Vướng mắc trong thu hút, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN) thông qua thẻ học nghề là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và quân đội. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương, chính sách này đang gặp phải một số vướng mắc.

Báo Quân đội nhân dân đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng các cơ sở đào tạo nghề không tiếp nhận, đào tạo nghề cho BĐXN có thẻ học nghề. Nguyên nhân được các cơ sở dạy nghề đưa ra là gặp khó khăn khi thanh toán kinh phí đào tạo nghề cho BĐXN.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, các cơ sở đào tạo nghề thường ký hợp đồng liên kết đào tạo với trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thuộc bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm thu hút, tạo thuận lợi cho BĐXN học nghề. Thẻ học nghề và bằng, chứng chỉ học nghề là chứng từ bắt buộc để các trung tâm trình lên bộ CHQS tỉnh, thành phố, Bộ Quốc phòng bảo đảm kinh phí để thanh toán cho các trường liên kết đào tạo theo đúng quy định. Tuy nhiên, đầu năm 2018, Bộ Quốc phòng có chủ trương giải thể các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm nên việc ký kết hợp đồng liên kết đào tạo nghề với các trường nghề không còn nữa.

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ tại Trường Cao đẳng Nghề số 5, Quân khu 5. Ảnh: THUẬN AN 

Hiện nay, để thanh toán kinh phí đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 1, Điểm c, Khoản 5, Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó: Hằng năm, lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên gửi bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định phê duyệt, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí.

Cụ thể: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương trực tiếp quản lý gửi về bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi qua sở LĐ-TB&XH. Quy định này khiến nhiều cơ sở đào tạo nghề “ngại” tiếp nhận, đào tạo BĐXN dù có thẻ học nghề. Cũng vì quy định này và một số lý do khác mà năm 2019, có tới 50 BĐXN học lái xe tại Trường Trung cấp nghề Á Châu ở xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) bị chậm trả giấy phép lái xe; nếu muốn lấy thì phải đặt cọc 2 triệu đồng... được Báo Quân đội nhân dân phản ánh trong bài “Về việc Trường Trung cấp nghề Á Châu chậm trả giấy phép lái xe cho học viên là bộ đội xuất ngũ”, đăng ngày 17-11-2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết: “Trước đây, nhà trường vẫn tiếp nhận và đào tạo nghề cho BĐXN. Việc thanh toán kinh phí đào tạo khá thuận lợi và phù hợp. Tuy nhiên, từ khi có quy định mới, chúng tôi không tiếp nhận, đào tạo BĐXN nữa vì việc thanh toán rất khó khăn. Bởi vì, mỗi khóa học chỉ có vài người là BĐXN thì chúng tôi biết lập kế hoạch, dự toán kinh phí kiểu gì”. Còn ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: “Trong 3 năm qua, chúng tôi đến nhiều đơn vị quân đội trên địa bàn TP Hà Nội và khu vực lân cận để tư vấn, tuyển sinh nhưng chỉ tiếp nhận, đào tạo được khoảng 40 BĐXN. Quá trình tư vấn, tuyển sinh, tôi thấy rằng phần lớn bộ đội chỉ quan tâm đến việc học lái xe để mau chóng tốt nghiệp, có việc làm và thu nhập mà ít quan tâm đến các ngành nghề khác. Trong khi đó, với giá trị của thẻ học nghề là 7 triệu đồng, BĐXN có thể lựa chọn rất nhiều nghề khác như cơ khí, công nghệ ô tô, điện-điện tử...”.

Trong khi đó, theo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, thực hiện Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, sở đã khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu để UBND thành phố ban hành các quyết định phê duyệt định mức chi phí đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự... Tuy nhiên, 3 năm qua, 8 trường trung cấp nghề do Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội quản lý đều trả lại kinh phí đào tạo từ nguồn ngân sách của thành phố vì gần như không tuyển được người học. Duy nhất chỉ có Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội tuyển sinh, đào tạo được 147 BĐXN và đều học nghề lái xe. Còn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức đào tạo được cho 4.599 BĐXN. Nguyên nhân là do đối tượng và lứa tuổi tham gia, nhu cầu học nghề phân tán (nhiều nghề khác nhau), nhiều địa phương khác nhau nên khó hình thành lớp; khó tiếp cận thực hiện tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp học nghề và giải quyết việc làm...

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội kiến nghị: “Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho BĐXN nhưng chưa quy định rõ chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hay Trung ương; chưa quy định rõ phân cấp quản lý đối tượng được hỗ trợ đào tạo để làm căn cứ xác định nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách. Vì thế, chúng tôi kiến nghị Trung ương bổ sung nội dung hướng dẫn xác định rõ các đối tượng nào thụ hưởng dịch vụ sử dụng ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành thông tư hướng dẫn việc triển khai xây dựng giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện tuyển sinh, đào tạo”.

Trước những bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng rà soát, đánh giá lại nội dung hướng dẫn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thu hút các cơ sở dạy nghề cùng tham gia đào tạo nghề cho BĐXN; góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội với BĐXN; giúp họ được học tập, ổn định cuộc sống.

ĐỨC TUẤN

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...