Việt Nam ủng hộ và sẽ tiếp tục đóng góp vào tiếng nói của phương Nam

Ngày 12-1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh "Tiếng nói phương Nam" theo hình thức trực tuyến.

Đây là hoạt động cấp cao quan trọng với sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và có sự tham dự của nguyên thủ/người đứng đầu chính phủ các nước, gồm tổng thống các nước: Mozambique, Senegal, Guyana, Uzbekistan; thủ tướng các nước: Bangladesh, Campuchia, Mông Cổ, Papua New Guinea, Thái Lan.

Hội nghị là một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ, là sáng kiến của Thủ tướng Modi với mục đích gắn kết quan điểm, lập trường của các nước đang phát triển vào chương trình nghị sự của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), qua đó thúc đẩy đoàn kết toàn cầu, xây dựng tiếng nói chung trong giải quyết các thách thức cấp bách và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Ấn Độ góp phần đưa "Tiếng nói phương Nam" vào chương trình nghị sự của G20 và nhấn mạnh thông điệp cần chung tay củng cố các nền tảng cho một nền hòa bình và phát triển thịnh vượng toàn cầu, cụ thể là: Tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế và duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư quốc tế với vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, lấy người dân làm trung tâm và "không bỏ ai lại phía sau"; kiến tạo các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở tranh thủ một cách sáng tạo Cách mạng công nghiệp 4.0, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu theo hướng nâng cao vị thế, tiếng nói của các nước đang phát triển.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh "Tiếng nói phương Nam". Ảnh: TTXVN 

Để tiếng nói phương Nam vang xa, Chủ tịch nước chia sẻ một số đề xuất cụ thể. Thứ nhất, có tiếng nói chung, đóng góp thực chất vào thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cải tổ Liên hợp quốc dân chủ và hiệu quả hơn, củng cố hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở vị trí trung tâm, hạn chế tối đa các rào cản thương mại.

Thứ hai, tăng cường hỗ trợ tài chính ưu đãi từ nhóm nước phát triển đối với các nước phương Nam, xóa, giãn nợ cho các nước nghèo, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và xây dựng lộ trình tài chính phát triển sau năm 2025; tăng cường các cơ chế tài chính mới, tài chính hỗn hợp gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Thứ ba, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cần giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia, đóng vai trò là động lực của tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ các bài học và thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng thời khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẽ tiếp tục đóng góp vào tiếng nói của phương Nam, vì một thế giới công bằng, rộng mở, cùng phồn vinh và hạnh phúc.

Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Modi chia sẻ các ưu tiên, định hướng của nước Chủ tịch trong năm 2023, nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ về bảo đảm lợi ích, mối quan tâm và ưu tiên cấp bách của các nước phương Nam tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ G20. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao sáng kiến của Ấn Độ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này mang đến một cơ hội đặc biệt để các nước đang phát triển đóng góp ý kiến thực chất vào quá trình thảo luận của G20.

Cùng với chủ đề chung của G20 năm 2023 về "Một trái đất, một gia đình, một tương lai", Hội nghị thượng đỉnh "Tiếng nói phương Nam" với chủ đề bao trùm "Chung tiếng nói, cùng mục tiêu" đã đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy đoàn kết, thể hiện quan điểm chung của các nước đang phát triển chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu. Những sáng kiến, cam kết, đề xuất tại hội nghị là nền tảng quan trọng cho chương trình nghị sự của G20 trong năm 2023, hướng tới Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 9-2023.

TRUNG ĐỖ