Xe đạp đô thị sẽ giúp giảm phương tiện cá nhân trong nội đô Hà Nội

Tuần qua, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn 6 quận nội thành.

Mô hình xe đạp công cộng đô thị đã được ứng dụng thành công tại nhiều đô thị lớn trên thế giới và mang lại những hiệu quả thiết thực. Đối với TP Hà Nội, xe đạp công cộng nếu được triển khai tốt sẽ góp phần giảm lưu lượng phương tiện cá nhân trong các quận nội thành và từng bước thay đổi văn hóa, thói quen sử dụng phương tiện của người dân khi tham gia giao thông.

Hiệu quả lưỡng dụng của xe đạp trong đô thị hiện đại

Thời gian qua, dự án xe đạp đô thị công cộng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã được người dân, du khách sử dụng với đăng ký mới đạt 218.157 tài khoản, trung bình 944 tài khoản/ngày. Khách sử dụng lại dịch vụ từ hai chuyến trở lên là 58.902 khách hàng, chiếm 27%. Trung bình 1.175 chuyến/ngày với thời gian sử dụng 246.094 giờ - trung bình 54 phút/chuyến. Hành khách sử dụng chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 40, chiếm 85% tổng số khách.

Chính từ những tiền đề trên, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng. Trong thời gian thí điểm không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.

Hà Nội sẽ có khoảng 80 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng tại 7 quận nội đô. 

Cụ thể, quy mô triển khai giai đoạn 1 với 1.000 xe (50% là xe đạp điện), 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng 30,255 tỷ đồng (bao gồm chi phí đầu tư xe đạp, khóa, simdata 17,3 tỷ đồng; chi phí vận hành mua sắm trang bị công cụ, dụng cụ, xe sửa chữa, văn phòng 3,55 tỷ đồng; phần mềm máy chủ server 1,12 tỷ đồng; đầu tư trạm xe, thi công bảo dưỡng 1,74 tỷ đồng; nhân công vận hành 6,54 tỷ đồng).

Trong 12 tháng thử nghiệm, Công ty CP Tập đoàn Trí Nam xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Giai đoạn tiếp, theo căn cứ vào số liệu vận hành thực tế, công ty sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả triển khai làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND thành phố các nội dung cụ thể.

Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh, mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng. Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Theo đề án của Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2022, thành phố sẽ triển khai dự án “Xe đạp đô thị” nhằm mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, khu liên cơ quan và phục vụ đi lại; thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, rèn luyện sức khỏe hằng ngày của người dân; đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung đánh giá, các nước phát triển đã triển khai dịch vụ này từ lâu và duy trì rất tốt. Mô hình xe đạp công cộng rất thành công và ngày càng trở nên cần thiết, đặc biệt là với những đô thị lớn, hiện đại như Hà Nội. Ngay ở Việt Nam, TP Hồ Chí Minh đã triển khai xe đạp công cộng và đang được người dân ủng hộ rất nhiệt tình

Theo thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, để loại hình này phát triển, tiêu chí đầu tiên khi đặt trạm là phải có kết nối với loại phương tiện giao thông công cộng khác như: Xe buýt, tàu điện, gần các khu dân cư đông người, khu mua sắm, trường học, bệnh viện… Khi đó, người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, an toàn thuận lợi nhất khi thuê và trả xe.

Mô hình xe đạp công cộng đã được triển khai thành công tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Ảnh: TRÍ NAM. 

Lựa chọn hình thức phù hợp để phát triển xe đạp công cộng

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội Đào Việt Long, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, bến xe, nhà ga, tàu điện. Về đề xuất xin được “miễn phí sử dụng tạm thời hè phố trong giai đoạn đầu tư hay trong thời gian một năm thí điểm”, ông Đào Việt Long nhấn mạnh, Sở sẽ tạo điều kiện ban đầu để đơn vị thí điểm thực hiện mô hình.

"Việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách, điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội hóa trong phát triển giao thông công cộng", Phó giám đốc Sở Giao thông vận tai TP Hà Nội Đào Việt Long cho biết.

Việc Hà Nội triển khai sau TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… sẽ có thuận lợi hơn khi có kết quả đánh giá làm cơ sở nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh. Căn cứ kết quả, hiệu quả kinh doanh dịch vụ của Công ty Trí Nam, đồng thời tổng hợp ý kiến của các sở, ban, ngành, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội sẽ tiếp tục báo cáo UBND thành phố để điều chỉnh phù hợp.

Việc cho thuê xe đạp đô thị sẽ góp phần giảm lưu lượng phương tiện cá nhân trong nội đô Hà Nội.  

Nhiều chuyên gia đánh giá, xe đạp công cộng trong đô thị là mô hình văn minh được triển khai ở nhiều nước, nhưng với TP Hà Nội, ngoài đồng bộ về hệ thống quản lý cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người sử dụng tham gia giao thông có ý thức sử dụng văn minh.

Theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, việc triển khai dịch vụ xe đạp công cộng cũng có không ít khó khăn, cần được tính toán kỹ lưỡng. “Ví dụ như, về hạ tầng giao thông, Hà Nội đang còn nhiều hạn chế, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp, nên trước mắt chỉ có thể triển khai ở các khu vực thuận lợi cho xe đạp lưu thông” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.

Bài, ảnh: NGỌC HUY