khèn mông không còn là biểu tượng văn hóa đơn thuần của người Mông huyện Mù Cang Chải mà là nét văn hóa đặc trưng với những hoạt động văn hóa rộng rãi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đông đảo du khách biết đến.
Mỗi du khách hay các nhà nhiếp ảnh đều có những cảm nhận sâu sắc về khèn Mông cũng như việc chế tác nhạc cụ này, ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái tâm sự, “chúng tôi có dịp đến thăm nghệ nhân Thào Cáng Súa mới thấy được sự công phu, tỷ mỷ nhất là khi được xem ông chế tác và biểu diễn thì thấy đây là một nghệ thuật giá trị và là nét văn hóa độc đáo của người Mông”.
Nét văn hóa độc đáo của khèn Mông và đặc biệt hơn khi khèn Mông Yên Bái nói chung và Mù Cang Chải nói riêng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đã góp phần giúp các cấp có những chính sách đúng đắn trong công tác bảo tồn và lưu giữ khèn Mông trong tương lai.
Từ đó, tạo điều kiện và hỗ trợ các nghệ nhân, câu lạc bộ khèn Mông phát triển, gìn giữ một cách có hiệu quả nhất, ông Giàng A Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mồ Dề cho biết, “khèn Mông vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm vinh dự với người Mông, để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn khèn Mông, thời gian tới, cấp ủy chính quyền xã Mồ Dề tiếp tục lãnh chỉ đạo các nghệ nhân tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ để gìn giữ loại hình nghệ thuật này, vừa thúc đẩy phát triển du lịch nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn”.
Với niềm tự hào của các tầng lớp nhân dân và sự chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa của các cấp, các ngành, khèn Mông sẽ tiếp tục phát triển và trở thành nét văn hóa đặc trưng, luôn xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó các tầng lớp nhân dân sẽ tiếp tục phát huy, bảo tồn hơn nữa để khèn Mông thực sự là biểu tượng văn hóa, thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu và trở thành một sản phẩm du lịch trong cồng đồng người Mông.