Động đất liên tiếp ở Kon Tum do xây thủy điện tràn lan?

Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng các trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum) là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện, thủy lợi tích nước, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới. Trước đó, Thanh tra Chính phủ xác định, việc quy hoạch 81 thủy điện chiếm 1.158ha đất ở Kon Tum có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư, nhiều vi phạm.

Huyện Kon Plông có thị trấn Măng Đen với khí hậu trong lành, thiên nhiên hoang sơ, đặc biệt nhất Tây Nguyên. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, huyện này xảy ra 53 trận động đất, trong đó trận gần nhất ngày 18/4 ảnh hưởng đến thành phố Pleiku (Gia Lai).

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, riêng động đất tại Kon Plông thời gian vừa qua nhiều khả năng là động đất kích thích bởi thời điểm gia tăng động đất trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 (ngày 24/3/2021).

Động đất liên tiếp ở Kon Tum do xây thủy điện tràn lan? - Ảnh 1.

 

Thủy điện Thượng Kon Tum Ảnh: TTXVN

Liên quan dự án thủy điện này, tại kết luận số 222 (tháng 2/2022), Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ, dự án do Cty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư tại xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và 3 xã của huyện Kon Plông (đều thuộc tỉnh Kon Tum), công suất lắp máy 240MW. Dự án được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với quy mô, diện tích 1.490 ha, tổng mức đầu tư 5.245 tỷ đồng, cuối năm 2020 đưa vào hoạt động.

Theo TTCP, tỉnh Kon Tum không yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó 109ha là trái quy định; không thực hiện thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất; không yêu cầu công ty thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp 48ha là trái quy định, gây thất thu ngân sách.

Đối với diện tích 501ha là đất rừng, theo thanh tra, trên thực tế đã đưa vào sử dụng mục đích khác từ năm 2011 đến 2016 nhưng UBND tỉnh buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định chuyển mục đích rừng sang sử dụng vào mục đích khác là vi phạm quy định. Công ty chưa được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm là tuyến năng lượng (đường hầm dẫn nước) và khu vực nhà máy (nhà máy xây dựng trong lòng đất) nhưng đã thực hiện triển khai từ năm 2015 là hành vi chiếm đất bị nghiêm cấm, nhưng cơ quan chức năng của tỉnh đã buông lỏng quản lý.

Yêu cầu loại bớt thủy điện nhỏ và vừa

Theo TTCP, Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum với 2 khu vực làm bãi trữ và bãi thải diện tích 60ha. UBND tỉnh chưa có quyết định cho công ty thuê đất để làm 2 bãi này nhưng trong quá trình thi công, công ty tự ý đổ đất, đá (hàng triệu mét khối) tại 2 vị trí nằm trong diện tích đất đã được cho thuê (không phải là đất được bố trí để làm bãi thải) và 1 vị trí đổ thải ngoài diện tích đất đã được cho thuê là trái quy định. Vi phạm tại dự án phải được xử lý theo quy định, trường hợp không khắc phục được hậu quả, TTCP sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

TTCP cũng nêu rõ, tại Kon Tum, việc phê duyệt bổ sung quy hoạch thủy điện phát triển thủy điện nhỏ và vừa còn chưa quan tâm đúng mức đến việc ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng. Cụ thể, tỉnh này quy hoạch 81 thủy điện chiếm 1.158ha đất rừng (rừng sản xuất 951ha, rừng phòng hộ 43ha, rừng đặc dụng 163ha) có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư (nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch). Theo TTCP, mặc dù năm 2019, UBND tỉnh có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch nhưng chỉ đạo này thực hiện chưa triệt để; sau thời điểm ban hành văn bản, vẫn có 26 thủy điện được bổ sung quy hoạch. TTCP yêu cầu UBND tỉnh cần rà soát, điều chỉnh, loại bớt các dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa, tránh nguy cơ lũ lụt, thủy điện chiếm đất rừng làm ảnh hưởng đến môi trường và mất tài nguyên rừng.

Có thể tiếp tục xảy ra động đất 5-5,5 richter

Ngày 19/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, thông tin về tình hình động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum), ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, khu vực này trong năm 2021, ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2,5 Richter trở lên. Đặc biệt, trong 4 ngày qua đã ghi nhận xảy ra liên tục 22 trận động đất từ 2,5 đến 4,5 Richter, lớn hơn gấp 5 lần lịch sử hơn 100 năm qua.

Theo ông Xuân Anh, động đất tại Kon Plông thuộc diện kích thích thông thường xảy ra do tác nhân nào đó. Theo nhận định sơ bộ ban đầu, từ tháng 3/2021, tại khu vực này có Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước có thể gây áp lực đến kết cấu địa chất, giống trường hợp Thủy điện Sông Tranh trước đây. “Dự báo sắp tới, khu vực Kon Plông có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất, với cường độ 5-5,5 Richter và diễn biến rất khó đoán. Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi để có đánh giá thêm”, ông Xuân Anh nói.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, nhận định, các trận động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum mấy ngày qua là hiện tượng bất thường. Nhiều khả năng do thủy điện tích nước, bởi khoảng thời gian này, trừ thủy điện tích nước, khu vực Kon Tum không có hoạt động xây dựng công trình lớn gây kích thích nào khác. Ông Hoài đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến động đất, có nghiên cứu tổng thể, sớm đưa ra các cảnh báo, dự báo cho người dân. Đồng thời, các đơn vị phải tăng cường, phối kết hợp với thủy điện, địa phương cung cấp thông tin nhanh chóng, tránh để người dân hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống. Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị thủy điện Thượng Kon Tum dừng ngay việc tích nước vào thời điểm này. Các hồ chứa, hồ thủy lợi phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hoạt động, giảm tích nước bởi trong tình hình động đất còn khó đoán nếu xảy ra sự cố sẽ gây ra thảm họa.

TTCP chỉ rõ, Dự án thủy điện Đắk Re do Cty Cổ phần thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư tại xã Hiếu (huyện Kon Plông) và một phần xây dựng nhà máy thuộc tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 60MW, diện tích đất sử dụng 192ha, tiến độ từ 2007-2021. UBND tỉnh Kon Tum giao đất, cho thuê đất tăng 25ha so với giấy chứng nhận đầu tư là việc làm tùy tiện, vi phạm quy định, thể hiện sự buông lỏng quản lý về đất đai.

Lượt xem: 180
Tác giả: Theo Tiền Lê - Dương Hưng
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...