Mưa dông gây thiệt hại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 31-7, báo cáo từ Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 khiến nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, nhiều nhà dân bị tốc mái, sập, một số tuyến đường biến thành sông gây thiệt hại nhiều về tài sản và cả tính mạng người dân.

Cụ thể tại An Giang, mưa lớn kèm theo dông lốc xảy ra từ ngày 30-7 kéo dài đến nay khiến 9 căn nhà bị sập và tốc mái; 325ha lúa và 88ha hoa màu bị ngập úng. Ngoài ra, 3 trụ điện ngã đổ nằm chắn ngang đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Nghiêm trọng hơn, cơn mưa lớn và kéo dài nhiều giờ đã làm xuất hiện lũ núi cục bộ ở khu vực Ô Tà Sóc dưới chân núi Dài (đoạn thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Theo báo cáo của UBND xã Lương Phi, đến chiều 30-7, trên địa bàn xã có 7 điểm bị sạt lở đất, đá, gồm: Khu vực Ô Thổ Phi 1 điểm, khu vực dưới đồi Cây xanh 3 điểm, khu vực điện Trời Gầm 2 điểm, phía trên điện Tà Cau 1 điểm. Đối với các khu sạt lở độ dốc cao trên núi Dài, lực lượng chức năng không tiếp cận được, chiều rộng mỗi điểm sạt lở khoảng 30-50m, dài từ 100-300m. Hiện tại, chưa phát hiện thiệt hại về người. Ngoài ra, mưa lớn, lũ núi còn làm tuyến Tỉnh lộ 955B bị ngập nhiều đoạn từ 20-50cm, xe máy không di chuyển qua lại được.

Thường trực Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Lương Phi đã chỉ huy lực lượng vận động người dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm được 9 hộ, với 26 người; còn 2 hộ, 5 người dân chưa xuống núi do nước lũ chảy xiết không qua được. Lực lượng chức năng đang tìm cách tiếp cận hỗ trợ.

Tại Bạc Liêu, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, mưa lớn kèm lốc xoáy trong hai ngày qua đã làm 111 căn nhà trên địa bàn bị hư hỏng, trong đó có 59 căn nhà bị sập và 52 căn nhà bị tốc mái. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương - nơi có nhà dân bị sập, hư hỏng, khẩn trương bố trí chỗ ở tạm, cấp phát gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết, để các hộ dân có nhà bị sập sớm ổn định cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sửa chữa, xây lại nhà mới.

Mưa lớn kèm theo dông lốc xảy ra tại tỉnh Cà Mau làm 3 người bị thương, 170 căn nhà sập và tốc mái thuộc 2 huyện U Minh, Năm Căn và TP Cà Mau. Ước tính thiệt hại tài sản khoảng 7,4 tỷ đồng. Trong đó, huyện U Minh là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất, với 89 căn nhà sập và tốc mái, 3 người bị thương đang phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện U Minh.

Theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ thời điểm ảnh hưởng bão số 1 đến nay, toàn tỉnh đã có 84 căn nhà bị sập và tốc mái 448 căn nhà; ngã đổ 39 cây xanh, 114,4ha rừng, hơn 18ha chuối, 3ha rau màu; sập, ngã 6 trụ điện, hư hỏng 1 trạm biến áp. Ngoài ra, sóng lớn làm một đoạn kè bị sụt, lún phần mặt bê tông với chiều dài khoảng 50m; 7 vụ sạt lở đất ven sông, với tổng chiều dài 337m; trên biển 3 tàu cá bị chìm nhưng may mắn là 14 thuyền viên trên 3 tàu đã được cứu vớt an toàn.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên và cộng tác viên Báo Quân đội nhân Điện tử ghi nhận tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dông lốc mấy ngày qua: 

Căn nhà của người dân bị sập hoàn toàn do ảnh hưởng của dông lốc.  
Các trà lúa thu đông vừa gieo sạ cũng bị chìm trong nước. 
Nhiều diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch của người dân bị sập gây thiệt hại năng suất. 

Mưa dông, lũ núi khiến nhiều nhà dân bị ảnh hưởng. 

Lũ núi ở An Giang gây ảnh hưởng đến nhà dân. 
Nhiều tuyến đường biến thành sông vì mưa lớn kéo dài. 
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tài sản khỏi hiện trường sạt lở núi ở Tri Tôn, An Giang.
 Chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở.

THÚY AN (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan. 

Tags: mưa dông
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...