Hiệu quả từ hình thức đào tạo nghệ thuật liên thông

Sau nhiều năm, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật (ĐHVHNT) Quân đội tiếp tục có lớp đại học liên thông diễn viên kịch-điện ảnh khóa 2 tốt nghiệp. Buổi biểu diễn báo cáo tốt nghiệp của sinh viên qua vở diễn về đề tài hậu chiến “Còn mãi với thời gian” vừa diễn ra, được Hội đồng chấm thi tốt nghiệp quốc gia và khán giả đánh giá cao, thể hiện hiệu quả thiết thực của hình thức đào tạo này.

Cơ hội cho diễn viên vừa học, vừa làm nghề

12 sinh viên (6 nam và 6 nữ) của lớp đại học liên thông diễn viên kịch-điện ảnh khóa 2, Khoa Sân khấu-Điện ảnh và Viết văn, Trường ĐHVHNT Quân đội trước đây đã tốt nghiệp lớp cao đẳng và đầu quân về công tác tại Nhà hát Kịch nói Quân đội. Sau thời gian làm việc hai năm, nhà trường và Nhà hát đã đề xuất các cấp của Bộ Quốc phòng được đào tạo lớp đại học liên thông. Khánh Linh, sinh viên của lớp khóa 2 chia sẻ: “Tôi may mắn khi được chọn tham gia khóa học. Tôi cũng tìm hiểu và được biết trước đây nhà trường từng mở lớp đào tạo theo hình thức này, những nghệ sĩ tên tuổi như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Ngọc Thư, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Mai Phương... đã khẳng định tài năng và vị trí trong nghề. Lớp học mở ra cơ hội để chúng tôi được học tập nâng cao kiến thức diễn xuất, trình độ biểu diễn, hoàn thiện bằng cấp; cùng với đó chúng tôi được làm việc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật sân khấu trong nước và quốc tế do nhà trường mời về giảng dạy những kỹ năng cũng như xu hướng của nghệ thuật biểu diễn”.

Theo Thiếu tá Phan Anh Vũ, giảng viên Khoa Sân khấu-Điện ảnh và Viết văn trực tiếp hướng dẫn lớp học: Trong quá trình học hai năm, sinh viên không chỉ tập trung học tập, nâng cao khả năng diễn xuất mà còn được tham gia tập luyện, biểu diễn. Dấu ấn để lại của lớp chính là việc cùng nhà trường dàn dựng và biểu diễn vở “Hoa cúc nhà trời” tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022, mang về 6 giải thưởng. Cụ thể, vở diễn giành huy chương bạc; 2 diễn viên đoạt huy chương vàng và 3 diễn viên đoạt huy chương bạc. “Thành công bước đầu của sinh viên lớp học khóa 2 là minh chứng sống động, cho thấy hiệu quả của hoạt động dạy học gắn liền với thực hành biểu diễn của nhà trường. Đây là định hướng quan trọng cho nhà trường tiếp tục phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên, tham gia sâu rộng các cuộc thi, liên hoan văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp trong thời gian tới”, Thiếu tá Phan Anh Vũ cho hay.

      Cảnh trong vở “Còn mãi với thời gian” của sinh viên lớp đại học liên thông khóa 2 biểu diễn tốt nghiệp. 

Đào tạo cái xã hội và Quân đội cần

Tại buổi biểu diễn tốt nghiệp, 12 sinh viên khóa 2 đã dàn dựng và biểu diễn vở kịch “Còn mãi với thời gian” của tác giả, TS Nguyễn Đăng Chương. Kịch bản từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, gây tiếng vang dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-2019. Lý do chọn kịch bản từng được một nhà hát nổi tiếng trong làng kịch nói Việt Nam biểu diễn thành công, để cho sinh viên dàn dựng và biểu diễn tốt nghiệp, TS, NSƯT Bùi Như Lai, Trưởng khoa Sân khấu (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) chuyên gia hướng dẫn lớp học cho biết câu chuyện “Còn mãi với thời gian” vẫn nguyên tính thời sự ngày hôm nay, đồng thời đó là câu chuyện của tình người.

Vở diễn lấy đề tài về thời hậu chiến ở một miền quê nông thôn, “Còn mãi với thời gian” là câu chuyện về Thuyến-một cô gái mới 18 tuổi, lấy chồng được mấy hôm thì Bân-chồng cô vào bộ đội. Cô và Bường-một chiến sĩ đi qua làng đã nảy sinh tình cảm. Hai người bị làng xóm, chính quyền đấu tố vì tội “hủ hóa” nhưng bà Muộn-mẹ chồng Thuyến đã lên tiếng bênh vực cho con dâu, vì một lý do: Muốn có đứa cháu để trông cậy về sau này, nhỡ con trai có hy sinh ở chiến trường... Mấy năm sau, Bân-chồng Thuyến trở về và Bường cũng trở về tìm đến người xưa. Mọi việc vỡ lở và Bân không chấp nhận được sự thật đó. Mọi bi kịch của gia đình nhà Thuyến-Bân bắt đầu từ đây... “Mâu thuẫn trong tác phẩm là mâu thuẫn của những người tốt với nhau. Sự xung đột đấu tranh của những người tốt dựa trên nền tảng của đức hy sinh, lòng nhân ái vị tha, sự bao dung tới mức thánh thiện nhưng lại rất chân thực. Chúng tôi chọn kịch bản này để dàn dựng nhằm tạo cơ hội cho sinh viên hóa thân các vai, nhắm đến khả năng diễn xuất của từng em. Trong kịch, diễn vai người tốt mà luôn phải khoác lên mình những cái xấu thì rất khó, bởi họ luôn phải giằng xé, đối diện giữa cái tốt và cái xấu. Kịch bản của tác giả tạo cho các em rất nhiều “đất diễn”, từ vai chính, phụ đều có vị trí rất quan trọng nếu diễn toàn bộ vở hoặc trích đoạn. Các bạn đã hoàn thành khá tốt nhân vật của mình và diễn xuất nâng tới tầm chuyên nghiệp”, NSƯT Bùi Như Lai nhận xét.

Theo Đại tá Trần Thanh Bạch, Chủ nhiệm khoa Sân khấu-Điện ảnh và Viết văn, sau thời gian theo học, sinh viên được trang bị kiến thức đã thực sự nổi bật về khả năng diễn xuất. Hy vọng trong tương lai, cùng với sự đam mê cống hiến, chuyên cần bồi đắp, rèn luyện, các em sẽ là thế hệ tiếp nối những nghệ sĩ sân khấu tên tuổi của Quân đội, tiếp tục khẳng định, gặt hái và ghi dấu ấn tại các cuộc thi, liên hoan toàn quân, toàn quốc; gần nhất sẽ là việc nhà trường đầu tư thêm để dàn dựng, hoàn thiện vở diễn đi tham dự Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2023, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Đại tá Trần Thanh Bạch cũng cho biết thêm, hình thức đào tạo liên thông của nhà trường áp dụng không chỉ cho Khoa Sân khấu-Điện ảnh và Viết văn mà còn nhiều khoa khác. Đây là hình thức đào tạo khoa học, bài bản, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ, diễn viên; phát huy những ưu điểm, sáng tạo trong công tác giảng dạy chuyên ngành nghệ thuật với mục đích “cái xã hội và Quân đội cần” được nhà trường đặt ra trong công tác đào tạo và thực hành biểu diễn.

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết