Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh: Cẩn trọng, chi tiết từng khâu nhỏ nhất

Song song với nâng cao chất lượng dạy và học, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho học sinh được các nhà trường đặc biệt chú trọng.

Niềm tin, sự yên tâm của phụ huynh

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ hai của thầy và trò trường Tiểu học Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chuyển về cơ sở mới, khang trang, hiện đại hơn. Trước đó, tháng 7/2020, dự án xây mới trường Tiểu học Thuý Lĩnh trị giá 77,5 tỷ đồng đã được khởi công, xây dựng và đưa vào hoạt động ở năm học 2022 - 2023.

Sự đầu tư đồng bộ ấy không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường mà khiến cho bữa ăn, giấc ngủ của học sinh cũng được cải thiện rõ nét. Cô Đàm Thị Kim Dung - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói: "Không chỉ có bếp ăn một chiều đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại, nhà trường còn có nhà ăn riêng cho học sinh. Đây là điều kiện không phải trường công lập nào cũng có được".

Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh: Cẩn trọng, chi tiết từng khâu nhỏ nhất

Học sinh trường Tiểu học Thúy Lĩnh trong giờ ăn trưa

Giờ đây, phụ huynh của trường yên tâm tuyệt đối khi con được ăn bán trú tại trường. Chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở phường Lĩnh Nam chia sẻ: "Dù nhà ở ngay gần trường nhưng nhìn cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nên tôi đăng ký cho con ở lại ăn bán trú để không làm lỡ dở nhịp sinh hoạt. Không chỉ tiện cho con mà vợ chồng tôi cũng nhàn hơn hẳn".

Năm học mới vừa bắt đầu. Dù còn nhiều bỡ ngỡ khi đang dần thích nghi với môi trường mới nhưng không khó để nhận ra sự hào hứng của các học sinh nơi đây. Đặc biệt, bạn nhỏ nào cũng thích thú với thực đơn bán trú. Ngoài bữa chính là bữa trưa, đầu giờ chiều, các em có thêm bữa phụ với bánh, chè, cháo, phở hoặc sữa thay đổi theo ngày.

Giám sát chặt chẽ chất lượng bữa ăn

Năm học 2023 - 2024, trường Tiểu học Thúy Lĩnh có tổng số hơn 900 học sinh, trong đó 650 em ăn bán trú. Không đợi đến khi năm học mới bắt đầu mà trong suốt thời điểm học sinh nghỉ hè, ban giám hiệu nhà trường đã sát sao với từng phần việc nhằm đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng, chất lượng cho học sinh. Nhà trường cẩn thận đánh giá từng tiêu chí để lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, sát sao khi lên thực đơn bán trú hàng tuần và công khai để phụ huynh tiện theo dõi.

Trong quy trình chế biến thức ăn của bếp ăn một chiều, tất cả các khâu từ giao nhận thực phẩm đến chế biến, lưu mẫu thức ăn, định lượng suất ăn, nhà trường cử một tổ công tác giám sát với thành phần là đại diện ban giám hiệu, công đoàn, ban phụ huynh. Các công việc được thực hiện rất chỉn chu, kỹ càng, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.

Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh: Cẩn trọng, chi tiết từng khâu nhỏ nhất

Các học sinh thích thú với bữa trưa ở trường

Cô Dung cũng nhấn mạnh: “Nhà trường quán triệt sâu sắc đến nhân viên bếp ăn, nhân viên y tế và cán bộ giáo viên về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học. Bên cạnh đó, các học sinh, đặc biệt là lớp 1 những ngày đầu năm học mới được truyền thông về bữa ăn bán trú, nội quy và giờ ăn bán trú”.

Không chỉ ở cơ sở giáo dục công lập, tại các nhóm trẻ tư thục, dinh dưỡng và an toàn bữa ăn học đường cho học sinh cũng được đặt lên hàng đầu. Cô Nguyễn Thị Thúy Liên - chủ cơ sở mầm non tư thục có 60 trẻ từ trên 12 tháng tuổi đến 5 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Ở trường tôi, mỗi ngày, các con ăn 4 - 5 bữa ở trường, bao gồm bữa phụ, bữa trưa. Ngủ dậy, các con ăn bữa chiều, uống sữa. Nhiều gia đình phụ huynh đi làm sớm, về muộn còn đăng ký cho con ăn bữa sáng lúc 7h30 và bữa muộn vào khoảng 5h - 5h30 chiều”.

Với đặc thù đối tượng trẻ mầm non còn nhỏ, hệ tiêu hóa còn non yếu, nhà trường rất chú trọng việc lên thực đơn, đảm bảo cân đối dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Song song với đó là khâu lựa chọn thực phẩm, bảo quản, chế biến. 100% trẻ đi học tại trường đều tăng cân tốt. Nhà trường thường xuyên trao đổi để phụ huynh nắm bắt được thực đơn ở trường của con hàng ngày, các vấn đề về tiêu hóa trẻ thường gặp phải để có sự cân đối, điều chỉnh phù hợp.

“Để có bữa ăn học đường vừa an toàn vừa đủ dinh dưỡng, trách nhiệm chính là từ các nhà trường. Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ này, chúng tôi duy trì thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo sự tin tưởng, yên tâm khi phụ huynh giao phó con em cho nhà trường”, chủ cơ sở mầm non tư thục bày tỏ.

Đối với vấn đề bán trú, từ trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố...

Lượt xem: 26
Tác giả: Ngọc Minh