Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi ra môi trường
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký Công văn số 3803/UBND-TNMT về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Công văn nêu rõ, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành ổn định hệ thống quan trắc chất lượng không khí, rà soát và hoàn thiện mạng lưới quan trắc không khí, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về không khí, thường xuyên cung cấp dữ liệu về diễn biến chất lượng không khí trên cổng thông tin và các nền tảng số hoá khác của thành phố, cung cấp kịp thời thông tin để người dân có thể chủ động ứng phó với những thời điểm chất lượng không khí diễn biến xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo và dự báo ô nhiễm không khí để xác định các điểm nóng và có phương án xử lý kịp thời; tiến hành kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí để xác định chính xác các nguồn ô nhiễm không khí và có giải pháp xử lý trước mắt và dài hạn. Thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý, giám sát khí thải, đặc biệt các cơ sở có phát sinh bụi, khí thải lớn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có); triển khai các giải pháp cải thiện, giảm thiểu các nguồn chính ô nhiễm không khí, đặc biệt quản lý, giám sát, duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính phân cấp.
Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình giao thông thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh. Sở tiếp tục tập trung nguồn lực mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gắn với duy tu, đảm bảo an toàn giao thông và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông; tổ chức phân luồng, hạn chế tối đa tình trạng tắc nghẽn giao thông; giảm thời gian dừng đỗ và tăng tốc độ trung bình trong quá trình tham gia giao thông; Thiết kế hạ tầng cho các làn đường dành riêng cho xe đạp.
Sở Giao thông vận tải đồng thời tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện chạy bằng nhiên liệu điện, nhiên liệu tái tạo, ít phát thải; thường xuyên kiểm tra, phát hiện các phương tiện đổ phế thải xây dựng không đúng quy định, không đảm bảo việc đáp ứng an toàn khí thải khi tham gia giao thông.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát Nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích phù hợp; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Sở Xây dựng, Công an thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải; yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu chính sách về thuế, phí để khuyến khích, giảm giá xăng sinh học; sớm đưa xăng sinh học E10 lưu thông trên thị trường theo lộ trình tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan y tế địa phương và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp, giải pháp bảo vệ sức khỏe trước tình hình ô nhiễm không khí tại những thời điểm chất lượng không khí bị ô nhiễm.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn sử dụng các kết quả, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo thời tiết hằng ngày.