Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội: Tái thả động vật để bảo tồn đa dạng sinh học

Ngoài mục đích cứu hộ động vật hoang dã khỏi nạn buôn bán, săn bắt trái pháp luật, những năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội còn tái thả...

tai-tha.jpg

Mèo rừng thuộc loài động vật quý hiếm được thả về môi trường tự nhiên tại rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Xuân Hồng

Hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn động vật hoang dã

Tái thả các loài động vật hoang dã sau cứu hộ là hoạt động khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, đưa các loài bản địa trở lại sinh cảnh sống và bảo vệ chu trình sinh thái học. Để tăng hiệu quả của các nỗ lực bảo tồn loài động vật hoang dã, việc khôi phục hệ sinh thái tự nhiên sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động của con người là rất quan trọng. Quá trình này bao gồm việc phục hồi các chu trình tự nhiên và chuỗi thức ăn toàn bộ ở tất cả các bậc dinh dưỡng. Qua đó, tạo ra một hệ sinh thái tự duy trì và bền vững cao, tạo sinh cảnh cho nhiều loài động vật khác nhau cùng tồn tại.

Không nằm ngoài các nhiệm vụ, mục tiêu đó, trong gần 28 năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn thực hiện tốt chức năng cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn nhiều loài động vật trước khi thả trở về tự nhiên. Động vật hoang dã đưa đến trung tâm đều được đội ngũ cán bộ, bác sĩ thú y chăm sóc chu đáo. Theo đó, mỗi năm trung tâm tiếp nhận 80-100 vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật hoang dã từ các cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ, với tổng thể 850-1.000 cá thể và hàng chục ki lô gam rắn các loại.

Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng (Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) cho biết, sau cứu hộ, các động vật đều được kiểm tra sức khỏe và chăm sóc riêng theo đặc tính của từng loài sau đó tái thả về môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao cho các đơn vị có điều kiện chuyên môn tốt hơn để nghiên cứu, tiếp tục chăm sóc, bảo tồn. Điển hình, 9 tháng của năm 2024, trung tâm tổ chức 1 đợt chuyển giao 11 cá thể động vật rừng cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình); tái thả 3 đợt với 256 cá thể động vật về Vườn quốc gia Ba Vì (thành phố Hà Nội), Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (tỉnh Thanh Hóa). Những loài động vật được thả chủ yếu là: Culi, chim yểng, vẹt ngực đỏ, vẹt má vàng, khướu bạc má, chim di đá, sáo đá, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, dúi, mèo rừng, rái cá, rùa bốn mắt, rùa sa nhân, rùa hộp trán vàng miền Bắc...

Sau khi thả, trung tâm tiếp tục phối hợp với ban quản lý các vườn quốc gia, hạt kiểm lâm các địa phương theo dõi quá trình thích nghi của động vật với môi trường tự nhiên. Chẳng hạn, để thả được loài rùa sa nhân về tự nhiên, trung tâm phải phối hợp với Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) xây dựng phương án thả một cách khoa học, bài bản. Trước khi thả, trung tâm lấy mẫu (máu và da) của các cá thể rùa để xác định nguồn gen thuộc vùng nào, có mắc bệnh truyền nhiễm hay không? Thậm chí khi thả, vị trí mỗi cá thể rùa phải cách nhau 300m, dọc theo bờ suối có dòng nước chạy chậm. Còn sau khi thả xong, sẽ thực hiện việc ghi chép đầy đủ các thông tin, như: Môi trường thả thế nào, nguồn thức ăn ra sao để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu hệ sinh thái sau này... Thậm chí một số con rùa còn được gắn chíp điện tử hoặc đánh dấu theo dõi quá trình hòa nhập và phát triển trong tự nhiên.

Với mèo rừng, rắn hổ mang chúa, các loài chim, rái cá…, trung tâm chọn những khu rừng rậm xen núi đá và gần suối có nguồn thức ăn dồi dào để chúng có thể dễ dàng săn mồi…

Cần nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện tốt 7 tiêu chí tái thả

chim-cong.jpg

Chim công được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc trước khi tái thả về tự nhiên. Ảnh: Hoàng Sơn

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm cho biết, việc nỗ lực tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên mà Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thực hiện trong thời gian vừa qua có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược bảo tồn các loài động vật quý, hiếm khỏi tuyệt chủng. Từ đó, góp phần trả lại chức năng hệ sinh thái bị mất; phóng thích các loài ra khỏi phạm vị bản địa bị đe dọa để tránh nguy cơ tuyệt chủng. Trong thời gian tới, trung tâm cần xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, đe dọa tuyệt chủng. Kế hoạch này giúp định hướng, điều phối các nỗ lực bảo tồn, huy động nguồn lực theo cách tiếp cận thống nhất và đồng bộ. Hành động ưu tiên là xây dựng các kịch bản cho các loài có số lượng thấp, quần thể đơn độc hoặc các loài cực kỳ nguy cấp, đồng thời xem xét tích cực di dời, tái thả và nhân giống các loài ưu tiên.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng, để đơn thuần tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên không quá khó, nhưng tái thả mang tính bảo tồn theo tiêu chuẩn của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên thì lại rất khó. Bởi, đơn vị này đưa ra 7 tiêu chí tái thả, gồm: Đánh giá hiện trạng bảo tồn của loài mục tiêu; xác định mục tiêu bảo tồn của loài ưu tiên; đánh giá các lựa chọn để đạt được mục tiêu; ra quyết định chuyển dịch vì mục đích bảo tồn; thiết kế và lập kế hoạch chuyển dịch; triển khai kế hoạch chuyển dịch loài mục tiêu; giám sát và đánh giá kết quả. Căn cứ theo tiêu chuẩn này, từ trước đến nay, trung tâm mới thực hiện được 6 tiêu chí. Còn tiêu chí giám sát và đánh giá kết quả (hay còn gọi là đánh giá khả năng thích nghi của động vật với môi trường tự nhiên sau tái thả) đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trung tâm đang đề xuất các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ triển khai.

Ngoài đề xuất hỗ trợ kinh phí, một số chuyên gia kiến nghị thành phố Hà Nội cũng như các bộ, ngành sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, tập trung xây dựng quy chế quản lý hành lang đa dạng sinh học để kết nối, mở rộng vùng hoạt động của các loài nguy cấp, quý, hiếm; bảo vệ sinh cảnh của các loài và thực hiện các chương trình gây nuôi sinh sản nhằm tái thả và phục hồi các quần thể động vật hoang dã ở Việt Nam.

 
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...