Chất "hào sảng" - Bài ca ống cóng

Nhà thơ Thanh Thảo, tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), ông vào công tác tại chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Tập thơ đầu tay “Dấu chân qua trảng cỏ” (năm 1978) của ông được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979, trong đó có bài thơ được nhiều người yêu thích là “Bài ca ống cóng” viết năm 1971.

Nhà thơ Thanh Thảo. 

Ống cóng là một loại ống nhôm đựng lương khô của bộ đội thời chống Mỹ. Việc đặt tên bài thơ là “Bài ca ống cóng” như một sự khẳng định về nét riêng biệt của Bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Những tráng ca thuở trước/ Còn hát trong sách thôi/ Những thanh gươm yên ngựa/ Giờ đã cũ mèm rồi/ Bài ca của chúng tôi/ Là bài ca ống cóng/ Hành trang Quân Giải phóng/ Đơn giản nhất trên đời”.

Cùng với đó là những câu thơ vừa chân thực vừa dân dã về đời sống sinh hoạt thời chiến của bộ đội ta nhằm nói đến dù còn có nhiều khó khăn gian khổ, bệnh sốt rét rừng hoành hành nhưng chứa đựng đầy tinh thần lạc quan và đậm chất anh hùng của các chiến sĩ trẻ thời đánh Mỹ: “Cơm chín vừa dỡ ra/ Đến món canh môn thục/ Nước chè rừng hơi chát/ Xúm vào uống, khen ngon/ Từ một chiếc lon nhôm/ Chúng tôi làm trăm việc/ Cái khó mở cái khôn/ Lính mình nhanh ra phết/ Những anh chàng sốt rét/ Tưởng đuổi ruồi không bay/ Thế mà qua từng trạm/ Cắt cơn là đi ngay”.

Không chỉ có vậy, tác giả còn khéo vận dụng truyện cổ tích như "Thạch Sanh", "Thánh Gióng" để khái quát hóa hình tượng người anh hùng của thế hệ hôm nay qua những câu thơ giàu chất suy tưởng: “Ngang lưng đeo ống cóng/ Nồi Thạch Sanh đời nay/ Bao anh hùng vụt lớn/ Ăn cơm ở nồi này”.

Những câu thơ cuối tràn đầy chất hào sảng, lạc quan tin tưởng và phẩm chất anh hùng của những chiến sĩ Quân Giải phóng được thể hiện qua ngôn từ giản dị, gần gũi và lấp lánh, rực sáng lý tưởng cách mạng về một tương lai tươi sáng: “Năm tháng sẽ dần phai/ Bao bài ca duyên dáng/ Nhưng tôi biết từ đây/ Như khắc vào đá tảng/ Như vạch vào thân cây/ Bài hát của hôm nay/ Thô sơ và hực sáng/ Mang lẽ đời đơn giản/ Nói được đến ngày mai”...

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày “Bài ca ống cóng” ra mắt bạn đọc nhưng nhiều cựu chiến binh vẫn nhắc nhớ bài thơ. Bởi lẽ, nhà thơ Thanh Thảo khi đó bước vào tuổi 25 và trên đường vượt Trường Sơn ra trận đã thay mặt cho thế hệ của mình nói lên khát khao, hoài bão của lớp người trực tiếp cầm súng giáp mặt với cuộc chiến đấu và đã giành chiến thắng.

LÊ AN KHÁNH

Tags: qdnd
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết