Chợ phiên góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Một thời chưa xa, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Quảng Ninh đều không có chợ. Thậm chí, nếu có cũng chẳng mấy người mua bán, hoạt động không hiệu quả. Thời gian gần đây, chợ phiên đang được các địa phương ở Quảng Ninh mở ra, hoạt động hiệu quả, mang lại đời sống tinh thần phong phú cho bà con, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Sắc màu văn hóa chợ phiên

Quảng Ninh đã hình thành chợ phiên ở các xã đông đồng bào DTTS thuộc các huyện, thành phố như: Móng Cái, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà... Chợ phiên không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn giúp bà con các DTTS giữ gìn tốt hơn bản sắc dân tộc mình.

Các phiên chợ này thu hút du khách từ khắp nơi đến mua sắm. Chợ phiên tạo ra động lực để người dân địa phương tích cực, chủ động tổ chức chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra các sản phẩm phục vụ du khách. Các sản phẩm mang đến chợ phiên đều do chính người dân địa phương làm ra như: Mật ong rừng, gừng, địa liền, gà bản, thịt trâu, măng rừng, bánh chưng dài, bánh coóc mò, lá tắm, gạo nếp... 

Không chỉ mua bán, chợ phiên còn là “sân chơi” mới để bà con quảng bá những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, thúc đẩy đáng kể người dân giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc. Dễ nhìn thấy nhất là trang phục. Trước đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chỉ người cao tuổi mới mặc trang phục dân tộc, nhưng hiện nay, đến các xã vùng cao của tỉnh đều không khó để bắt gặp một cô gái trẻ với trang phục dân tộc. 

Người dân tộc Dao diện bộ quần áo đẹp nhất để đến chợ phiên vùng cao Ba Nhất (xã Quảng An, huyện Đầm Hà), ngày 3-3-2024.

Chị Chíu Thị Múi, người dân tộc Dao ở xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tâm sự: “Trước đây, tôi muốn mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình cũng khó vì không biết mua ở đâu. Bởi quần áo dân tộc đều do các gia đình tự làm hay bà và mẹ truyền lại cho con gái. Nhưng không phải ai cũng đủ khéo léo và thời gian để làm công việc này. Đặc biệt, người không có kỹ năng làm rất lâu, thậm chí để làm ra được một bộ quần áo dân tộc Dao có khi tôi phải mất hàng năm trời. Nay thì mọi chuyện đã khác, muốn dùng tôi chỉ việc đến chợ phiên...”.

Trong gần 30 gian hàng ở chợ phiên vùng cao Ba Nhất (xã Quảng An) có gian hàng bán quần áo của phụ nữ Dao rất đẹp. Để bà con luôn có quần áo mới, xã Quảng An đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) May thêu trang phục dân tộc Dao xã Quảng An với 16 thành viên. Bà Chíu Tài Múi, thành viên CLB cho biết: “Ngày nay, người trẻ có cuộc sống bận rộn. Họ thường không thích bỏ ra nhiều công để may thêu bộ trang phục. CLB May thêu trang phục dân tộc Dao xã Quảng An ra đời là để giúp những người trẻ có nhu cầu có được những bộ đồ dân tộc mình ưng ý nhất. Có điều, để tiêu thụ sản phẩm làm ra thì phải có chợ phiên. Ở chợ phiên, chúng tôi tìm và đưa sản phẩm được đến tay khách hàng nên hoạt động may thêu diễn ra thường xuyên hơn”.

Đến chợ phiên để giao lưu

Chợ phiên không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán mà còn là nơi để bà con đến thỏa sức vui chơi, ca hát, thưởng thức văn hóa dân tộc mình... Bà Lỷ Pắc Kứu, Chủ nhiệm CLB Hát sán cố xã Quảng An cho hay: “Các làn điệu sán cố từ bao đời nay đã rong ruổi theo chúng tôi từ khi còn bé thơ và gắn liền với ký ức tuổi thanh xuân của nhiều người. Vì thế, chúng tôi mang nét đẹp văn hóa đó đến chợ phiên để người đi chợ thêm vui và không quên giới thiệu bản sắc văn hóa của người Dao”.

Ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên đã có chương trình Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu diễn ra vào chủ nhật cuối cùng của tháng tại chợ truyền thống của xã, với nhiều hoạt động mang bản sắc dân tộc. Vui nhộn nhất trong chợ là giao lưu sái mả (gần giống như người Kinh chơi oẳn tù tì) giữa những người đàn ông trong xã.

Đây là trò chơi của người Tày. Mỗi bên sẽ cử ra từ 2 đến 5 đại diện tham gia thi đấu theo từng lượt chơi. Khi chơi lần lượt cùng đồng thanh hô một con số, số nào là do mình chọn, xòe ra mấy ngón tay, sao cho số ngón tay vừa khớp với con số mình vừa hô. Bên thắng phạt bên thua. Góc chợ vì thế cũng có nhiều tiếng cười sảng khoái. Bên cạnh đó, ở các chợ phiên cũng thường tổ chức đá bóng nữ. Chị em mặc nguyên trang phục dân tộc mình đá bóng. 

Ông Lã Văn Vi, Phó chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết: “Từ việc khôi phục chợ phiên mà nhiều trò chơi khác của bà con DTTS được khôi phục. Đặc biệt, trò chơi sái mả được bà con đón nhận nhiệt tình. Trước đây, trò này chỉ chơi trong các đám cưới, đám giỗ... Nhưng do tổ chức ở nhà nên số lượng người tham gia ít và quanh quẩn người nhà chơi với nhau mãi cũng chán. Tuy nhiên, khi được tổ chức ở chợ phiên, bà con gặp nhiều đối thủ mới nên trò chơi cũng hấp dẫn hơn”.

Bài và ảnh: CÔNG THÀNH

Tags: chợ phiên
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...