Kết nối văn hóa đọc: Dẫn nhập kiến trúc Trung Hoa

Kiến trúc cổ điển của Trung Quốc là một viên ngọc sáng, thể hiện văn minh Trung Hoa trong suốt mấy ngàn năm. Nhưng có nhiều thuật ngữ chuyên ngành trở thành rào cản khiến công chúng hiện đại không thể hiểu hết. Học giả Vương Kỳ Quân đã mất hơn chục năm hoàn thành hai từ điển độc đáo “Kiến trúc Trung Hoa bằng tranh” và “Vườn cảnh Trung Hoa bằng tranh”. Bản dịch tiếng Việt hai cuốn sách này vừa được phát hành rộng rãi, do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Cổ phần Sách dịch và Từ điển giáo dục liên kết xuất bản.

Tác giả Vương Kỳ Quân sinh năm 1954, tốt nghiệp Học viện Kiến trúc Trùng Khánh, nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử và Lý luận kiến trúc tại Học viện Kiến trúc, Đại học Thanh Hoa danh tiếng. Trong quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu, ông nhận thấy tầm quan trọng của từ điển để hiểu về di sản kiến trúc dân tộc. Không có từ điển sẽ khó có thể biết một thuật ngữ nói về bộ phận nào, hoặc một cấu kiện nào đó rốt cuộc nằm ở vị trí cụ thể nào.

Nếu không có hình vẽ để diễn đạt cụ thể như dẫn người đọc đi tham quan, dù có giải thích tường minh bao nhiêu cũng khó đạt hiệu quả. Đó là lý do tác giả Vương Kỳ Quân quyết dồn tâm sức trong hơn chục năm để biên soạn các cuốn từ điển bằng tranh. Hai cuốn sách của Vương Kỳ Quân đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nhất là những ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, tiếng Pháp; qua đó góp phần giới thiệu giá trị tinh hoa của kiến trúc cổ điển Trung Quốc ra toàn cầu.

 Bìa hai cuốn sách.

Cuốn sách “Kiến trúc Trung Hoa bằng tranh” (Cao Xuân Thành-Nguyễn Thị Thanh Tâm dịch, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh hiệu đính) với hơn 430 trang, gồm 30 chương. Mỗi chương tập trung vào một bộ phận kiến trúc như mái, tường, cột trụ, cửa sổ... Như chương I về phần mái, với hàng chục mục từ, tác giả đã làm rõ sự khác biệt giữa các loại mái, trên các mái thường trang trí chi tiết nào. Tất cả đều rất tỉ mỉ, đặc biệt có hình vẽ tả thực và bức ảnh sinh động. Kiến trúc cổ điển của Trung Hoa là kết tinh của sự sáng tạo và trí tuệ người xưa, nó hoàn toàn khác biệt với nghệ thuật đương đại mà chúng ta quen thuộc. Các nghệ nhân xưa không chỉ vận dụng kích thước và tỷ lệ vào kiến trúc một cách khéo léo mà trong phần bố cục cũng thể hiện rõ tiết tấu và nhịp điệu, hơn nữa còn sử dụng phép ẩn dụ và liên tưởng lồng ghép vào hình tượng nghệ thuật.

Tương tự như vậy, “Vườn cảnh Trung Hoa bằng tranh” (Đỗ Khương Mạnh Linh dịch, kiến trúc sư Nguyễn Huy Khanh hiệu đính) dày hơn 360 trang, đi vào khung cảnh “thần tiên” của vườn cảnh cổ điển Trung Hoa với các chiều kích: Loại hình vườn cảnh, những kiến trúc trong vườn cảnh, trang trí trong vườn cảnh... 

Hai công trình này là kết tinh của việc “đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường” của tác giả-một người chú trọng lý thuyết và thực tiễn; trên nền tảng là sự say mê công việc, tính kiên trì hiếm thấy. Tác giả Vương Kỳ Quân đã làm công việc đầu tiên, đó là tập hợp hệ thống tư liệu, phân tích, diễn giải tri thức kiến trúc cổ đại Trung Hoa để lưu giữ và quảng bá. Công việc phát huy thế nào tri thức được lưu giữ, nghiên cứu để trở thành sản phẩm văn hóa là giai đoạn khác, của những con người khác, thậm chí là thế hệ khác.

Từ việc dịch và giới thiệu cuốn sách mà thực chất là hai cuốn từ điển, chúng ta thấy tầm quan trọng của sách nhập môn. Tác giả sách nhập môn cần có đủ uy tín học thuật, phải có kiến thức chuyên sâu mới có thể tóm lược nội dung cơ bản nhất, trình bày dễ hiểu nhất để những người đọc có thể tiếp cận được ngay. 

Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết