Bảo vệ tài nguyên nước

Nhiều năm qua và đặc biệt những ngày qua, các đơn vị trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) liên tục cấp cứu ngư dân gặp nạn, cũng như hỗ trợ lương thực, thực phẩm giúp bà con. Một trong những sự hỗ trợ không thể thiếu đối với tàu cá hoạt động dài ngày vào neo đậu, tránh trú do thời tiết xấu, đó là: Nước.

Mặc dù đối với những cán bộ, chiến sĩ trên đảo, lượng nước tích trữ được qua những đợt mưa rất quý hiếm, phải sử dụng cực kỳ tiết kiệm nhưng họ vẫn chia sẻ với người dân khi gặp khó khăn.

Nước quan trọng như thế nào trong đời sống con người, có lẽ không phải luận giải nhiều, bởi những nghiên cứu chỉ ra con người có thể tồn tại nhiều ngày mà không cần thức ăn, nhưng hầu như chỉ sống sót từ hai đến bốn ngày nếu không có nước.

Với mỗi chúng ta, cần phải có những hành động trách nhiệm để có thể góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn 

Thế nhưng chúng ta đang “đối xử” không công bằng với nước. Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới công bố gần đây đã chỉ ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước là mối đe dọa rất lớn. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải nhất là nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn vào chính... nguồn nước.

Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật đã làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô. Mặt khác, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân còn có biểu hiện thất thoát, lãng phí nước...

Trong khi đó, chúng ta đang đứng trước nhiều tồn tại, thách thức cần phải giải quyết, như: Thiếu thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý; nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp; áp lực phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu nước gia tăng, mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương còn phổ biến... 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tài nguyên nước của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”; ô nhiễm chất lượng nước có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm, nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP của Việt Nam sẽ giảm 2,5% vào năm 2035, nếu giải quyết triệt để thì GDP sẽ tăng 2,3%.

Hôm nay, ngày 22-3, tròn 30 năm Ngày nước thế giới và chủ đề năm nay được Liên hợp quốc phát động đó là “Thúc đẩy sự thay đổi”. Với thông điệp để nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh trong cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia; đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu. Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước, thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hằng ngày.

Với mỗi chúng ta, cần phải có những hành động trách nhiệm để có thể góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Đó là không đổ chất thải thực phẩm, dầu thải, thuốc, hóa chất xuống nhà vệ sinh hoặc cống rãnh gia đình; quản lý chất thải thông qua các nhà máy xử lý rác thải; tham gia trồng nhiều cây xanh; khai thác, sử dụng nguồn nước theo đúng khuyến cáo, chỉ dẫn khoa học; tìm nguồn nước, bảo vệ nguồn nước và chia sẻ nguồn nước hợp lý;... Hay như cách mà cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo vẫn thường làm là tắm tiết kiệm nước hơn, không để lãng phí nước trong sinh hoạt và tận dụng mọi nguồn nước có thể để chăm sóc cây xanh.

Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...