Trồng rừng để sống hài hòa với thiên nhiên

Nhân ngày Quốc tế Bảo vệ đa dạng sinh học 22/5, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai khởi động chương trình trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên Đồng Nai năm 2023.

Trồng rừng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học

Chương trình trồng rừng tại Đồng Nai góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Chương trình cũng góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết và sự trân trọng của công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp về tầm quan trọng của trồng rừng phục hồi hệ sinh thái.

Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học. Năm nay, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

Trồng rừng để sống hài hòa với thiên nhiên

Bà Huyền Đỗ - nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cùng các lãnh đạo Bosch Việt Nam tham gia khởi động chương trình trồng rừng Đồng Nai 2023

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng do tác động của con người.

Tiêu biểu cho hiện tượng suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam là các quần thể voi đã bị suy giảm nghiêm trọng tới 95% trong giai đoạn từ năm 1975 - 2015. Hiện nay, toàn quốc chỉ còn khoảng 50 - 100 con, trong đó ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai còn đàn voi khoảng 16-21 con. Trước đó, năm 2010, đã có 7 con voi bị đầu độc chết tại tỉnh Đồng Nai do phá hoại nương rẫy của người dân để tìm thức ăn.

Nhiều loài thú lớn khác cũng đang trên bờ tuyệt chủng. Suy thoái đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống con người, đến an ninh sinh thái quốc gia. Việc trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái nhằm làm giàu rừng, tạo môi trường sống an toàn, đủ đầy về nguồn thức ăn cho voi cùng các loài động vật hoang dã khác chưa bao giờ trở nên cấp thiết như vậy.

Không chỉ là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai thuộc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai là khu rừng đầu nguồn quan trọng, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ý thức được tầm quan trọng của rừng Đồng Nai trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và đặc biệt là tạo ra nguồn tài nguyên dự trữ cho tương lai, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai chương trình “Góp 1 cây là góp rừng Đồng Nai” dành cho các doanh nghiệp cùng đồng hành.

Để đồng thời làm giàu rừng nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn nguồn gen, hệ sinh thái đặc trưng của khu rừng, đơn vị tuyển chọn các loài cây giống là loài gỗ lớn bản địa như: Bằng lăng, cẩm lai, chiêu liêu, gõ mật, huỳnh, trắc đen, lim… Bên cạnh đó, đơn vị cũng làm việc với ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai để chăm sóc, giám sát các khu vực trồng trong vòng 4 năm nhằm bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, đạt tỷ lệ sống 70 - 85%. Khu rừng đầu tiên Gaia trồng năm 2018 đạt tỷ lệ sống lên tới 86%, có những cây đã cao tới 630cm.

Phục hồi thiên nhiên, gắn kết nhân viên

Bên cạnh hoạt động trồng rừng, Gaia còn triển khai hoạt động khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới, vận dụng mọi giác quan để kết nối với thiên nhiên. Chương trình được thiết kế và hướng dẫn của bà Huyền Đỗ - nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, chuyên gia hơn 25 năm trong ngành giáo dục bảo tồn. Thông qua hoạt động, người tham gia được thư giãn, cải thiện sức khỏe, thêm thông thái, sáng tạo và tăng cường sự gắn kết đội ngũ.

Với nội dung sáng tạo và để lại những trải nghiệm ý nghĩa cho người tham gia, chương trình nhận được sự phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp. Trong năm 2022, chương trình trồng rừng Đồng Nai đã nhận được sự đồng hành của 9 doanh nghiệp, phủ xanh 17ha rừng với sự tham gia của hơn 1.700 lãnh đạo, nhân viên và gia đình.

Chương trình trồng rừng Đồng Nai năm 2023 đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp bao gồm: Bosch Việt Nam, onsemi Việt Nam, Siberian Wellness và chương trình Việt Nam - Hà Lan (trường học Đại học Kinh tế TP HCM) cùng các doanh nghiệp khác. Dự kiến, chương trình sẽ có hàng ngàn nhân viên và gia đình tham gia trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên Đồng Nai trong mùa trồng rừng 2023 này.

Bà Huyền Đỗ - nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Chúng ta đang ở trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái” từ năm 2021 - 2030, do Liên hiệp quốc phát động. Tham gia trồng rừng, khôi phục rừng đầu nguồn chính là một trong những giải pháp giúp chúng ta bảo vệ tương lai của chính mình”.

H’Hen Niê cùng người dân địa phương và các bạn trẻ trồng rừng Xuân Liên

Hoa hậu H’Hen Niê tham gia trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Tài nguyên đa dạng sinh học là nền tảng để chúng ta xây dựng nền văn minh. Mất đa dạng sinh học, chúng ta sẽ mất tất cả. Khoa học đã chứng minh, việc mất đa dạng sinh học có thể làm gia tăng bệnh lây truyền từ động vật sang người; Mặt khác, nếu chúng ta giữ nguyên vẹn đa dạng sinh học, nó sẽ cung cấp các công cụ tuyệt vời để chống lại các đại dịch.

Trong thời gian tới, để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, Gaia tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng, phục hồi rừng Đồng Nai và các rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau... vì một Việt Nam xanh, bền vững hơn.

Lượt xem: 5
Tác giả: Hoàng Bảo
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...