Vứt rác bừa bãi là hành động thiếu văn minh
Cần phải ngăn chặn để tiến tới chấm dứt hiện tượng vứt rác bừa bãi...
Buổi sáng, ngồi cà phê cùng anh bạn đồng nghiệp, anh kể tôi nghe vừa rơi vào tình cảnh khó xử. Chuyện là trên đường đến trường, cô con gái đang học lớp 2 hỏi cha: Thế nào là vì một thế giới xanh, sạch, đẹp? Tuy nhiên, có trả lời cách nào, cô bé cũng không đồng ý vì hằng ngày vẫn thấy người lớn mang rác ra bỏ ngay ở cổng trường và cạnh trạm y tế, trong khi trên tường là khẩu hiệu “Vì một thế giới xanh, sạch, đẹp”.
Câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp về hành động của nhiều người trái ngược với khẩu hiệu mà cô bé chứng kiến, khiến chúng ta không khỏi lo lắng: Liệu hằng ngày học sinh đối diện với hình ảnh này sẽ nghĩ gì về bài học bảo vệ môi trường? Những buổi sinh hoạt, giáo dục của nhà trường dù rầm rộ nhưng sẽ hiệu quả đến đâu khi mỗi ngày, hành động vứt rác bừa bãi của người lớn cứ vô tư diễn ra trước mắt trẻ nhỏ.
Hình ảnh trái ngược giữa khẩu hiệu và những túi rác ngay tại Trạm Y tế Phường An Khánh và cạnh cổng Trường Tiểu học Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ khiến nhiều người bức xúc. |
Hằng năm, chúng ta đều tổ chức nhiều chương trình thu gom rác thải, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền rầm rộ, nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Thực tế hằng ngày, chúng ta không khó bắt gặp những trường hợp chỉ vì “tiện tay” mà ném vỏ chai nước, túi ni lông xuống đường; rác thải trong gia đình có khi “tiện tay” vứt ngay xuống kênh rạch, cống thoát nước... Thậm chí, tại những vị trí dù đang treo bảng "cấm đổ rác", nhưng mỗi sáng ra lại thấy rác chất thành đống.
Nguyên nhân ai cũng biết, đó là sự thiếu ý thức của một số người.
Từ thực trạng vứt rác bừa bãi, chúng ta đã nhận về những bài học đắt giá, chẳng hạn như nhiều du khách đã quay lưng với đảo ngọc Phú Quốc chỉ vì rác thải tràn lan khắp đảo. Hay nhiều người bức xúc vì những địa điểm đẹp như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) sau mỗi đợt thủy triều lên lại ngập tràn rác thải... Hậu quả của việc thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng khi nó là nguyên nhân hủy hoại hệ sinh thái trên mặt đất, dưới mặt nước và không khí.
Giữ gìn vệ sinh chung, chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ. Đó là một hành vi, nếp sống văn hóa được hình thành từ sự bền bỉ giáo dục, tuyên truyền, nêu gương và quá trình thẩm thấu những chuẩn mực xã hội của mỗi người. Vì thế, cùng với việc giáo dục, tuyên truyền, nêu gương thì cần phải phổ biến và áp dụng, thậm chí cưỡng chế buộc thực hiện các chuẩn mực của nếp sống văn minh đối với mọi tầng lớp nhân dân. Việc này đã đến lúc phải được thực hiện triệt để hơn nữa.
Trách nhiệm ấy trước tiên thuộc về cấp ủy, chính quyền các địa phương, sau là gia đình, nhà trường và xã hội. Song hành với việc giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức trong chuyện bỏ rác nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung, thì người lớn cần phải là những tấm gương về sự chuẩn mực trước con trẻ. Cần phải ngăn chặn để tiến tới chấm dứt hiện tượng vứt rác bừa bãi. Hình ảnh rác ngập ngụa khắp nơi không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn khiến chúng ta thiếu đi một nét văn hóa, làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong mắt du khách quốc tế.
THÚY AN