Đa sắc Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua các tác phẩm hội họa

Chiều 22/10/2024, Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Lễ trao giải và khai mạc triển lãm các tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”.

Sân chơi của các họa sĩ trẻ

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024), thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên, họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật trên khắp cả nước.

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

Toàn cảnh sự kiện

Buổi lễ có sự góp mặt của ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Hoàng Quốc Việt, Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, cùng lãnh đạo các bảo tàng, giảng viên và sinh viên các trường đại học.

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

Các đại biểu tham dự Lễ Trao giải và Khai mạc triển lãm

Sau hơn hai tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 200 tác phẩm, với nhiều chất liệu đa dạng như sơn dầu, lụa, khắc gỗ, acrylic, và màu nước. Các tác phẩm đã khai thác thành công những biểu tượng nổi bật như: Cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, Nhà bia tiến sĩ và các họa tiết đặc trưng như long, phượng, đầu đao, quy.

Qua đó, các bạn trẻ đã thể hiện khả năng sáng tạo độc đáo, kết nối truyền thống với hơi thở hiện đại.

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia sẻ: “Trong khuôn khổ cuộc thi, Ban Tổ chức cùng các đơn vị song hành đã tổ chức liên tiếp 10 sự kiện workshop từ tháng 7 đến tháng 9/2024. Những buổi trải nghiệm đó thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia.

Ban Tổ chức rất vui mừng khi nhận được hàng trăm bài dự thi qua mạng xã hội, thư điện tử và nhiều nguồn khác. Điều này cho thấy các bạn trẻ ngày nay vẫn luôn nuôi dưỡng đam mê và sự yêu thích với văn hóa, lịch sử nước nhà. Hy vọng cuộc thi này sẽ tạo nên sự lan tỏa, khơi dậy thêm nhiều cuộc thi khác, từ đó tạo ra sân chơi văn hóa truyền thống, đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo đặc sắc thu hút giới trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế tham gia”.

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

BTC tặng hoa và gửi lời tri ân đến Ban Giám khảo cuộc thi "Tiếng Vang Lịch Sử"

Nhiều tác phẩm ấn tượng

Trải qua 2 vòng thi, BGK đã lựa chọn ra 17 tác phẩm nổi bật trong số 200 tác phẩm gửi về cuộc thi. Việc chấm thi được tiến hành độc lập và ẩn danh để đảm bảo tính công bằng.

17 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao giải gồm: 1 Giải nhất, 2 Giải nhì, 2 Giải ba, 10 giải khuyến khích, 1 Giải đặc biệt và 1 Giải đặc biệt ViA dành cho tác phẩm họa cụ màu nước.

Anh Nguyễn Anh Tài (Đông Hà, Quảng Trị) đã xuất sắc giành giải Nhất với tác phẩm “Dòng sử” - một bức tranh màu nước trên giấy. Anh chia sẻ về hành trình sáng tác của mình: “Trong quá trình phát triển của một họa sĩ, sự trau dồi và không ngừng tìm tòi, học hỏi là yếu tố quan trọng giúp hình thành nên tư duy nghệ thuật chín chắn.

Việc tham gia các cuộc thi không chỉ đem đến cho mình cơ hội tranh tài, cọ xát với cộng đồng họa sĩ mà còn là cơ hội để mình thử sức với những chủ đề mới, góc nhìn mới trong cuộc sống”.

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

Họa sĩ trẻ Nguyễn Anh Tài nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi

Tài cũng bày tỏ thêm về ý nghĩa của tác phẩm: “Câu chuyện về Văn Miếu - Quốc Tử Giám mình muốn truyền tải tới khán giả là ‘Dòng sử.’ Tác phẩm là câu chuyện về một chàng sĩ tử đang trải qua kỳ thi Hương, thi Hội rồi tới thi Đình. Ba cấp bậc để chạm đến vinh quang theo truyền thống nước ta thời xưa. Lý do Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn mang ý nghĩa đặc biệt qua nhiều đời chính bởi con người.

Lớp lớp nhân tài của dân tộc Việt Nam đã học tập, nghiên cứu tại đây trong suốt dòng lịch sử, để rồi đem tri thức ấy ra xây nước, giúp đời, lưu lại tiếng thơm muôn thuở”.

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

Giải Nhì thuộc về bộ tranh "Bộ Tam Đình Thuở Ấy" và "Bia Hiếu Học"

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

Giải Ba có sự góp mặt của họa sĩ trẻ Trần Nam Long (áo trắng) - chàng họa sĩ khiếm thính tài năng từng cho ra đời vô số tác phẩm về một Hà Nội bình yên, lãng mạn

Trao giải cuộc thi “Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa”

Các bạn trẻ đồng hạng giải khuyến khích

Cuộc thi “Tiếng vang lịch sử” đã thành công tạo ra một không gian giao lưu, học hỏi, và sáng tạo cho giới trẻ. Không chỉ là nơi để các bạn thể hiện tài năng, cuộc thi còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống và kết nối thế hệ trẻ với di sản quý báu của dân tộc. Với triển lãm các tác phẩm xuất sắc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cuộc thi đã để lại dấu ấn sâu sắc, hứa hẹn tiếp tục lan tỏa tinh thần sáng tạo trong tương lai.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 1
Tác giả: Tùng Linh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...