Đi trước, đón đầu trong công tác bảo vệ môi trường
Công tác bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay trong việc thực hiện giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.
Ngày 27/4, tại Hà Nội đã diễn ra "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020". Hội thảo do Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (VIASEE) thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 |
Tham dự hội thảo có PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam, là người chủ trì và điều phối hội thảo; PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và hơn 300 đại diện doanh nghiệp.
Cần có quy chuẩn đánh giá sức chịu tải của môi trường
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sau khi ra đời đã làm xã hội có rất nhiều sự thay đổi. Chính vì vậy, nghị định để thực thi Luật Bảo vệ Môi trường đến năm 2022 mới ra đời được. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 có rất nhiều điểm mới. Đặc biệt là vấn đề Giấy phép môi trường (GPMT) và Đăng ký môi trường (ĐKMT). Đây là thủ tục mang tính bắt buộc và là điểm mới.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 có 5 đối tượng cần thực hiện GPMT, ĐKMT gồm: Dự án đầu tư, thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường phải đánh giá tác động môi trường; Dự án đầu tư ko thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường cũng phải đăng ký giấy phép môi trường; Cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ; Dự án đầu tư có quy mô thuộc nhóm 3; Cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có quy mô thuộc nhóm 3.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, GPMT và ĐKMT không phải là vấn đề mới với các nước trên thế giới. Nhưng đối với Việt Nam, đây là vấn đề mới và sẽ là khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi mong rằng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) với sự giới thiệu, gợi mở để giúp các doanh nghiệp có cố gắng để tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và tạo ra hiệu quả nhanh chóng có được giấp phép và đăng ký. Chúng ta đều biết rằng 2 loại giấy phép này khác với tác động môi trường. GPMT và ĐKMT là phải làm thường xuyên, theo chu kỳ dài nhất là 5 năm. Đây cũng là một khó khăn”, Chủ tịch VIASEE nhấn mạnh.
Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm của đại diện nhiều doanh nghiệp tới tham dự |
Trong khi đó, theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, trong xây dựng có giấy phép xây dựng nhưng trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì đây là lần đầu tiên có GPMT và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án lớn và đối với các dự án môi trường.
Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin GPMT. Ở đây tiềm ẩn một rủi ro, đó là khi doanh nghiệp bỏ tiền, thậm chí là rất nhiều tiền để hoàn thành công trình bảo vệ môi trường xong cơ quan quản lý vẫn không duyệt GPMT. Doanh nghiệp nào rơi vào hoàn cảnh đó sẽ thiệt hại rất lớn, vì vậy phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm các thủ tục xin GPMT.
Cũng theo TS Hoàng Dương Tùng, ở các nước khác họ sẽ làm theo dạng "hậu kiểm". Nghĩa là họ sẽ đưa ra một danh sách các yêu cầu để doanh nghiệp hoàn thiện trước khi nộp hồ sơ xin cấp GPMT. Sau đó, khi doanh nghiệp hoàn thành các yêu cầu và nộp hồ sơ GPMT thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chi tiết, từ đó làm cơ sở để duyệt hồ sơ GPMT của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đỡ bị bối rối khi làm hồ sơ GPMT.
“Tiếp đó là vấn đề sức chịu tải của môi trường, làm thế nào để doanh nghiệp biết được sức chịu tải của môi trường tại nơi đặt dự án? Áp dụng quy chuẩn nào để doanh nghiệp tuân theo? Hiện nay luật chưa quy định rõ quy chuẩn nào được áp dụng để đánh giá sức chịu tải của môi trường. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần phải xác định rõ và điều chỉnh lại quy chuẩn cho phù hợp với từng tiêu chí để doanh nghiệp có thể hiểu đúng và đủ để thực hiện”, TS Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm.
Đơn vị nào phê duyệt GPMT?
Trả lời câu hỏi tại hội thảo về việc các dự án thuộc nhóm nào và xác định qua những tiêu chí nào để xác định phải xin GPMT và ĐKMT, Luật sư Hà Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cho biết, để xác định được đối tượng thuộc nhóm nào cần dựa theo các tiêu chí: Quy mô dự án; Công suất dự án; Loại hình dự án; Diện tích sử dụng đất; Yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Để xác định được thủ tục cần thực hiện, doanh nghiệp cần xác định loại hình, loại dự án, nhóm dự án nào thì phải thông qua xác định các tiêu chí. ĐTM đối với dự án đăng ký môi trường và đối với dự án cơ sở sản xuất kinh doanh... Do đó, chúng ta phải bắt buộc xác định qua các tiêu chí này.
“Ban Pháp chế Hội Kinh tế Môi trường sẵn sàng là cầu nối, là đơn vị tiếp nhận câu hỏi, các vấn đề thắc mắc, tồn tại, thậm chí yêu cầu đối với cơ quan Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách về pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, Luật sư Hà Huy Phong nói.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường trình bày tham luận tại hội thảo |
Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết, theo quy định, UBND tỉnh phê duyệt ĐTM cho doanh nghiệp thì cơ quan này cũng sẽ chịu trách nhiệm cấp GPMT. Trong quá trình xin GPMT thì cơ quan quản lý có trách nhiệm theo dõi quá trình vận hành thí điểm. Nếu trong quá trình vận hành của doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn liên quan đến việc cấp GPMT thì cơ quan quản lý sẽ cấp GPMT theo đúng quy định.
Trong trường hợp doanh nghiệp thuê lại dự án để hoạt động mà không có dự án mới thì toàn bộ trách nhiệm liên quan đến môi trường sẽ thuộc về cá nhân, tổ chức đứng tên trong hồ sơ môi trường của dự án cũ. Nếu doanh nghiệp thuê lại dự án mà lập dự án riêng và thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường thì doanh nghiệp thuê lại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến môi trường.
Chính sách thuế, phí ra sao?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp quan tâm đến chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường. Trước đây là do Bộ Tài chính quản lý. Khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời thì phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Đáng chú ý trong các công cụ kinh tế là công cụ thu thuế cacbon.
Sau khi thực hiện thu phí sử dụng dịch vụ môi trường rừng thành công, tới đây sẽ có 3 cái thu phí. Một là thu phí dịch vụ đất ngập nước, dịch vụ sinh thái biển, khai thác núi đá; Như cao nguyên đá Hà Giang, dù thu tiền rất nhiều nhưng ngân sách Nhà nước không có. Việc thu phí dịch vụ sinh thái tự nhiên là để Nhà nước có tiền đầu tư trở lại.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ quan điểm trong hội thảo |
Cùng quan điểm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khẳng định, công cụ kinh tế đang càng ngày áp dụng ở Việt Nam. Các công cụ kinh tế đang ngày càng yêu cầu doanh nghiệp, người dân đóng góp nhiều hơn. Vậy tại sao phải đưa ra, tại sao phải đánh thuế. Như vừa rồi, thuế xăng dầu đã có rất nhiều ý kiến.
“Chúng ta đóng thuế môi trường có đáng hay không? Dần dần thì cơ quan Nhà nước phải giải trình được điều này. Trước mắt chúng ta phải tuân thủ. Lợi ích của chúng ta được gì khi đóng thuế? Có người nói chả có lợi ích gì nhưng thực ra không phải. Trước hết, chúng ta có lợi ích xã hội, chúng ta tuân thủ là chúng ta góp phần vào làm môi trường sạch hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Đồng thời giảm được chi phí phát sinh khi xảy ra sự cố môi trường. Trung ương Hội Kinh tế Môi trường, Tạp chí Kinh tế môi trường sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.