Hàng chục nghìn người đến lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội quan trọng đặc biệt trong năm của Khánh Hòa, Ninh Thuận. Đây là năm đầu tiên lễ hội khai mạc vào ban đêm.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 ghi dấu mốc quan trong trong lòng người dân Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ảnh: Dương Phúc
Tối 17.4 (tức ngày 20.3 âm lịch), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang), ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa -đánh trống khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025.
Tháp Bà Ponagar và lễ hội Tháp Bà quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng đồng bào các tỉnh Miền trung. Ảnh: Phương Linh
Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20.4 (tức từ ngày 19 đến ngày 23.3 âm lịch) với 13 nghi thức. Trong đó, mở màn là lễ rước nước và một số lễ quan trọng như: lễ thay y, lễ khai mạc, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, lễ cúng giờ ngọ, lễ cầu an của cộng đồng Chăm, lễ tế cổ truyền…
Nghi lễ rước nước mở đầu lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025. Ảnh: Dương Phúc
Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13, nằm ngay cửa sông Cái, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Với kiến trúc vô cùng đặc biệt, đây là nơi thờ tự quan trọng của cả người Chăm và người Việt. Tháng 1.2025, di tích Tháp Bà Ponagar được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Theo ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025, đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm với mục đích ca ngợi và ghi nhớ công đức của nữ thần Ponagar - Mẹ xứ sở của người Chăm, cũng là Thánh mẫu Thiên Y A Na của người Việt nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Lễ thay y một trong những nghi thức trang trọng trong lễ hội. Ảnh: Dương Phúc
Năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để lễ hội và di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar ngày càng phát huy được giá trị, tỉnh Khánh Hòa cùng với nhân dân tiếp tục bảo tồn những nét văn hóa độc đáo.
Đồng thời, xây dựng các sản phẩm văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, đưa Tháp Bà Ponagar trở thành điểm đến văn hóa, tâm linh hấp dẫn.
Năm nay, lễ hội diễn ra trước kỳ nghỉ lễ nhưng số lượng người dân đăng ký theo đoàn về dâng hương khá đông với 100 đoàn từ các tỉnh thành đăng ký.
Mỗi năm lễ hội Tháp Bà Ponagar đón từ 30.000-50.000 lượt khách về dâng hương, đi lễ vì vậy công tác tổ chức lễ hội luôn được ban tổ chức chú trọng, đảm bảo an toàn, văn minh, giữ gìn bản sắc truyền thống, tránh các biểu hiện thương mại hóa, mê tín dị đoan.