Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - trách nhiệm trước hết thuộc cán bộ, chiến sĩ toàn quân

LTS: Tại cuộc tọa đàm “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 31-3-2022, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận thẳng thắn đánh giá, ghi nhận kết quả quan trọng trong xây dựng quân đội, xây dựng đội ngũ quân nhân cách mạng; đồng thời nêu lên quan điểm và các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới. Báo Quân đội nhân dân tiếp tục trích đăng những ý kiến tâm huyết, tiêu biểu về vấn đề này.

*Trung tướng DƯƠNG ĐÌNH THÔNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1:

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh-người sáng lập, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ để góp phần xây dựng Quân đội ta trở thành một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Để thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Người, đồng thời quán triệt sâu sắc Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng mô hình chi bộ “4 tốt, 3 không” (4 tốt gồm: Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt và cán bộ, đảng viên tốt. 3 không là: Không có cán bộ, đảng viên mắc tệ nạn xã hội; không vi phạm quy định an toàn giao thông; không sử dụng thẻ đảng viên, giấy tờ do Nhà nước, quân đội cấp để tín chấp vay tiền, tài sản, vay nợ không có khả năng thanh toán).

Thông qua các mô hình, cán bộ, đảng viên và chiến sĩ thực hiện tự rèn trong thi đua nhằm khắc phục hạn chế, thiếu sót còn tồn tại. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống; quán triệt, rèn luyện, trau dồi cho cán bộ, chiến sĩ về phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên làm tốt công tác dân vận; thực hiện tốt Phong trào “LLVT quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT quân khu chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các đơn vị trong quân khu đã huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện, trang bị kỹ thuật, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm tham gia phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố, hậu quả bão, lũ, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trong nhân dân.

Để chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 xác định: Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp phải tổ chức quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chuẩn mực xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; nắm rõ, hiểu sâu các đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Các đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung đổi mới chương trình, nội dung, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục để nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, cán bộ chủ trì có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, trình độ, năng lực, kiến thức quản lý chỉ huy, chuyên môn tốt.

---------------

*Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HƯNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 1:

Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng

Quân đoàn 1 đóng quân trên địa bàn có vị trí chiến lược, nhiều thuận lợi, song đây cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt. Do vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi đó là vấn đề trọng tâm trong đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, gắn với xây dựng quân nhân cách mạng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần giữ vững, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Trong quá trình đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đoàn đã có nhiều giải pháp, biện pháp làm tốt việc định hướng nhận thức, tư tưởng cho bộ đội; xây dựng ý chí quyết tâm, động cơ đúng đắn, đề cao trách nhiệm phấn đấu theo các tiêu chí nhân cách quân nhân cách mạng và các chuẩn mực giá trị Bộ đội Cụ Hồ; làm tốt công tác dự báo, nhận diện, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không để chủ nghĩa cá nhân sinh sôi, nảy nở...

Để tiếp tục xây dựng quân đoàn vững mạnh toàn diện, góp phần giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn xác định không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng trong việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương; nhất là trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Từng cán bộ, đảng viên, quần chúng đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII), kết hợp với những điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt, việc Quân ủy Trung ương chỉ ra 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong Nghị quyết 847 là căn cứ xác đáng, cụ thể giúp mỗi cá nhân tự soi chiếu, đối chiếu để làm tốt việc phòng ngừa và tích cực đấu tranh, đẩy lùi.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Long An tặng quà học sinh nghèo trên địa bàn do đơn vị nhận đỡ đầu. Ảnh: TRUNG HIẾU

Cùng với những giải pháp trên, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, nhất là xây dựng bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ chủ trì các cấp. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì vững mạnh với xây dựng cấp ủy các cấp trong sạch vững mạnh, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, chỉ huy và trung tâm đoàn kết trong đơn vị.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò của cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị các cấp trong tổ chức thực hiện công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, phát huy vai trò nêu gương, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quản lý các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp.

-----------------

*Trung tướng NGUYỄN QUANG CƯỜNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3:

Tạo sự đồng thuận, thống nhất từ ý chí đến hành động 

Bộ đội Cụ Hồ-biểu tượng cao đẹp của quân nhân cách mạng, một nét độc đáo, đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, là nhân tố chính trị, tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho đội ngũ cán bộ là yếu tố quan trọng để xây dựng LLVT Quân khu 3 vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó.

