Cựu HLV Thái Lan: 'Việt Nam sẽ rất mạnh trong tương lai'

Dưới góc nhìn của một HLV và Giám đốc Kỹ thuật, ông Witthaya Laohakul khẳng định những gì U23 Việt Nam đạt được trong năm 2022 là xứng đáng.

bong da viet nam anh 1

U23 Việt Nam đã giành được chức vô địch giải Đông Nam Á 2022, huy chương vàng SEA Games 31 và vào đến tứ kết giải U23 châu Á 2022 trên đất Uzbekistan. Ở những giải đấu đó, U23 Việt Nam đều vượt mặt Thái Lan.

Một số ý kiến cho rằng U23 Việt Nam gặp may, đặc biệt là ở chung kết SEA Games 31 bởi Nhâm Mạnh Dũng thực hiện cú đánh đầu quá khó và có thể nói là không tưởng để ghi bàn duy nhất của trận đấu.

Zing có cuộc trò chuyện với ông Witthaya Laohakul, cựu thuyền trưởng Thái Lan và đang là Giám đốc Kỹ thuật của CLB Chonburi, một đội bóng danh tiếng ở Thai League, về bóng đá trẻ Việt Nam và Thái Lan.

Việt Nam đang đào tạo trẻ tốt hơn Thái Lan

- Ông có nghĩ thành công của U23 Việt Nam trong khoảng thời gian qua là may mắn?

- Không. Nếu bạn nhìn về quá khứ, so với cách đây khoảng 10 năm, Việt Nam đang có trung tâm đào tạo trẻ chất lượng. Tôi từng làm việc cho Liên đoàn Bóng đá châu Á về đào tạo trẻ và có dịp thăm PVF. Trung tâm PVF có chất lượng hàng đầu thế giới, ngang ngửa Học viện Aspire (Qatar) và trung tâm của Dortmund, Bayern Munich. Việt Nam sẽ rất mạnh trong tương lai nếu nỗ lực không ngừng nghỉ, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa trong khâu đào tạo trẻ.

- Vậy còn Thái Lan thì sao? Ông lý giải như thế nào về nguyên nhân thất bại của U23 Thái Lan?

- Tôi nghĩ đến lúc phải nhìn vấn đề này một cách sâu xa hơn. Các CLB ở Thái Lan không chú trọng vào đào tạo trẻ. Một số đội bóng lớn như Chonburi, Buriram mới thực sự nghiêm túc. Các đội bóng đều có học viện nhưng họ không đầu tư nhiều. Chúng tôi cần tất cả đội bóng tập trung đầu tư vào đào tạo trẻ.

Tất cả đội bóng ở Thái Lan hãy đầu tư vào đào tạo trẻ bởi nó có lợi về dài hạn. Từ đó, Thái Lan mới có được nguồn cầu thủ dồi dào để có thể chọn lọc.

Thái Lan có giải VĐQG chất lượng bậc nhất Đông Nam Á, có rất nhiều HLV ngoại, nhưng nếu không đào tạo trẻ, chúng tôi sẽ thụt lùi. Đó là lý do tôi nói rằng các đội cần chú trọng đầu tư vào các học viện chứ không chỉ tập trung cho đội một. Nếu không làm điều đó, chúng tôi sẽ bị Việt Nam, hay thậm chí là Malaysia bỏ lại.

- Nhưng U23 Thái Lan vẫn còn nguồn cầu thủ chất lượng từ châu Âu như Benjamin Davis, Thanawat Seungchitthawon hay Jonathan Khemdee. Như vậy vẫn là chưa đủ?

- Chúng tôi may mắn vì có nguồn cầu thủ chất lượng từ nước ngoài, họ được thi đấu ở những môi trường tốt. Vì thế, đẳng cấp giữa họ và cầu thủ trong nước có sự khác biệt. Toàn đội cần nhiều thời gian để ăn ý hơn.

Ví dụ, Thanawat, một cầu thủ của Leicester City, có tư duy chơi bóng tốt, kỹ thuật tốt, thông minh, kiểm soát trận đấu và đọc trận đấu tốt. Đặc biệt, cậu ấy có thể tung ra những đường chuyền quyết định, tạo sự khác biệt.

Tuy nhiên, cầu thủ trong nước đôi khi không hiểu ý đó của Thanawat. Đó là lý do tôi nói rằng U23 Thái Lan cần thời gian để kết hợp tốt với nhau. Vì thế, họ đôi khi chơi hay, đôi khi chơi dở. Ngoài ra, cầu thủ trong nước cần cải thiện chất lượng. Tôi nghĩ nhiều người trong số họ còn chưa hiểu những nguyên tắc cơ bản của phòng ngự, họ hay mắc lỗi.

bong da viet nam anh 2

Những cầu thủ như Ben Davis chưa thể mang lại danh hiệu cho U23 Thái Lan. Ảnh: Nguyên Khang.

- Vậy với ông, U23 Thái Lan thất bại vì không có nhiều thời gian tập trung trước giải đấu?

- Nói chung, cả đội cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, đó không phải cái cớ để đổ lỗi. Nếu muốn trở thành đội số một Đông Nam Á, vươn đến đẳng cấp châu Á, chúng tôi phải tìm về ngọn nguồn của vấn đề ở CLB. Các CLB phải giúp cầu thủ hiểu trận đấu hơn, học những nguyên tắc cơ bản.

Hãy nhìn Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ có nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài nhưng khi hội quân, họ biết kết hợp cùng nhau như thế nào.

Theo quan sát của tôi, Việt Nam đang chơi tốt nhờ được luyện tập, thi đấu cùng nhau trong thời gian dài. Quan trọng hơn, các bạn có hệ thống tốt ở các cấp độ, từ trẻ đến ĐTQG.

