Hãy là “đại sứ du lịch”, đừng đuổi khách
Với 200.000 đồng có thể mua được vài ki-lô-gam táo ta, thế nhưng, một người bán hàng rong trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) định “chặt chém” hai du khách nước ngoài khi với số tiền này, chỉ bán cho họ một túi táo nhỏ. Du khách không đồng ý dẫn tới cảnh giằng co, rất phản cảm.
Clip ghi lại sự việc vừa lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Tương tự, ngày 24-3 vừa qua, một phụ nữ bán hàng rong tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đã bán bánh rán với giá “cắt cổ” cho hai khách nước ngoài rồi vội vàng bỏ đi, mặc cho du khách phản ứng... Những trường hợp này đều đã bị lực lượng chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính.
Không chỉ hai người bán hàng rong nêu trên, cũng không riêng ở Hà Nội, tình trạng “chặt chém”du khách nước ngoài đã và đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước, là một trong những nguyên nhân khiến du khách nước ngoài “một đi không trở lại”.
Thực tế cho thấy, bên cạnh sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ... thì sự thân thiện của người dân là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu nhằm thu hút du khách nước ngoài, góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói. Bởi vậy, nói không quá, mỗi người dân từ chị bán hàng rong, anh lái taxi, nhân viên phục vụ nhà hàng... đều có thể trở thành một “đại sứ du lịch” hoặc ngược lại, là một kẻ “đuổi khách” tùy thuộc vào thái độ, hành vi, văn hóa ứng xử của mình.
Phố cổ Hà Nội là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Ảnh:Hanoimoi.vn |
Để trở thành một “đại sứ du lịch” có khó không? Câu trả lời là vừa dễ vừa khó. Dễ vì điều này thực ra không có gì to tát, đơn giản chỉ cần một nụ cười khi gặp, tận tình giúp đỡ khi du khách cần... Và tất nhiên, không thể có việc “chặt chém” khi du khách mua hàng hóa, đi taxi, sử dụng dịch vụ... như những trường hợp xấu xí nói trên. Khó vì tuy đó là những hành động nhỏ nhưng để có được lại cần nhận thức, ý thức, tính tự giác của mỗi người dân, xét cho cùng là phải có được những công dân với phông văn hóa nhất định.
Các địa phương, nhất là các đô thị lớn, những nơi có các địa điểm tham quan, du lịch, danh lam thắng cảnh... thu hút đông đảo du khách, rất cần biến mỗi người dân thành một “đại sứ du lịch” thông qua việc làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, cùng các biện pháp quản lý phù hợp như: Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, tăng cường kiểm tra, tiếp nhận ý kiến phản ánh của du khách, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm... Giải pháp cơ bản, lâu dài là nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo từ trong nhà trường đến mỗi gia đình nhằm đào tạo ra những công dân có kiến thức, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, là con người có văn hóa.
Khi mỗi người dân là một “đại sứ du lịch” thì không những du lịch có thêm cơ hội để cất cánh mà hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam còn được lan tỏa rộng rãi, tạo ra sức mạnh mềm của dân tộc.
PHƯƠNG HIỀN