Bảo vệ hệ sinh thái rừng gắn với phát triển du lịch bền vững

Rừng tràm Gáo Giồng thuộc địa bàn xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) rộng hàng nghìn ha, có hệ sinh thái động thực vật phong phú. Việc quan tâm, giữ gìn “lá phổi xanh” và nhiều loài động vật hoang dã của rừng tràm, gắn với phát triển du lịch sinh thái, đã thu hút đông đảo du khách thời gian qua.

* Bảo vệ hệ sinh thái

Rừng tràm Gáo Giồng có tổng diện tích hơn 1.500 ha, trong đó có khoảng 1.200 ha rừng tràm. Trưởng Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng Huỳnh Thanh Hiền cho biết, trong bảo vệ hệ sinh thái rừng, đơn vị quán triệt cán bộ, nhân viên và tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực vành đai rừng hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các chất hóa học nhằm tránh tác động đến môi trường; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Thông qua nhiều hình thức, Ban Quản lý rừng tràm phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xung quanh khu vực rừng tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy rừng vành đai (8 đội với gần 100 thành viên).

Để bảo vệ đàn chim, cò về trú ngụ, Ban Quản lý cùng các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không săn bắt động vật hoang dã di trú ngoài đồng ruộng cũng như trong khu vực rừng. Ban Quản lý tạo môi trường an toàn, thuận lợi về nguồn thức ăn, cây làm tổ, nguồn nước… để thu hút các loài chim, cò về sinh sản.

Ông Trần Văn Lạ, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách số 2 (Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng) cho hay, Đội thường xuyên phối hợp các lực lượng công an, quân sự địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra trong và ngoài khu vực rừng, ngăn chặn những đối tượng xâm nhập rừng trái phép; thu gom các dụng cụ săn bắt động vật hoang dã. Qua tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân thuộc khu vực vành đai rừng đã từng bước nâng lên, tham gia bảo vệ rừng và động vật hoang dã; mạnh dạn tố giác những đối tượng vào rừng trái phép để lực lượng chức năng xử lý.

Với sự nỗ lực của Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, lực lượng chức năng cùng sự chung tay của người dân địa phương, diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, hệ sinh thái động vật, thực vật phát triển. Hiện nay, tại rừng tràm Gáo Giồng có sân chim rộng khoảng 40 ha, trở thành nơi trú ngụ của khoảng 100 loài chim, cò các loại, có những loài quý hiếm như: nhan điển, cò nhạn (hay gọi là cò ốc), cò quắm…

Đặc biệt, số lượng cò ốc ở rừng tràm Gáo Giồng hiện lên đến 50.000 - 70.000 cá thể, có thời điểm nhiều hơn. Cò ốc có tên trong Sách đỏ Việt Nam, ở mức nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Cò ốc trưởng thành có sải cánh dài từ 0,6 - 1m, trọng lượng trung bình từ 1 - 1,5 kg/con; sinh sống chủ yếu ở các vùng đất ngập nước ngọt, thức ăn là các loại ốc, động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua, côn trùng lớn.

Bên cạnh đó, dưới những con kênh, lung, bàu trong rừng tràm Gáo Giồng xuất hiện rất nhiều hoa sen, hoa súng. Một trong những điểm nhấn của nơi đây là con đường tre rợp bóng mát dài khoảng 7 km. Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng còn trồng thêm tre (khoảng 20 km) ven các tuyến đê bao. Nơi đây cũng đang triển khai trồng khoảng 140 loài tre các loại để thực hiện bộ sưu tập tre, cũng như dự án bảo tồn tre.

* Phát triển du lịch sinh thái

Tận dụng nét hoang sơ và hệ sinh thái phong phú, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng đã thành lập và mở cửa đón khách từ năm 2003 đến nay. Đến đây, du khách được xem phim tư liệu, nhâm nhi tách nước cỏ bắc với hạt sen rang; từ trên đài quan sát ngắm nhìn khu rừng tràm rộng bao la; đi xuồng tham quan sân chim rộng 40 ha; tham quan, chụp ảnh tại con đường tre Gáo Giồng; ngắm hoa sen, hoa súng; tham gia bắt cá, câu cá thư giãn; xem đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp…

Vào dịp cuối tuần, anh Huỳnh Duy Khoa (ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) cùng bạn bè chọn điểm đến là Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Anh Khoa cho biết rất ấn tượng khi đi trên con đường tre mát rượi dẫn vào Khu du lịch, không khí trong lành, mát mẻ khiến tinh thần thoải mái; được ngồi trên xuồng, len lỏi qua con kênh, vào sâu trong rừng, tận mắt nhìn thấy nhiều loài chim, cò khiến anh rất thích thú.

Giám đốc Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng Lê Ngọc Kiều Oanh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, có khoảng 20 nghìn lượt khách đến với Khu du lịch, chủ yếu là ở ngoài tỉnh và quốc tế. Nơi đây có nhiều dịch vụ phục vụ du khách, nhưng nét đặc trưng là trải nghiệm đi xuồng tham quan sân chim; đặc biệt vào mùa nước nổi, chim về làm tổ, sinh sản càng nhiều hơn. Sau đó, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản như cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu, canh chua cá linh và nhiều món ăn ngon khác đậm chất miền quê sông nước.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Phương án quản lý rừng bền vững rừng tràm Gáo Giồng giai đoạn 2024 - 2030; khai thác tiềm năng, lợi thế đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quảng bá hình ảnh địa phương, UBND huyện Cao Lãnh vừa trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái Gáo Giồng. Địa phương thống nhất quan điểm: phát triển du lịch phải dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; chỉ phát triển các điểm tham quan, trải nghiệm ở khu vực có cảnh đẹp, dễ tiếp cận, an toàn và đảm bảo tính yên tĩnh toàn vẹn của thiên nhiên, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến hệ sinh thái tự nhiên, các loài động, thực vật.

Theo UBND huyện Cao Lãnh, quy mô Đề án du lịch này rộng hơn 677 ha, chia thành 9 phân khu chức năng, trong đó xây dựng 4 tuyến du lịch, các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, tham quan, giải trí…
Tổng mức đầu tư của Đề án hơn 786 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong giai đoạn từ 2024 - 2030. Đề án hướng đến mục tiêu đến năm 2030, thu hút trên 40.000 lượt khách; trong đó khách lưu trú đạt trên 12.000 lượt (khách quốc tế chiếm 30%); thu hút 1.000 lao động trực tiếp; thu dịch vụ du lịch hơn 24 tỷ đồng/năm, nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng ít nhất 1 tỷ đồng/năm./.

Nhựt An

Lượt xem: 6
Tác giả: Huỳnh Nhựt An
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...