Những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho đội ngũ cán bộ trong LLVT quân khu với những yêu cầu, tiêu chí cụ thể, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ năng lực, phương pháp, tác phong công tác khoa học, xứng đáng là hạt nhân nòng cốt trong quản lý, chỉ huy ở đơn vị, nhất là các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ cũng luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, một số cán bộ (nhất là cấp đại đội, tiểu đoàn) còn những hạn chế nhất định về kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, tác phong công tác; trong giải quyết công việc còn thụ động, xử lý các tình huống thiếu quyết đoán, chưa hiệu quả; chưa thực sự gương mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống; làm việc cầm chừng, ngại khó khăn, gian khổ, ít đổi mới, sáng tạo trong công việc; còn biểu hiện thiếu mẫu mực trong quan hệ với nhân dân, vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, ảnh hưởng đến phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xuyên tạc hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ bằng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.

Vì vậy, để bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 xác định: Trước hết, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền, làm cho đội ngũ cán bộ các cấp luôn thấm nhuần sâu sắc giá trị và các đặc trưng cơ bản phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới; tạo sự đồng thuận, thống nhất từ ý chí đến hành động của cán bộ, chiến sĩ.

Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới". Đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ trì phát huy vai trò tự giác tu dưỡng, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; thực hành nêu gương trước cấp dưới và bộ đội. Các tổ chức của LLVT quân khu phát huy vai trò trong xây dựng, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giai đoạn mới; xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu, học tập, rèn luyện, cống hiến xây dựng cơ quan, đơn vị.

---------------

* Đại tá, PGS, TS NGUYỄN SỸ HỌA, Hệ Đào tạo Sau đại học, Học viện Lục quân:

Khơi dậy nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, chiến sĩ

Thời gian qua, một số cán bộ, chiến sĩ, trong đó có cả cán bộ cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ; chưa thực sự đề cao trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sống thực dụng, băn khoăn, dao động trước những khó khăn; vi phạm pháp luật, kỷ luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân...

Học viên Học viện Biên phòng trong giờ luyện tập thể lực. Ảnh: TRUNG HIẾU 

Những hạn chế, khuyết điểm trên do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến công tác tư tưởng, giáo dục chính trị ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; việc cụ thể hóa chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ và nhận diện các biểu hiện chủ nghĩa cá nhân còn chung chung; chưa kết hợp chặt chẽ giữa phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng.

Để góp phần đấu tranh, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 847, tôi cho rằng cần thường xuyên giáo dục, quán triệt làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc mục tiêu, quan điểm của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện của tổ chức và tự giáo dục, rèn luyện của từng cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở đó, khơi dậy nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, chiến sĩ thường xuyên đấu tranh, sửa chữa, “gột rửa”, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Thường xuyên chăm lo xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; cụ thể hóa tiêu chuẩn Bộ đội Cụ Hồ sát với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ, làm cơ sở để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phấn đấu thực hiện.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải đề cao tự phê bình, làm thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày”; đồng thời, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, “bằng mặt không bằng lòng”, thực hiện tốt việc phê bình để giúp đồng đội tiến bộ. Cùng với phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu, cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; phát huy môi trường văn hóa quân sự; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch. Thường xuyên chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, phát huy tác dụng của các thiết chế văn hóa, tạo môi trường đơn vị đoàn kết, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, thương yêu nhau như anh em ruột thịt.

---------------

*Đại tá, PGS, TS ĐỖ DUY MÔN, Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị:

Thực hiện tốt công tác giáo dục chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ

Sự ra đời và phát triển của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không bao giờ là một quá trình tự phát hay chờ có sẵn, tự nhiên mà có. Bởi dù trong bất cứ tình huống nào, dù trong thời kỳ lịch sử nào, chiến tranh hay hòa bình thì đạt đến chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ là một cuộc đấu tranh không mệt mỏi, tâm huyết và đầy trí tuệ, một công việc cực kỳ công phu, tinh tế và sâu sắc trong sự nghiệp “trồng người” cần trăm năm nuôi dưỡng và chăm sóc như Bác Hồ đã căn dặn. Quân đội là trường học lớn rèn luyện quân nhân; là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và định hình những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.

Hiện nay, bức tranh chính trị của đời sống xã hội đương đại hết sức phức tạp; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội; kích động, cổ súy cho chủ nghĩa dân túy và phong trào “bất tuân dân sự” để lôi kéo quần chúng thực hiện các mưu đồ chính trị xấu xa... đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về giáo dục giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. 

Chính vì vậy, việc đổi mới, nâng cao hệ thống, quy mô, chương trình, nội dung đào tạo là biện pháp tích cực để xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ theo các yêu cầu: Chú trọng hơn nữa giáo dục khoa học xã hội và nhân văn đối với nhà trường quân đội; gắn giáo dục các nội dung cơ bản với thực tiễn quân đội và có khả năng giải đáp những vấn đề mới, những nhu cầu mới đang đặt ra trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ hôm nay; các chương trình, nội dung giáo dục, đào tạo cần làm sáng rõ hơn nữa những vấn đề lớn trong chức năng, nhiệm vụ của quân đội, chức trách, nhiệm vụ của từng cương vị công tác.

