Việt Nam quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN

Chuyến công tác tới Indonesia tham dự Hội nghị cấp cao (HNCC) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 từ ngày 9 đến 11-5 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác.

Phóng viên (PV): HNCC ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 10 đến 11-5 kết quả đạt được như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Tại hội nghị, lãnh đạo ASEAN đã thống nhất nhiều định hướng quan trọng cho hợp tác ASEAN năm 2023 và những năm tới. Các trao đổi diễn ra xung quanh chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Kết quả của hội nghị gửi đi nhiều thông điệp lớn. Thứ nhất, tinh thần đoàn kết, độc lập, tự cường và tự chủ chiến lược được phản ánh rõ nét trong phát biểu của các nước. Các nhà lãnh đạo đều thống nhất rằng đây chính là sức mạnh, là động lực và cũng là phương châm để ASEAN giữ vững vị trí, vai trò và hình ảnh trong khu vực và trên thế giới. ASEAN sẽ là lực lượng trung tâm trong tiến trình củng cố hòa bình, duy trì ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, ASEAN có đủ điều kiện trở thành tâm điểm của tăng trưởng cũng được các nước hết sức đề cao. Kinh tế toàn cầu bấp bênh, địa chính trị biến động, thách thức, khó khăn chồng chất nhưng ASEAN vẫn tăng trưởng ở mức cao, tới 5,5% trong năm qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tuy vậy, các nước vẫn cho rằng chưa thể chủ quan, cần đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực mới, chiến lược như tăng cường thương mại, đầu tư nội khối, chuyển đổi số, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo... 

Thứ ba, lợi ích của người dân được coi là mục tiêu cao nhất, là tâm điểm của Cộng đồng ASEAN. Các nội dung được bàn thảo, các văn kiện của hội nghị lần này đều xoay quanh lợi ích của người dân, hướng tới phát triển đồng đều, bền vững và bao trùm. Điều này được thấy rõ qua các tuyên bố của lãnh đạo cấp cao, tất cả đều rất thiết thực, hướng tới cộng đồng như lao động di cư, mạng lưới làng xã, phát triển nông thôn...

 Trong thời gian hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng dành thời gian lắng nghe ý kiến của các giới khác nhau trong ASEAN như: Quốc hội, thanh niên, doanh nghiệp và Nhóm đặc trách cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Các phát biểu rất tập trung, đều thể hiện quyết tâm chung tay xây dựng cộng đồng thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

PV: Bộ trưởng cho biết đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam đến Labuan Bajo lần này mang theo nhiều thông điệp quan trọng. Đó chính là tinh thần đoàn kết ASEAN, quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN và cũng là khẳng định đường lối nhất quán, chủ trương thống nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không tách rời trong chính sách đối ngoại. 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí. Ảnh: TTXVN)

Trên tinh thần đó, những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều hướng tới khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng nêu nhiều đề xuất tại các phiên họp.

Thứ nhất, đoàn kết, thống nhất, độc lập, tự lực, tự cường và phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm là những giá trị nền tảng làm nên thành công của ASEAN. Thủ tướng nêu rõ đoàn kết là sức mạnh vô địch, phải thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể. Củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần phải giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác, đặc biệt là những nước lớn. Giữ được cân bằng chiến lược sẽ giữ được vai trò trung tâm của ASEAN, hướng tới xây dựng “một ASEAN tầm vóc”. ASEAN phải thực sự là một cầu nối tin cậy, có năng lực điều hòa các mối quan hệ với những nước lớn; tạo dựng và thúc đẩy văn hóa đối thoại, hợp tác tham vấn, xây dựng lòng tin; phối hợp ứng phó với các thách thức chung. 

Thứ hai, thúc đẩy kết nối khu vực trên cả 3 phương diện thể chế, hạ tầng và con người để khai thông các điểm nghẽn hợp tác và khơi dậy tiềm năng phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh đây là 3 đột phá chiến lược để tạo xung lực phát triển mạnh mẽ hơn cho ASEAN trong những thập kỷ tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh mở rộng thị trường nội khối, đề nghị nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch. 

Thủ tướng đề nghị quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo, sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua nâng cao hiệu quả triển khai thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động trong một số ngành nghề của ASEAN.

Thứ ba, bám sát tinh thần cốt lõi của ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của xây dựng cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần quan tâm thúc đẩy nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và tiểu vùng. Hợp tác tiểu vùng cần được gắn kết với các chương trình hợp tác chung của Cộng đồng ASEAN trên tất cả lĩnh vực, nhằm mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân. 

Tại hội nghị, Thủ tướng cùng các lãnh đạo trao đổi sâu rộng về những vấn đề khu vực và quốc tế, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước, đề nghị thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Những đề xuất và đóng góp trên đây của Thủ tướng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của các đại biểu.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, tiếp xúc lãnh đạo các nước ASEAN để rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, trao đổi những biện pháp tăng cường quan hệ, mở ra các cơ hội mới đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân... giữa Việt Nam và các nước ASEAN ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tags: ASEAN
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...