Xóa điểm chân rác, xanh hóa phố phường

Những năm gần đây, nhiều điểm đổ rác tự phát tại các khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội đã từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là những vườn hoa, tranh bích họa, vừa làm thay đổi diện mạo đô thị, vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Khu vực số 39 phố Hàng Mành (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) trước đây là một điểm tập kết rác tự phát của người dân, gây mất mĩ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng giờ đây, khu vực này lại "lột xác" biến thành nơi check-in, vui chơi cho người dân và du khách.

Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh cho biết, điểm chân rác tự phát tại khu vực 39 phố Hàng Mành tồn tại cũng đã lâu, chính quyền, tổ dân phố nhắc nhở, chỉ đạo, quán triệt cũng vẫn không hiệu quả. Một thời gian dài, nơi đây bị người dân sở tại và khách vãng lai vứt, đổ rác trộm, trở thành "điểm đen" về môi trường.

Xóa điểm chân rác để xanh hóa phố phường
Khu vực số 39 phố Hàng Mành từng là điểm đen chân rác, nay "lột xác" với diện mạo mới

Xuất phát từ thực tế đó, phường Hàng Gai đã đưa ý tưởng cho Đoàn Thanh niên thực hiện thí điểm mô hình biến chân rác thành điểm check-in lý tưởng.

Với sự chung tay góp sức của các hội, đoàn, từ việc thực hiện lên kế hoạch, khảo sát công trình, vẽ tranh bích họa và dọn điểm chân rác, đến nay, khu vực này không còn tồn tại đổ trộm rác, bước đầu góp phần làm chuyển biến nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Người dân, ai cũng phấn khởi, không ít người còn tranh thủ dừng chân, chụp một vài kiểu ảnh bên bức tranh tường màu xanh để đăng lên mạng xã hội Facebook hay chuyển qua Zalo khoe nơi sinh sống của mình...

Mặc dù chưa có điểm check-in như phường Hàng Gai nhưng phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng đã thành công trong xóa điểm chân rác trên địa bàn.

Điển hình tại ngõ 122 Vĩnh Tuy trước đây đã phát sinh nhiều điểm chân rác; Phức tạp hơn khi tại đây lại diễn ra trung chuyển rác mỗi ngày vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mất an toàn cho người tham gia giao thông. Với sự quyết liệt của lãnh đạo phường, kết hợp cùng các bộ phận, lực lượng chức năng, cùng cư dân trong khu vực, đến nay, phường Vĩnh Tuy đã thành công xóa được các điểm chân rác tại ngõ 122 Vĩnh Tuy.

Tại ngõ 9, phố Đào Tấn thuộc địa bàn Khu dân cư số 3 (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) từng tồn tại điểm tập kết rác tự phát suốt 20 năm. Những ngày nắng nóng và mưa dầm, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Cho dù có xe thu gom, nhiều người dân vô ý thức vẫn vứt tràn lan xung quanh; Thêm vào đó, người buôn bán trong chợ dân sinh gần đó mang hàng hóa thừa ra đây đổ vô tình biến nơi đây thành điểm tập kết rác tự phát từ sáng sớm đến đêm khuya.

Từ giữa năm 2023, Chi bộ, MTTQ khu dân cư số 3 đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng Nhân dân đổ rác vào đúng nơi quy định; Đồng thời kêu gọi xã hội hóa được 10 máy tập thể dục ngoài trời. Tháng 8 vừa qua, sân thể thao ngoài trời được khánh thành đã thu hút đông đảo người dân trong khu vực và lân cận tham gia. Bóng dáng điểm tập kết rác suốt 20 biến mất hoàn toàn.

Thực tế cho thấy, xóa chân rác, tạo môi trường xanh là việc làm không mới đã và đang được các địa phương kiên trì triển khai trong thời gian gần đây. Nhiều công trình đã thành công nhờ công sức của Nhân dân, trở thành hình ảnh đích thực về tinh thần đoàn kết chung tay cải thiện môi trường sống. Việc làm này rất cần nhân rộng và “phủ sóng” ở tất cả ngõ ngách của TP để hướng tới một môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, kết quả của xóa điểm chân rác chính là động lực thúc đẩy người dân và chính quyền địa phương tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện xanh hóa phố phường, để Hà Nội thêm xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Theo bà An, xóa được chân rác tự phát rồi nhưng giữ được không tái diễn vi phạm không đơn giản. Vì vậy, để xóa triệt để chân rác, cần ra thông báo tuyên truyền việc xóa bỏ điểm tập kết rác, yêu cầu người dân thực hiện bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; Gửi thông báo tuyên truyền đến người dân thông qua trang điện tử của phường, các trang Zalo hệ thống chính trị phường, Zalo của từng tổ dân phố...

Đồng thời, chính quyền địa phương cần treo biển cấm đổ rác tại các chân rác, vận động địa bàn dân cư, trường học thực hiện xã hội hóa lắp đặt camera giám sát việc thưc hiện; Cùng với đó thông báo cho người dân việc lắp đặt camera giám sát, sử dụng hình ảnh giám sát để "phạt nguội" đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cố tình bỏ rác không đúng nơi quy định; Phối hợp với địa bàn dân cư cử lực lượng trực chốt, nhắc nhở trực tiếp người dân trong thời gian đầu triển khai thực hiện.

Lượt xem: 5
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...