Trong quân đội có nhiều “binh chủng” trực tiếp tiến hành công tác tư tưởng văn hóa: Lý luận, tuyên truyền cổ động, thi đua, văn hóa-văn nghệ, báo chí-xuất bản, báo cáo viên... Vấn đề đặt ra là không chỉ phát huy, sử dụng chức năng, tính ưu việt của từng “binh chủng” mà trong thời kỳ mới, với đối tượng tác động mới, phải sử dụng tổng hợp, nhuần nhuyễn, sinh động sức mạnh, tính ưu việt của tất cả “binh chủng” đó để “đồng tác động”, chuyển hóa những nhận thức, yêu cầu về chính trị thành niềm tin tự giác, thành tình yêu, phẩm chất bên trong bền vững của từng cán bộ, chiến sĩ “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”, góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

----------------

* Thượng tá LÊ VĂN TÚ, Phó chính ủy Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam:

Tổ chức xây dựng, nhân rộng các điển hình, mô hình mới

Những năm qua, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân luôn được xác định là một trong những nội dung nhiệm vụ, biện pháp quan trọng để xây dựng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp trên, Bộ tư lệnh vùng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn vùng về vị trí, ý nghĩa và các nội dung cơ bản của phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong thời kỳ mới. Tổ chức xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả như: “Tự soi, tự sửa”, “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”...

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Bộ tư lệnh vùng đã nhanh chóng cử lực lượng, phương tiện xung kích tham gia giúp dân phòng, chống dịch bệnh. Từ năm 2021 đến nay, Bộ tư lệnh vùng đã tiếp nhận, xử lý và tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 33 vụ việc, điển hình như ngày 16-2-2021, điều động Tàu CSB 2003 hỗ trợ tàu cá CM 92411 TS, trên tàu có 3 thuyền viên, do ông Lê Văn Định, ngụ tại Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) làm thuyền trưởng bị thủng trong đáy hầm khoang máy, nước tràn vào có nguy cơ bị chìm tại phía nam đảo Thổ Chu để lai kéo và đưa về bờ an toàn... Những việc làm trên đã để lại dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong lòng bà con nhân dân, góp phần tô thắm và làm ngời sáng thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ cảnh sát biển trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm và kết quả đã đạt được, việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân ở Vùng Cảnh sát biển 4 thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục như: Một số cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp chưa có nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Công tác quản lý tình hình tư tưởng có thời điểm còn thiếu chủ động, đôi lúc chưa thật sự nhạy bén, kịp thời, còn để xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng... Tất cả những tồn tại này đã được cấp ủy, chỉ huy nhận diện, đánh giá đúng thực trạng và lồng ghép một cách cụ thể vào trong quá trình quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương trong thời gian tới.

---------------

*Đại tá KHƯƠNG VĂN DOÃN, Tổng biên tập Báo Quân khu 1:

Tuyên truyền tốt để lan tỏa giá trị đẹp

Thực hiện Nghị quyết 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới” (Nghị quyết 847), thời gian qua, các cơ quan báo chí quân đội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Riêng Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã rất chủ động mở Chuyên mục “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, với nhiều bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo có nội dung toàn diện và sâu sắc, tập trung làm sáng tỏ những giá trị, nội dung cốt lõi, đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và nội dung phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Qua theo dõi các bài viết trong Chuyên mục “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” trên Báo QĐND cũng như hiệu ứng lan tỏa của các bài viết trong các cơ quan, đơn vị Lực lượng vũ trang Quân khu 1, tôi thấy các bài viết đã tạo hiệu ứng tuyên truyền rất tích cực, được đông đảo bạn đọc đón nhận, đồng tình. Các bài viết đã góp phần truyền tải một cách sinh động, dễ hiểu nội dung của Nghị quyết 847 đến với cán bộ, chiến sĩ, bạn đọc trong và ngoài quân đội, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu được sự cần thiết, vị trí, ý nghĩa của việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; nắm được phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 847; dễ dàng liên hệ với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và trách nhiệm bản thân trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, những vấn đề được đề cập trong các bài viết của Báo QĐND đều là những vấn đề “nóng”, đang được dư luận quan tâm, những nội dung có ý nghĩa thiết thực trong thực tế sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội như: Bộ đội cụ Hồ “bốn dám”; nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; xây dựng, giữ vững bản lĩnh quân nhân cách mạng; nếp sống kỷ luật tự giác, nghiêm minh; phẩm chất đặc trưng “gắn bó máu thịt với nhân dân”... Cùng với đó là các bài viết đề cập những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nhận diện để tự soi, tự sửa, tự khắc phục theo tinh thần Nghị quyết 847. Dung lượng các bài viết hợp lý, không quá dài, cách viết vừa hàm súc, chặt chẽ vừa bảo đảm truyền tải đúng, đủ nội dung vấn đề, vừa có dẫn chứng cụ thể, sinh động, bảo đảm hiệu quả cao trong tuyên truyền triển khai thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Có thể nói, Chuyên mục “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” của Báo QĐND đang giữ vai trò tiên phong, chủ đạo của báo chí quân đội trong tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương thời gian qua.

