Sự khác biệt của 40 độ C ở Anh

Nhiệt độ tại Anh ngày 19/7 đã phá kỷ lục khi đạt 40 độ C, trong khi hơn 100 triệu người Mỹ phải cảnh giác trước nhiệt độ có thể tăng cao trong tuần.

Nhiệt độ tại Anh lần đầu đạt mức 40 độ C vào hôm 19/7, mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại nước này. Trong khi tại Mỹ, một phần ba dân số nhận cảnh báo về mức nhiệt cao, khi nhiệt độ có thể đạt mức 43 độ C ở các bang thuộc vùng bình nguyên (Plains states).

Có sự khác biệt về nguyên nhân gây ra tình trạng nắng nóng giữa châu Âu và Mỹ. Tại châu Âu, đợt áp suất cao khiến nhiệt độ tăng trên khắp châu lục trong những ngày qua. Hôm 19/7, một vùng áp suất thấp ở ngoài khơi bờ biển đã đẩy lượng nhiệt đi theo hướng bắc, vào nước Anh.

Trong khi ở bên kia Đại Tây Dương, vòm áp suất cao hình thành ở Bình nguyên Nam và dãy Mississippi của Mỹ. Một "vòm nhiệt" được cho là nguyên nhân nhiệt độ gia tăng đột biến. Đây là hiện tượng khi bầu khí quyển giữ lại không khí nóng từ đại dương, với áp suất cao lưu thông trong khí quyển hoạt động giống một mái vòm, làm gia tăng nhiệt độ ở một bề mặt.

Nhiệt độ "đỏ rực" ở Anh

Giám đốc khoa học của Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) Stephen Belcher cho biết ông đã sốc khi đất nước ghi nhận mức nhiệt kỷ lục hôm 19/7. Trước đó, nước này cũng lần đầu phát cảnh báo đỏ rằng ngày 18-19/7 có thể ghi nhận mức nhiệt kỷ lục.

"Nhưng biến đổi khí hậu do khí nhà kính gây ra đã khiến nhiệt độ tăng đến mức này", ông nói, nhấn mạnh nếu thế giới tiếp tục phát thải khí nhà kính, những đợt nắng nóng như thế này sẽ xuất hiện mỗi 3 năm.

40 độ C có thể không phải mức báo động với những người dân ở Trung Mỹ, Australia, Ấn Độ hay Trung Đông. Nhưng Anh là quốc gia vốn thường xuyên chống chọi với cái lạnh nhiều hơn, do đó nhà cửa được thiết kế để giữ nhiệt. Quạt để bàn luôn trong tình trạng cháy hàng, song cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Cơ quan Khí tượng Anh thông tin về nhiệt độ hôm 19/7, cũng như dự báo về nhiệt độ tại nước này vào năm 2050. Ảnh: Met Office.

Cơ quan Khí tượng Anh thông tin về nhiệt độ hôm 19/7, cũng như dự báo về nhiệt độ tại nước này vào năm 2050. Ảnh: Met Office.

Giới chức nước này yêu cầu người dân học tập và làm việc từ xa, đồng thời khuyến cáo không nên đi tàu hỏa, do lo ngại nắng nóng có thể khiến đường ray bị biến dạng.

Thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng đến tinh thần của người Anh, và càng tăng thêm sự chỉ trích nhắm đến Thủ tướng Boris Johnson với cáo buộc ông đã không quản lý tốt chính sách khí hậu ở nước này.

Theo CNN, Anh đã bị động trước những ảnh hưởng từ khủng hoảng khí hậu. Nước này phải chật vật khi những cơn lũ xuất hiện, và giờ phải oằn mình trước đợt nắng nóng. Nhiều đám cháy bùng phát ở London hôm 19/7 khiến đội cứu hỏa tuyên bố về "sự cố lớn" và vượt quá năng lực của họ.

Bốn người đã chết đuối khi người dân đổ xô ra các bãi biển, sông hồ để tắm mát. Ngoài ra, sân bay Luton đã phải tạm dừng hoạt động khi một đường băng bị chảy nhựa do nắng nóng.

Ở các quốc gia Nam Âu, vốn đã quen với nắng nóng gay gắt, ít nhất 1.100 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng mới nhất. Lực lượng cứu hỏa tại Pháp phải chật vật khi ngọn lửa xé toạc những cánh rừng. Tính đến nay, 21 quốc gia châu Âu đã phát đi cảnh báo về nắng nóng.

Nắng nóng trở nên "chết chóc hơn"

Người Mỹ có thể đã quen với cái nóng, nhưng những đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên khiến người dân dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Ít nhất 100 triệu người Mỹ, khoảng một phần ba dân số cả nước, đã nhận cảnh báo nhiệt vào hôm 19/7.

Mức nhiệt nguy hiểm nhất được dự báo sẽ xuất hiện ở những nơi thuộc bang Texas, Oklahoma và Arkansas, khi nhiệt độ có thể lên tới 43 độ C ở các thành phố Dallas, Oklahoma City, Tulsa và Little Rock trong vài ngày tới.

Giới khoa học đang nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu trong các đợt thời tiết cực đoan hiện nay, nói rằng mọi đợt nắng nóng trên thế giới đều do ảnh hưởng từ việc con người đốt nhiên liệu hóa thạch.

Công nhân thành phố Dallas, bang Texas hôm 12/7 sửa chữa đoạn đường trong những ngày cảnh báo nắng nóng cao độ. Ảnh: Reuters.

Công nhân thành phố Dallas, bang Texas hôm 12/7 sửa chữa đoạn đường trong những ngày cảnh báo nắng nóng cao độ. Ảnh: Reuters.

Friederike Otto, giáo sư Viện Grantham về Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Hoàng gia London, cho rằng nhân loại cần tiến tới việc đạt phát thải ròng bằng 0 trước khi các đợt sóng nhiệt trở nên "chết chóc hơn".

"Chúng ta có những cơ quan giúp giảm thiểu tác động tiêu cực, thiết kế lại thành phố, nhà cửa, trường học, bệnh viện, cũng như giáo dục người dân về cách giữ an toàn", ông Otto nói. "40 độ C tại Anh không phải do Chúa tạo ra, mà đến từ việc chúng ta đốt nhiên liệu hóa thạch trong quá khứ và hiện tại".

Tại Trung Quốc, thời điểm "sanfu" - giai đoạn nóng nhất trong năm, thường kéo dài 10 ngày - năm nay có thể kéo dài đến 40 ngày, theo dự báo từ cơ quan khí tượng quốc gia. Trung Quốc cảnh báo về những đợt nắng nóng gay gắt trong tuần này, khi nhiệt độ có thể lên tới 42 độ C ở miền Nam.

Lượt xem: 116
Tác giả: Trần Hoàng
Nguồn:tintuc.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...