Quản lý nhà kính thích ứng với biến đổi khí hậu ở Lâm Đồng
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan cho TP Đà Lạt vốn nổi tiếng xinh đẹp và thơ mộng...
Thời gian qua, mô hình nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa, củ, quả phát triển “nóng” ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, do hiệu quả kinh tế vượt trội, phong trào xây dựng nhà kính trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng. Đến nay, diện tích nhà kính toàn tỉnh đạt 4.476ha, trong đó TP Đà Lạt có diện tích nhà kính lớn nhất với hơn 2.500ha, chiếm 57% diện tích nhà kính toàn tỉnh. Phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để sản xuất hoa và sản xuất rau, còn lại trồng cây nông nghiệp khác. Trong đó, nhiều nhà kính được thiết kế đơn giản do người dân tự lắp ráp bằng sắt, tầm vông... chiếm diện tích khá lớn, không bảo đảm theo các quy định, ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường.
Nhà kính cùng với các công nghệ ứng dụng hiện đại đã giúp nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản; đồng thời còn giúp chi phí lao động giảm nhiều do kiểm soát được cỏ dại, giảm nhân công lao động, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua. Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP, so với phương pháp canh tác truyền thống ngoài trời thì canh tác trong nhà kính giúp giảm lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng như lượng nước tưới, nhờ vậy chi phí sản xuất giảm đáng kể. Mô hình nhà kính cũng giúp giảm thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết như mưa đá, hạn hán, dông lốc...
Mô hình nhà kính trồng hoa và rau bùng phát tại Lâm Đồng. |
Bên cạnh những hiệu quả, lợi ích kinh tế do việc ứng dụng nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua, việc phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu sự kiểm soát, lấn chiếm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình (giao thông, thủy lợi, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, quốc phòng, an ninh...) đã ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị và môi trường. Ông Hoàng Văn Phương ngụ tại phường 12, TP Đà Lạt cho biết: Bây giờ đi đâu cũng thấy nhà kính trồng hoa và rau từ nội đô cho đến các huyện ngoại thành. Dù mô hình này góp phần cải thiện đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhưng việc phát triển nhà kính theo phong trào như hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và cuộc sống của nhân dân. Ngay tại TP Đà Lạt, nhiều mảng xanh đã bị thay thế bởi nhà kính, khiến không gian đô thị Đà Lạt trở nên đơn điệu, ngột ngạt, mất hết thiên nhiên.
Nhận thức được những tác động tiêu cực của nhà kính trên địa bàn, nhất là tại TP Đà Lạt, cuối tháng 1-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 178/QĐ-UBND phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo quyết định nêu trên, đến năm 2025, diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội đô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận giảm tỷ lệ 20%. Riêng khu vực nội đô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2030 giảm dần và tiến tới không còn nhà kính sản xuất nông nghiệp so với hiện trạng năm 2022. Ngoài ra, đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng giải tỏa toàn bộ diện tích nhà kính xây dựng trái quy định trên đất lâm nghiệp, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, bảo vệ công trình thủy lợi và nguồn nước, khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình quốc phòng, an ninh...
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp không dùng nhà kính với mục tiêu chung: Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội đô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 178 tỷ đồng, gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng (chiếm 2,0%), kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỷ đồng (chiếm 96,5%).
Bên cạnh nội dung đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp không dùng nhà kính, Quyết định số 178/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng xác định xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Cũng theo đề án, các ngành chức năng của tỉnh sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành hợp tác xã; xây dựng và phát triển thương hiệu, chứng nhận sản phẩm (VietGAP, OCOP); xúc tiến thương mại; hỗ trợ hạ tầng cơ sở (đường giao thông, thủy lợi, điện...) để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu; hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất công nghệ cao kiểu mẫu; giúp doanh nghiệp, hộ nông dân và cá nhân cùng chính quyền thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề án.
Bài và ảnh: MINH ĐÔNG