Cái khó của điện gió và điện mặt trời

Những biến động của thời tiết khiến các nguồn điện mặt trời và điện gió không phát huy được hết công suất.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) gần 20.700MW đến cuối năm 2021, chiếm gần 30% tổng công suất đặt nguồn điện.

Thống kê trong 4 tháng đầu năm 2022, nguồn điện năng lượng tái tạo được huy động gần 13,2 tỷ kWh, chiếm 15,4% lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Trong đó, 70% số này là nguồn từ điện mặt trời và 30% từ điện gió.

Đáng nói, mặc dù tỷ trọng công suất và huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã cao hơn nhiều trước đây nhưng Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng.

Tại tọa đàm "Tiết kiệm năng lượng, giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng", ngày 18/5, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng lý giải bất cập trên là do tính bất định của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Cái khó của điện gió và điện mặt trời

Tính bất định của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) khiến nguồn điện huy động gặp khó khăn

Theo vị này, loại hình điện gió, điện mặt trời có những đặc tính về mùa, vùng miền và tác động của thời tiết... không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát.

Theo phân tích, nguồn điện mặt trời chỉ đạt hiệu quả phát điện tối ưu vào buổi trưa, bức xạ nhiều. Các nhà máy mặt trời đặt tại miền Trung, miền Nam có công suất phát tốt hơn tại phía Bắc do có số giờ nắng nhiều hơn...

Tại tọa đàm, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cũng thừa nhận, bên cạnh những thuận lợi là có thêm nguồn năng lượng điện đáp ứng cho hệ thống điện quốc gia, thì năng lượng tái tạo cũng có những bất ổn.

Ông Lâm cho biết, có những thời điểm nguồn điện gió huy động chưa được 1% (0,37%), điện mặt trời cũng chỉ huy động ban ngày (chủ yếu từ 8h sáng đến 3 - 4h chiều).

Cũng theo ông Lâm, thời điểm phát tốt nhất của điện gió vào các tháng 11, 12 và tháng 1, 2 còn những tháng phát thấp nhất lại là các tháng nóng (từ tháng 4 đến 6).

Khi thời tiết biến động, điện mặt trời cũng không phát huy được 17.000MW công suất, điện gió cũng chỉ huy động được rất khiêm tốn. Do đó, năng lượng truyền thống vẫn đang đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong đảm bảo cung ứng điện.

Không chỉ năng lượng tái tạo gặp khó mà điện than hiện cũng vậy do lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Tính đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát, các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021, lượng thủy văn cũng có những suy giảm bất thường so với mọi năm, các thủy điện lớn trên sông Đà có sản lượng điện rất thấp.

Ngoài ra, vấn đề giá nhiên liệu cũng gây áp lực rất lớn cho sản xuất điện cho hệ thống của EVN. Theo ông Lâm, giai đoạn tháng 9/2021, giá than chỉ 90 USD/tấn, nhưng có thời điểm lên tới 200 - 400 USD/tấn, giá hiện tại khoảng 230 USD/tấn và dự báo giá than trong thời gian tới là 279 USD/tấn.

Đặc biệt, giá dầu thế giới cũng neo ở ngưỡng rất cao, trên 100 USD/thùng. Chi phí đầu vào cho vận hành hệ thống điện tăng rất cao, đó là những thách thức rất lớn của EVN trong việc sản xuất, cung ứng điện trong năm 2022.

Lượt xem: 171
Tác giả: Hậu Lộc
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...