- Việt Nam và Indonesia đều đang có những bước tiến bộ nhờ các HLV Hàn Quốc như Park Hang-seo, Gong Oh-kyun, Shin Tae-yong. Với ông, đây có phải là chìa khóa dẫn đến thành công? Liệu Thái Lan sẽ chọn một chiến lược gia từ xứ sở kim chi trong tương lai?

- Vấn đề không nằm ở HLV Hàn Quốc hay Nhật Bản mà ở chất lượng và tư duy của cầu thủ Thái Lan. HLV giỏi vẫn cần cầu thủ giỏi chứ. Cả 2 phải song hành. Nếu bạn trả quá nhiều tiền để chiêu mộ HLV giỏi nhưng cầu thủ không chất lượng thì điều đó cũng không có ý nghĩa và bạn chỉ phí tiền mà thôi.

Đương nhiên, HLV ngoại mang lại tác động tích cực. Họ giúp các HLV nội học hỏi được rất nhiều. Ngoài ra, các liên đoàn bóng đá ở Đông Nam Á cũng cần phải quan tâm đến việc mời những giám đốc kỹ thuật từ nước ngoài nữa. Họ sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển bóng đá của các quốc gia.

Điều cần phải làm

- U23 Việt Nam thành công nhưng các cầu thủ vẫn gặp tương đối khó khăn trong việc cạnh tranh vị trí ở V.League. Vậy ở Thái Lan, cầu thủ U23 được sử dụng như thế nào?

- Chúng tôi có nhiều cầu thủ U23 được chơi ở Thai League. Thậm chí, những cầu thủ khoảng 17, 18 tuổi cũng được tạo cơ hội nếu đủ giỏi.

Thông thường, với những cầu thủ trẻ tiềm năng, chúng tôi sẽ cho họ từ từ nếm trải không khí của các trận đấu chuyên nghiệp. Con số ở đây là khoảng 2 trận mỗi mùa. Điều này còn tùy thuộc vào HLV.

Nếu HLV quá coi trọng kết quả, cầu thủ trẻ sẽ khó có cơ hội. Các HLV cần nhìn xa trông rộng hơn. Những giám đốc kỹ thuật cũng nên tác động thêm về việc sử dụng cầu thủ trẻ để CLB có thể phát triển tốt hơn trong tương lai. Ở Chonburi, chúng tôi có những nhân tố mới 17, 18, 19 tuổi và đủ sức chơi ở đội một.

bong da viet nam anh 3

Ông Laohakul là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo trẻ. Ảnh: Quang Thịnh.

- Những nền bóng đá phát triển luôn có giải league (dài hạn, thi đấu theo thể thức sân nhà - sân khách) cho các cầu thủ trẻ. Liệu Thái Lan hay Việt Nam có đủ sức làm điều tương tự?

- Giải league có ý nghĩa quan trọng. Bạn phải biết rằng ngay ở độ tuổi 14, 15, các cầu thủ cũng cần được thi đấu nhiều. Các giải đấu cup ngắn hạn cũng ổn, nhưng không đủ. League quan trọng hơn nhiều. Họ có thể thi đấu theo thể thức sân nhà, sân khách như các giải chuyên nghiệp để sẵn sàng cho tương lai.

League có thể tạo ra sự khác biệt. Nếu thi đấu đủ nhiều qua từng năm, các cầu thủ sẽ phát triển rất nhanh chóng. Mỗi trận đấu như là một người thầy với cầu thủ vậy. Họ sẽ học được rất nhiều điều. Nếu không được thi đấu mỗi tuần, cầu thủ khó lòng phát triển tốt.

Ở Thái Lan, chúng tôi sắp tổ chức được league cho các cầu thủ trẻ lứa U14, U16 và U19. Đương nhiên, nó cũng tốn rất nhiều tiền. FAT đã phải vận động nhiều nhà tài trợ để tổ chức. Tài chính rất quan trọng.

Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm được. Một giải đấu mạnh, kể cả giải trẻ sẽ giúp đội tuyển quốc gia mạnh hơn trong tương lai.

- Ông vừa nhắc đến vấn đề tài chính. Vậy liệu đây có phải là trở ngại khiến nhiều CLB ở Thái Lan chưa chú trọng vào đào tạo trẻ. Ông có thể nói cụ thể hơn về việc đào tạo trẻ sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền hay không?

- Ở Buriram, họ chi khoảng ít thất 3 đến 4 triệu baht (hơn 80.000 đến 100.000 USD) mỗi năm. Chúng tôi có khoảng 100 cầu thủ trẻ trong học viện ở các lứa tuổi và tốn khoảng 5 triệu baht/năm (khoảng 135.000 USD/năm).

Vì dịch bệnh, chúng tôi không thể tổ chức các chuyến tập huấn ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Những năm trước, con số là lớn hơn khi đưa cầu thủ đi nước ngoài. Riêng việc ăn uống đã tốn khoảng 1 đến 2 triệu baht (28.000 đến 54.000 USD) rồi.

- Thái Lan có nhiều cầu thủ được sang Nhật Bản thi đấu và đó là điều tốt cho nền bóng đá. Liệu có bí mật nào đằng sau câu chuyện này?

- Nhiều CLB ký hợp đồng hợp tác với những đội bóng ở Nhật Bản. Tháng sau, Chonburi cũng sẽ ký hợp đồng với Gamba Osaka. Chúng tôi sẽ trao đổi cầu thủ, HLV, giáo án tập luyện. Không chỉ ở Nhật Bản, các CLB cũng có thể hợp tác với một số đội ở Hàn Quốc hoặc châu Âu. Đây là con đường để phát triển bóng đá ở Thái Lan.

- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện.

Lượt xem: 68
Tác giả: Nguyên Khang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...