Trung tướng Vương Thừa Vũ - người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội

Trung tướng Vương Thừa Vũ là một trong những danh tướng quân sự tài ba, chiến công đã gắn liền với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông không chỉ có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, mà ông còn cống hiến hết mình cho nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại, luôn chăm lo tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, nâng lên thành lý luận và khái quát một cách cô đúc, giản dị, dễ nhớ để huấn luyện cán bộ và chiến sĩ.

Bài 1: Người dẫn dắt Đại đoàn Quân tiên phong

Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh ngày 24-12-1910 tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Quá trình hoạt động cách mạng, ông đã trải qua nhiều khó khăn gian khổ, từng bị thực dân Pháp giam cầm trong tù ngục, chịu sự tra tấn hành hạ dã man nhưng ông vẫn nhất mực kiên trung, vượt qua mọi thử thách, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.  

Từ Mặt trận Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa

Đối với Thủ đô Hà Nội, tên tuổi của Trung tướng Vương Thừa Vũ gắn liền với chiến công vẻ vang trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội, khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai ngày 19-12-1946.

Trung tướng Vương Thừa Vũ.

Giữ trọng trách là chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, với thế trận “trong đánh, ngoài vây” (trùng độc chiến) do ông đề xướng và nhiều cách đánh thiên biến vạn hóa của chiến tranh nhân dân, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ cùng quân dân Thủ đô đã lập nên kỳ tích: Bằng một lực lượng vũ trang non trẻ nhưng chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy nhà nghề với khoảng 6.500 binh sĩ của Pháp trong thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian quy định), tạo điều kiện cho ta có thời gian chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.

Trong nhiều cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Vương Minh Tường (ở Tây Hồ, Hà Nội)-con trai Trung tướng Vương Thừa Vũ từng kể câu chuyện về cơ duyên để cha ông có được kế hoạch tác chiến từ một chuyến đi quan sát vị trí đóng quân của địch bảo vệ nhà viên tướng Morlié ở phố Hàng Trống (nay là tòa soạn Báo Nhân Dân).

Hôm ấy, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ đã hỏi chuyện một anh đội trưởng đội tự vệ. Sau khi nghe anh trình bày ý định chuẩn bị tác chiến, ông chợt nghĩ ra hướng chuẩn bị tích cực cho thành phố là cần xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống tăng, cơ giới và bộ binh địch hiệu quả. Vì đường phố đã có những chiến lũy chắn ngang nên cần đục tường từ nhà nọ thông sang nhà kia để bảo đảm sự cơ động cho lực lượng của ta. Từ suy nghĩ này, đồng chí Vương Thừa Vũ đã cùng với Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội xây dựng nhiều tầng lớp chiến lũy, có thể tổ chức cố thủ ngay trong thành phố dài ngày, hạn chế địch từ trung tâm đánh ra ngoại ô. Khi báo cáo kế hoạch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tán thành ngay.

Với một kế hoạch chiến đấu được hoạch định cụ thể, tính toán kỹ số lượng đạn dược, lương thực, nước uống của bộ phận cố thủ tại Liên khu 1-khu trung tâm, chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến đấu lớn với một tâm thế chủ động. Đến trung tuần tháng 12-1946, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã báo cáo với Bác có thể giữ Hà Nội từ một tháng trở lên. Và thực tế là, từ hiệu quả của nghệ thuật “trùng độc chiến” mà các lực lượng của ta đã giam chân địch tại Hà Nội lâu hơn dự kiến. Đặc biệt là việc sau đó, đồng chí Vương Thừa Vũ cùng với các cộng sự đã chỉ huy thành công cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô, thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với giữ gìn lực lượng ta để kháng chiến lâu dài.

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thề Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” (12-1946).

Sau mặt trận Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ được cử vào Liên khu 4 với cương vị khu phó. Đến năm 1949, Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, ông đã được tin tưởng giao nhiệm vụ là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn. 

Đến Đại đoàn Quân Tiên Phong

Cùng với các đồng chí lãnh đạo chỉ huy đại đoàn và các trung đoàn, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đã dày công rèn luyện, xây dựng nên mô hình binh đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, dẫn dắt Đại đoàn 308 đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thực hiện xuất sắc khẩu hiệu “Hễ đánh là thắng, hễ đánh là quyết định chiến trường”.

