Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Đua thuyền độc mộc là một trong những hoạt động sôi nổi, mang nét đẹp truyền thống của đồng bào Giơ Rai ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Năm nay, Hội đua thuyền độc mộc ở vùng biên giới, trên dòng sông Pô Cô  được UBND huyện Ia Grai tổ chức lần thứ 3 tại bến đò làng Dăng, xã Ia O, thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến cổ vũ nhiệt tình. 

Là một trong những người sống lâu năm với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nắm chắc địa bàn và am hiểu văn hóa truyền thống người dân địa phương, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nguyên Bí thư Huyện ủy Ia Grai, chia sẻ: Dòng sông Pô Cô huyền thoại nối nhịp đôi bờ giữa Gia Lai và Kon Tum, nơi thượng nguồn là biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, vùng đất này đã sinh ra A Sanh (tên thật là Puih San). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, A Sanh đã dùng con thuyền độc mộc làm từ một thân cây để chở bộ đội, vật tư tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù. Tên người anh hùng A Sanh đã hóa thân vào bài hát nổi tiếng "Người lái đò trên sông Pô Cô" (thơ Mai Trang, nhạc Cầm Phong) và còn sống mãi với người dân Giơ Rai.

 Hội đua thuyền độc mộc của người dân Giơ Rai trên dòng sông Pô Cô. 

Cùng với tổ chức đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Cô, năm nay huyện Ia Grai tổ chức các hoạt động đặc sắc như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng, hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, hội thi văn hóa ẩm thực... nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân địa phương.

Một trong những già làng đến với lễ hội đua thuyền từ rất sớm, ông Rơ Lan Kai, già làng Jrăng Krái, xã Ia Krai cho biết: Để làm ra chiếc thuyền độc mộc, dân làng phải mất nhiều thời gian và làm rất công phu, từ việc chọn cây, kích thước, làm mũi thuyền, đuôi thuyền, khoét lòng thuyền, làm thân thuyền, đáy thuyền. Cây pô ma và bằng lăng là hai loại cây gỗ làm thuyền bền, nhẹ, khi thả xuống nước sẽ không bị chìm. Sau khi đẽo xong, chiếc thuyền được lật úp và dùng sức nóng của lửa làm mịn máng thuyền. Thớ gỗ đẽo ra từ thân cây phải được dùng để nấu nồi cơm tỏ lòng thành với Yàng (thần linh). Một chiếc thuyền độc mộc có tuổi thọ 5-10 năm, có chiếc đến 20 năm. Theo phong tục của người Giơ Rai tại địa phương, những chiếc thuyền độc mộc mục nát, hư hỏng sẽ được bà con thả trôi theo con nước. Ngoài trồng mì (sắn), trồng cây công nghiệp, nhiều người dân trong làng, chủ yếu là nam giới chèo thuyền độc mộc đi đánh bắt cá trên dòng Pô Cô.

Bà Lê Thị Phương Loan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai cho biết: Việc tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, động viên nhân dân chung tay xây dựng vùng biên giới yên bình, no ấm, văn minh, xứng đáng là quê hương của người anh hùng A Sanh.

Lượt xem: 15
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết