Bảo vệ “lá phổi xanh” vùng tứ giác Long Xuyên

Do biến đổi khí hậu và các yếu tố bất thường của thời tiết nên những cánh rừng từng ngày bị đe dọa nghiêm trọng.

Bằng nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 (Quân khu 9) luôn bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh” vùng tứ giác Long Xuyên mãi xanh tươi.

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Thanh Giang, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 4, chúng tôi được biết đơn vị hiện đang chăm sóc, bảo vệ hơn 4.000ha rừng tràm trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Hằng năm, mùa khô nắng nóng bắt đầu từ tháng một và kéo dài đến gần giữa tháng bảy nên mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp, nhất là tại các khu rừng phòng hộ, nguy cơ xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Với phương châm “phòng là chính”, sư đoàn thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát, bổ sung xây dựng các kế hoạch phòng, chống cháy rừng (PCCR).

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 luyện tập phương án phòng, chống cháy rừng. 

Ngoài các phương tiện được cấp trên đầu tư, đơn vị còn trích từ nguồn tăng gia sản xuất, mua sắm thêm các loại máy bơm công suất lớn, phương tiện chữa cháy cơ động như thuyền bơm, máy phao bơm, bình cứu hỏa CO2; tăng cường lực lượng, phương tiện cho các chốt giữ rừng. “Cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên duy trì luyện tập các phương án PCCR, sử dụng thành thạo các loại phương tiện chữa cháy; tổ chức tuần tra, canh gác, cắm biển báo, biển cấm theo từng khu vực rừng. Sư đoàn còn tổ chức nạo vét kênh rạch, phân lô, phân khoảnh, đốt ven nhằm tạo khoảng cách an toàn giữa rừng tràm và khu vực sản xuất đất nông nghiệp của người dân, thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng trên địa bàn trong công tác PCCR”, Đại tá Nguyễn Thanh Giang nói.

Xé toang không gian tĩnh lặng của rừng tràm, chiếc vỏ lãi do Thiếu tá Trần Công Thương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 4 điều khiển đưa chúng tôi đi thăm các chốt bảo vệ rừng. Theo Thiếu tá Trần Công Thương, khu vực rừng do đơn vị quản lý khá phức tạp, có nhiều hộ dân sinh sống xung quanh. Những năm trước đây cũng từng xảy ra một số vụ cháy rừng do người dân đốt cỏ làm rẫy hoặc lén lút vào rừng để khai thác mật ong, săn bắt động vật. Để chủ động trong công tác PCCR, ngay từ đầu mùa khô, tiểu đoàn đã xây dựng, bổ sung các kế hoạch trồng, quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức trong PCCR, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng. Nhờ sự chủ động đó, nhiều năm qua, khu vực rừng do tiểu đoàn quản lý không còn tình trạng nông dân đốt đồng bừa bãi, không để xảy ra vụ cháy rừng nào.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Vũ Vinh, 57 tuổi, ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Cách đây không lâu, vào một buổi chiều khi đang ngồi ăn cơm phía trước nhà, ông Vinh phát hiện ngọn lửa có nguy cơ gây cháy lan vào rừng. Lập tức, ông điện thoại thông báo cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 và cùng người dân kịp thời dập tắt ngọn lửa. Trong những lần cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác PCCR, ông Vinh là người rất tích cực tham gia.

Diện tích rừng rộng, việc cơ động tuần tra còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở từng chốt gác của Sư đoàn 4 luôn đề cao cảnh giác. Mỗi chốt có 3 người, các chiến sĩ thay phiên nhau canh gác. Trung sĩ Trần Văn Tuấn, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 30 cho biết: “Để có thể giữ được cánh rừng bình yên, chúng tôi luôn chủ động phân công nhau tuần tra, trực trên chòi canh. Mùa nắng nên người dân hay lén lút vào rừng săn bắt các loại động vật, đặc biệt là đốt ong lấy mật, nguy cơ cháy rừng luôn rình rập”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để tập trung cho công tác PCCR, trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 đều có mặt, không ai đi phép, nghỉ tranh thủ, thường xuyên tham gia trực, tuần tra, bơm nước giữ ẩm cho rừng. Đại tá Nguyễn Thanh Giang cho biết thêm: “Bằng những việc làm cụ thể, mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã góp hàng nghìn ngày công giúp chính quyền, nhân dân địa phương sửa chữa trường mầm non, đào đắp lộ giao thông nông thôn, bắc cầu, thu hoạch lúa chạy lũ; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí... Từ những hoạt động thiết thực đó đã góp phần tạo được niềm tin yêu, tô thắm truyền thống đoàn kết quân dân, cùng nhau bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh” và sự bình yên trên biên giới Tây Nam”.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

 

Tags: qdnd
Lượt xem: 392