Trưởng bản dũng cảm cứu dân
Trong trận lũ kinh hoàng ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đầu tháng 10-2022, Trưởng bản Hòa Sơn là anh Vi Văn Truyền đã cắt dòng nước dữ, dũng cảm cứu dân, rồi nỗ lực hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Ghi nhận công sức của người trưởng bản hết mình vì dân, nhất là trong lúc thiên tai, hoạn nạn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi anh Vi Văn Truyền...
Hơn một tháng sau trận lũ quét, mặc dù chính quyền địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT đã dồn sức khắc phục hậu quả nhưng địa bàn bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ vẫn còn ngổn ngang, bừa bộn. Nhiều ngôi nhà của người dân bị hư hại nặng, không thể sửa chữa được, phải chờ tái định cư ở địa điểm mới. Trong hoạn nạn, nhân dân bản Hòa Sơn đùm bọc nhau bằng cách ở dồn, ở ghép, "nhường cơm sẻ áo", cùng đoàn kết vượt qua khó khăn. Dù còn phải đối diện với nhiều thách thức sau lũ nhưng người dân bản Hòa Sơn vẫn cho rằng mình may mắn, bởi trận lũ lịch sử chỉ gây thiệt hại nặng về tài sản, còn tính mạng của người dân trong bản tuyệt đối an toàn. Điều bà con rất tâm đắc là “phép màu” ấy có được trước hết là nhờ những người con ưu tú, trách nhiệm đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng xả thân cứu nhân dân, nhất là tấm gương của Trưởng bản Vi Văn Truyền.
Nhiều người dân ở bản Hòa Sơn kể với chúng tôi rằng, trong đêm 1-10, khi nhận thấy mưa to kéo dài, nước lũ trên suối Huồi Giảng chảy qua địa bàn có vẻ khác thường, anh Vi Văn Truyền cùng các chiến sĩ dân quân địa phương đã thức trắng, dầm mình trong mưa lũ kêu gọi, hỗ trợ những gia đình ở vị trí thấp sơ tán đến nơi an toàn. Tuy nhiên, đến 7 giờ ngày 2-10, lũ cực lớn bất ngờ ập về bản Hòa Sơn, cuốn theo đất đá, cây cối... Một số ngôi nhà sàn của người dân trong bản tưởng chừng như an toàn, đang là nơi tránh trú của hàng chục con người, bỗng nằm giữa dòng nước xiết, rung lắc dữ dội. Tiếng kêu cứu nhức nhối khắp bản.
Trưởng bản Vi Văn Truyền (bên phải) đến từng gia đình thống kê thiệt hại do lũ gây ra. |
Ông Lô Văn Hùng (bản Hòa Sơn) vẫn nhớ như in thời khắc cả gia đình bị nước lũ đe dọa: “Nhà chúng tôi cách lòng suối Huồi Giảng hơn 30m và được xác định là vị trí an toàn. Trước khi lũ quét ập đến, ngoài các thành viên trong gia đình còn có một số cháu học sinh trọ học trên địa bàn đang nhờ tránh lũ. Không ngờ lũ đổ về dữ dội chưa từng thấy, cuốn theo đá và thân cây đập vào chân cột nhà khiến căn nhà kiên cố của gia đình tôi bị rung lắc mạnh, có nguy cơ đổ sập. Chúng tôi rất lo sợ, tìm cách thoát ra ngoài nhưng bốn bề đều cuồn cuộn nước lũ nên chỉ biết kêu gào. Lúc đó, chú Truyền Trưởng bản đã dũng cảm chạy lên phía trên, bơi cắt dòng nước xiết, mang theo sợi dây dài tiếp cận được nhà tôi. Rồi chú ấy phối hợp với những thanh niên khỏe mạnh trên bờ bắc thang, lần lượt đưa hơn 13 người ra khỏi ngôi nhà đang có nguy cơ bị lũ cuốn”...
Người dân Hòa Sơn không khỏi cảm phục khi được biết, quá trình tiếp cận, đưa những người đang ở trong nhà ông Lô Văn Hùng thoát khỏi dòng nước lũ, anh Vi Văn Truyền đã bị thương ở tay và có dấu hiệu xuống sức. Thế nhưng khi nghe tin vợ chồng ông Vi Trọng Hải (vợ là bà La Thị Mai) đang kẹt giữa dòng nước lũ, anh Truyền lại bật dậy, hô hào mọi người hợp sức cứu. Thời điểm này, trong ngôi nhà bị nước lũ bủa vây, ngoài ông Hải bị bệnh tai biến và bà Mai đã lớn tuổi, còn có 7 em học sinh đang ở đây trọ học. Sau khi xem xét địa hình, Trưởng bản Vi Văn Truyền thống nhất với mọi người phương án bắc thang từ những ngôi nhà xung quanh để tiếp cận, dỡ mái ngói, đưa vợ chồng ông Hải và các em học sinh thoát hiểm. “Chỉ vài phút sau khi anh Truyền và mọi người đưa được chúng tôi ra ngoài thì ngôi nhà bị lũ xô đổ tường vây, cuốn trôi toàn bộ tài sản. Thế mới biết, vợ chồng tôi và các cháu học sinh thật là may mắn!”, bà Mai kể lại bằng giọng chưa hết hãi hùng.
Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân bản Hòa Sơn mới xây dựng được bản làng trù phú, nhưng chỉ sau một trận lũ quét, tất cả đã bị tàn phá nghiêm trọng, trong đó, hơn 20 gia đình trong bản rơi vào cảnh trắng tay, hàng chục ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng không thể khôi phục, phải chờ chính quyền địa phương tổ chức tái định cư ở địa điểm mới. Trước những ngổn ngang sau thiên tai, chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ LLVT nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ nhân dân khắc phục tổn thất, ổn định cuộc sống.
Qua các kênh thông tin đại chúng, hình ảnh về sự tàn phá của lũ quét tại bản Hòa Sơn đã lan truyền rộng rãi, gây xúc động mạnh trong đồng bào cả nước và hàng trăm tổ chức, cá nhân đã mang theo tiền, vật chất về vùng đất biên giới để chia sẻ với những khó khăn của đồng bào. Dù chính quyền huyện Kỳ Sơn đã tổ chức các điểm tiếp nhận sự hỗ trợ nhưng vẫn có rất nhiều đoàn thiện nguyện muốn đến tận địa bàn vùng lũ để trực tiếp trao quà, động viên bà con nên cán bộ bản Hòa Sơn, nhất là Trưởng bản Vi Văn Truyền càng bận rộn, làm việc từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt, có khi quên cả ăn cơm trưa. Hiểu rõ hoàn cảnh, thiệt hại của từng gia đình, người Trưởng bản trẻ tuổi trở thành “địa chỉ” tin cậy giúp chính quyền địa phương điều tiết hiệu quả, minh bạch sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, giúp người dân đoàn kết, cùng tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua gian khó.
Khi chúng tôi hỏi về công việc, Trưởng bản Vi Văn Truyền chia sẻ: “Kể từ ngày xảy ra trận lũ quét lịch sử, tôi gần như quên việc gia đình để tập trung lo việc chung của bản. Tổn thất về tài sản, vật chất của nhân dân rất lớn, khiến đời sống bà con gặp muôn vàn khó khăn. Đồng bào cả nước cùng chính quyền và các lực lượng đều tích cực chung sức giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Tôi xác định, mình là Trưởng bản, dù có vất vả đến mấy thì cũng phải cố gắng"...