---------------

*PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THANH TÚ:

Sức hút độc giả với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học

Nhân vật trung tâm của văn học là nhân vật trung tâm của thời đại. Đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nên hình tượng anh bộ đội trở thành hình tượng chủ đạo như một lẽ tất yếu.  

Giai đoạn 1945-1975, hình tượng bộ đội là dòng chủ lưu trong văn học. Con người thời đó tìm niềm vui, nguồn vui trong những trận đánh giặc: “Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì” (Người mẹ cầm súng)... Đấy không chỉ là tâm trạng của nhân vật chị Út Tịch mà còn là tâm trạng chung của hàng vạn, hàng triệu con người thời đó. Trong thời kỳ đánh giặc, không chỉ có những suy nghĩ sáng ngời lấp lánh một tinh thần sử thi của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... mà có hàng triệu trái tim “trong như ngọc sáng ngời” như thế. Nhờ vậy, chúng ta mới chiến thắng những đế quốc siêu cường.

Văn học sau năm 1975 đổi mới cấu trúc hình tượng bộ đội. Tổ quốc sạch bóng ngoại xâm, cả nước bước vào thời kỳ mới và phải đối phó với bao khó khăn ngổn ngang phức tạp của thời bình. Trước năm 1975, người lính hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng luôn tỏa hào quang chiến thắng, nay được miêu tả với bút pháp hiện thực tỉnh táo, nhân vật hiện ra thật hơn.

Bước sang thế kỷ 21, văn học chuyển sang hướng phân tích đào sâu vào hiện thực (chiến tranh) và cắt nghĩa, lý giải những biểu hiện tâm trạng (con người). Với lối viết trực diện mà tỉnh táo-“Phượng hoàng” (Văn Lê), “Mưa đỏ” (Chu Lai) cho thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thật vô cùng gian nan và anh hùng. Người lính chiến thắng kẻ thù bằng một thứ vũ khí tinh thần, ngoài đạo lý (yêu nước), công lý (chính nghĩa) còn là phẩm hạnh con người. Phẩm hạnh không chỉ là gan dạ, thông minh, trung thực, quyết tâm, táo bạo... mà có khi chỉ là một nỗi niềm trắc ẩn rất tình người, tình đời nằm sâu trong trái tim người lính.

Nhức nhối nỗi đau hậu chiến tranh là một hướng khám phá càng xa chiến tranh càng được văn học chú ý. Có một sự đa dạng hóa trong cấu trúc hình tượng người lính, không chỉ nơi chiến trường mà có cả nơi hậu phương, cả trong và sau trận chiến. Ở không gian nào thì người lính cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn, ngoài chiến trường là sự sống-chết, ra khỏi chiến tranh thì đối mặt với cuộc sống đời thường. Âm hưởng bi ca hòa vào âm hưởng tráng ca, tạo ra một giọng bi tráng vừa thống thiết trữ tình vừa hào hùng sử thi, lắng gợi mà ngân vang. Thể tài trường ca hôm nay đang cố gắng thay thế dần diễn ngôn sử thi bằng diễn ngôn đời thường để đưa chất đời tư vào tác phẩm.

Con người của thời đại 4.0 là con người liên văn hóa. Hẳn nhiên chủ thể độc giả tiếp nhận văn chương ở tư cách liên văn hóa. Do vậy, hình tượng bộ đội cũng nên được xây dựng theo xu hướng này. Với người lính trước năm 1975 là sự kết tinh văn hóa truyền thống và văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Với người lính hôm nay phải là liên văn hóa chiều dọc truyền thống và chiều ngang với thế giới. Độc giả trí tuệ thời nay có xu hướng tìm đọc sự phân tích, cắt nghĩa, lý giải hơn là miêu tả. Nhà văn hôm nay đồng thời cũng là nhà triết học, tâm lý học, sử học... để gia tăng hàm lượng triết lý, tâm lý cho trang viết mới có sức hút, sức hấp dẫn đối với bạn đọc.

 

Tags: qdnd