1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra tại Việt Nam mỗi năm

Ô nhiễm rác thải nhựa là một hiểm họa với môi trường toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chỉ 27% rác thải nhựa được tái chế

Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường.

Rác thải nhựa khi trôi dạt ra biển sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống của các sinh vật biển và xa hơn là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi chúng ta. Phải mất tới hàng chục năm, thậm chí là hàng trăm năm các loại rác thải nhựa mới có thể được phân hủy. Bởi vậy, vấn đề rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn toàn cầu, thách thức mọi quốc gia.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục… trong cả nước đã ban hành nhiều quy định, chiến lược, khẩu hiệu, phong trào nhằm mục đích tăng cường quản lý, giám sát để giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Thành An.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục… trong cả nước đã ban hành nhiều quy định, chiến lược, khẩu hiệu, phong trào nhằm mục đích tăng cường quản lý, giám sát để giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Thành An.

Theo TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, sản lượng sản xuất nhựa tại Việt Nam không ngừng tăng qua các năm.

"Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam. Trong số đó chỉ có 27% được tái chế và theo UNEP thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển", TS. Nguyễn Anh Thơ nêu thống kê.

Một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Bình Thuận..., tình trạng rác thải nhựa trở nên nhức nhối.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh năm 2019 cho thấy rác thải nhựa chiếm 92,2% số lượng và 64,8% khối lượng trên tổng số rác thải thu gom được trên các bãi biển của Việt Nam.

Thay đổi hành vi, nói không với rác thải nhựa

Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng, tạo những thách thức lớn về quản lý môi trường. Để giảm thiểu rác thải nhựa, cần có sự chung tay của cả xã hội. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời, những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm tới các vấn đề rác thải nhựa khi ra loạt quyết định liên quan đến kế hoạch hành động chống rác thải nhựa. Trong quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4.12.2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 nêu rõ phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa và năm 2030 là 75%.

Đồng thời cũng nêu 5 giải pháp lớn là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân; Thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa ven biển và trên biển; Kiểm soát rác thải nhựa đầu nguồn; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa; Điều tra khảo sát, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục… trong cả nước đã ban hành nhiều quy định, chiến lược, khẩu hiệu, phong trào nhằm mục đích tăng cường quản lý, giám sát để giảm thiểu rác thải nhựa.

Ngày 12.12, Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường 2024. Diễn đàn phân tích vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời tôn vinh các sáng kiến cộng đồng, công nhân, người lao động trong bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...