Ngày ấy, nhiệm vụ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho Đại đoàn 308 là “đi tiên phong trên con đường vận động chiến”. Từ đó, đại đoàn được mang danh hiệu “Quân Tiên Phong”. Nhiệm vụ đã nặng nề càng thêm khó khăn do bấy giờ thành phần hợp thành đại đoàn gồm các đơn vị tuy đã dạn dày lửa đạn nhưng trình độ tác chiến mới ở quy mô tiểu đoàn tập trung. Chỉ có Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102) là đã tác chiến ở quy mô trung đoàn trong trận Phố Lu (Lào Cai) tháng 1-1950. Thế nhưng với tài năng và bản lĩnh của một người cầm quân dày dặn kinh nghiệm, đồng chí Vương Thừa Vũ đã cùng tập thể Ban chỉ huy Đại đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Ngay trong cuộc thử thách lớn đầu tiên sau khi thành lập là ra quân tác chiến ở quy mô đại đoàn tập trung trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Đại đoàn 308 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày càng có nhiều tiến bộ. Cùng với hai trung đoàn bạn là 174 và 209, Đại đoàn đã đánh một trận vận động chiến quy mô lớn giành thắng lợi rất to lớn, mở đầu cho giai đoạn cách mạng mới: Giai đoạn chuyển sang tiến công và phản công tiến tới toàn thắng.

Sinh thời Trung tướng Phạm Hồng Cư (1926-2021), nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từng kể về kỷ niệm những ngày là Phó phòng Chính trị Đại đoàn 308. Khi ấy, ông được giao tiến hành công tác chính trị trong Chiến dịch Biên giới dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh kiêm chính ủy Đại đoàn Vương Thừa Vũ: “Ngày 15-9-1950, tôi đang tham gia trực tại Sở chỉ huy đại đoàn bỗng chuông điện thoại reo. Điều vui mừng khôn xiết đến với tôi là ở đầu dây bên kia, đồng chí trực ban tác chiến chiến dịch truyền đi bức thư của Bác Hồ gửi các đơn vị tham chiến. Tôi sung sướng báo cáo ngay với anh Vũ. Trên gương mặt khắc khổ của Tư lệnh ánh lên một niềm vui, một niềm tin. Anh Vũ chỉ thị cho tôi bằng mọi cách nhanh chóng truyền đạt bức thư của Bác cho toàn đại đoàn. Ở khắp các đơn vị, khi biết tin Bác Hồ đi chiến dịch và nghe đọc thư Bác, mọi người như được tiếp thêm sức mạnh, càng thấm sâu ý nghĩa trọng đại của chiến dịch, càng tin tưởng hăng hái bội phần. 

 Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng, Phú Thọ, tháng 9-1954. Ảnh tư liệu

Ngày 1-10-1950, tôi còn được chứng kiến Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nghiêm khắc tự phê bình nhận lỗi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự việc xảy ra như sau: Trong khi hai trung đoàn bạn là 174 và 209 tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê thì Đại đoàn 308 đảm nhiệm việc đánh viện ở Nam Đông Khê. Chờ đợi suốt 10 ngày không thấy địch động tĩnh gì, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Đại đoàn 308 chuẩn bị đánh Thất Khê. Cán bộ cấp trưởng đi chuẩn bị chiến trường, cán bộ chính trị dẫn hai phần ba quân số đi lấy gạo, chỉ còn những người yếu mệt ở lại trận địa trông coi vũ khí. Giữa lúc đó, Binh đoàn Le Page  lặng lẽ trườn qua trận địa của Đại đoàn, đến sát Đông Khê thì chúng bị Trung đoàn 209 phát hiện và nổ súng chặn lại. Anh Vương Thừa Vũ nhận lỗi về mình, thiếu chỉ đạo chặt chẽ để xảy ra mất cảnh giác, lơ là cảnh giới nên không phát hiện được quân địch đi qua trận địa ban đêm. Anh Vũ tự phê bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi lập tức ra lệnh cho các đơn vị dồn quân lại, có bao nhiêu đánh bấy nhiêu, khẩn trương xuất phát đánh địch. Toàn mặt trận sôi động, người ốm cũng bật dậy cầm vũ khí, các đơn vị đi lấy gạo hối hả chạy về. Toàn đại đoàn tiến quân ra Đường số 4, mặc cho những chiếc máy bay khu trục “cổ ngỗng” lồng lộn bắn chặn đường. Tinh thần thẳng thắn nhận khuyết điểm và tích cực sửa chữa của anh Vũ làm cho chúng tôi khâm phục”.

Từ ngày 2 đến 8-10-1950, chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tinh thần tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đã lãnh đạo, chỉ huy bộ đội phát huy sức mạnh chiến đấu kiên cường, không cho hai binh đoàn Le Page và Charton hội quân với nhau, chia cắt chúng ra và bao vây tiêu diệt từng binh đoàn. Binh đoàn Le Page bị tiêu diệt ở thung lũng Cốc Xá. Binh đoàn Charton bị tiêu diệt ở cao điểm 477.

SONG THANH - BẢO LINH

Bài 2: Ngày về trong chiến thắng

-----------------------------------------------------------------------------------

Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan. 

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...