Trồng 1.000 cây Xích Tùng dọc đường hành hương lên Yên Tử
Ngoài việc tiếp tục “khám, chữa bệnh” cho hàng trăm cây Xích Tùng hơn 700 tuổi trên Yên Tử, TP Uông Bí, các đơn vị, cá nhân sẽ phối hợp trồng bổ sung khoảng 1.000 cây Xích Tùng dọc các tuyến đường hành hương lên non thiêng Yên Tử.
Cây Xích Tùng được đem lên Yên Tử trồng lấy từ vườn ươm giống cây Xích Tùng của ông Phạm Văn Sự ở TP Uông Bí - người duy nhất đến thời điểm hiện tại nhân giống thành công cây Xích Tùng.
Theo ông Phạm Văn Sự, cây giống được đem lên Yên Tử trồng đã cao từ 0,7-1m, nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt thì hoàn toàn có khả năng phát triển.
Năm 2020, Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã trồng thí điểm 50 cây Xích Tùng tại những vị trí có cây Xích Tùng cổ đã chết dọc Đường Xích Tùng, chùa Hoa Yên… và đến nay đều tươi tốt
Như Báo Lao Động đã phản ánh, khi rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử rơi vào tình trạng báo động do lần lượt từng cây Xích Tùng hàng trăm năm tuổi chết vì bị sâu bệnh, thời tiết tấn công; số còn lại cơ bản bị mục ruỗng thân, cành… Năm 2016, Quảng Ninh lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu để chăm sóc, bảo tồn loài Xích Tùng cổ trên Yên Tử.
Đây là một trong những loài cây từng gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm còn sót lại ở Rừng quốc gia Yên Tử. Khi đó chỉ còn lại 237 cây có tuổi đời hơn 700 năm, tập trung ở khu vực Đường Xích Tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên, khu vực đường sang Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ…
Theo giới chuyên môn, rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử là do các bậc tiền nhân trồng, bởi các cây mọc có hàng, lối và ở những vị trí đặc biệt. Thể hiện rõ nhất là ở khu vực Đường Xích Tùng - nơi hiện còn khoảng 70 cây được trồng hai bên con đường hành hương.
Các cây Xích Tùng cổ trên Yên Tử phân bố khá rộng từ độ cao 400 - 700m, so với mặt nước biển. Cây ở độ cao thấp nhất là 327m tại Am Lò Rèn và cao nhất 748m ở trước cửa chùa Bảo Sái.
Các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận được cá thể nào tái sinh dưới tán rừng, nơi có cá thể mẹ sinh sống.
Để cứu chữa cho những cây” Xích Tùng cổ còn lại trên Yên Tử, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục thực hiện một phác đồ điều trị đặc biệt.
Với những cây thân bị rỗng, sẽ nạo lấy các phần gỗ đã bị mục và xông hơi thuốc vào để tiêu diệt côn trùng gây hại và các mầm mống nấm hoại sinh; dùng các loại hóa chất để hạn chế sự xâm nhập của nước mưa vào trong thân cây.
Đối với những cây có hiện tượng mục gốc, mục dọc thân, đã và đang bị mối tấn công, sẽ dùng thuốc diệt mối hoặc dùng máy diệt côn trùng hoặc đặt các bẫy bả diệt mối quanh gốc được để trừ diệt mối.
Một công việc cũng hết sức công phu nữa là rà soát và cắt bỏ tất cả cành bị bệnh của các cây Xích Tùng cổ, để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa không tạo môi trường cho các loại sâu bệnh phát triển…