Tính dân tộc và tính hiện đại từ góc nhìn điện ảnh
Có thể thấy, 3 nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng” trong "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 chính là khởi nguồn của tính dân tộc và tính hiện đại-những đặc tính căn bản trong quá trình vận động và phát triển của lý luận và thực tiễn văn học-nghệ thuật Việt Nam.
Để minh chứng rõ hơn về sự vận động và phát triển của tính dân tộc và tính hiện đại, các phẩm chất và đặc tính của văn học-nghệ thuật, xin được đưa một góc nhìn từ ngành nghệ thuật có sức lan tỏa nhanh nhất và rộng nhất, đó là điện ảnh.
Tác phẩm điện ảnh, giống như tác phẩm của các ngành văn học-nghệ thuật khác, là do nhà sáng tác tạo nên, thể hiện tư duy, quan niệm sống, tâm tư, tình cảm, khát vọng... của bản thân họ. Mỗi con người-trong đó dĩ nhiên có cả nhà sáng tác-từ khi sinh ra đều được thừa hưởng và được quy định bởi “gene dân tộc” của mình trong cách nghĩ, cách sống, tình cảm... Bởi vậy, tính dân tộc một mặt là thuộc tính của tác phẩm điện ảnh. Điều này càng thấy rõ khi nhà làm phim thể hiện câu chuyện của dân tộc khác thì tác phẩm vẫn có thể mang tính dân tộc của bản thân nhà sáng tác ấy. Nhưng mặt khác, tính dân tộc chỉ trở thành phẩm chất khi nó tạo nên những giá trị thực sự: Tác phẩm chuyển tải được hồn dân tộc, phản ánh được bản chất của cuộc sống với cái nhìn nhân bản, thông qua những hình tượng màn ảnh, những số phận nhân vật có sức sống, với phương thức thể hiện mang màu sắc dân tộc độc đáo.
Cảnh trong phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Về phía nhà sáng tác, tính dân tộc trong tác phẩm điện ảnh xuất phát từ hai hướng: Tự phát và tự giác. Tự phát là nhà sáng tác thể hiện những gì mình thích, nhờ đó, trong tác phẩm mặc nhiên có bóng dáng "gene dân tộc" của anh ta. Tự giác là nhà sáng tác chủ động thể hiện tinh thần dân tộc vào tác phẩm, trong trường hợp này, tính dân tộc sẽ đậm đặc và tạo sức sống, sự độc đáo cho tác phẩm.
1. Tính dân tộc trong tác phẩm điện ảnh thể hiện ở hai mặt là nội dung tác phẩm và hình thức thể hiện.
Nội dung tác phẩm sẽ mang tính dân tộc khi nhà sáng tác đề cập đến những vấn đề cốt lõi, quan thiết của đất nước mình, phản ánh những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những con người trong cộng đồng được nhà sáng tác trăn trở và sẻ chia như chính cuộc sống của bản thân mình. Nội dung bao gồm chủ đề, tư tưởng, cốt truyện, vấn đề, tình huống, diễn biến, nhân vật...
Hình thức thể hiện sẽ mang tính dân tộc khi nội dung của tác phẩm được chuyển tải lên màn ảnh theo đúng cách nghĩ, cách cảm của dân tộc đó, bằng hình ảnh (không gian, bối cảnh, con người...) và âm thanh (giọng nói, âm nhạc, tiếng động) đặc trưng. Trong tác phẩm điện ảnh, phương tiện để chuyển tải nội dung là ngôn ngữ điện ảnh. Nhà làm phim phải sử dụng ngôn ngữ điện ảnh thật nhuần nhuyễn để có thể xây dựng được những hình tượng màn ảnh sống động, chân thực, chuyên chở những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, khát vọng của nhân dân một cách hiệu quả nhất.
Đối với nhà sáng tác điện ảnh, với tính đặc thù của loại hình là phản ánh hiện thực sống động, cụ thể đến mức người xem có cảm giác như cùng được tham gia vào hành động phim, không gì có thể thuyết phục hơn khi anh ta phản ánh vào tác phẩm những quan hệ máu thịt làm nên cuộc sống và sức mạnh trong tâm hồn mình-những gì thân thuộc nhất đối với suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm, khát vọng của bản thân và cộng đồng xung quanh mình. Bản thân sự phản ánh đó đã tiềm tàng hồn dân tộc, đã mang tính dân tộc. Tính dân tộc tạo nên sự độc đáo, đặc sắc cho tác phẩm điện ảnh của mỗi dân tộc, tạo cho nó một diện mạo riêng không thể lẫn với tác phẩm điện ảnh của các dân tộc khác.
Điện ảnh là nghệ thuật có tính phổ biến nhanh và đồng thời trong phạm vi rộng, lại có tính thương mại cao của một ngành công nghiệp nên cũng có khả năng rất lớn trong giao lưu giữa các dân tộc, các quốc gia. Nói cách khác, điện ảnh là ngành nghệ thuật có tính đại chúng và tính quốc tế cao. Trong bối cảnh mở rộng hội nhập quốc tế hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc chính là hành trang quan trọng nhất để một nền điện ảnh nói riêng, một nền văn hóa nói chung có thể tiến bước. Tính dân tộc bảo đảm sự vững chắc cho một nền điện ảnh hội nhập tích cực với quốc tế mà không rơi vào nguy cơ tự đánh mất mình.
2. Về tính hiện đại trong điện ảnh. Xác định khái niệm tính hiện đại trong điện ảnh, cần phân biệt tính hiện đại trong nghệ thuật điện ảnh với sự hiện đại của bản thân loại hình điện ảnh-một ngành nghệ thuật tổng hợp, cũng là ngành công nghiệp sản xuất trên cơ sở những khoa học kỹ thuật hiện đại. Tính hiện đại của tác phẩm điện ảnh được tạo nên từ tư duy của nhà làm phim phản ánh đúng tinh thần thời đại theo xu thế phát triển của xã hội (nội dung tác phẩm), từ những khám phá độc đáo, sáng tạo của họ về ngôn ngữ điện ảnh (hình thức thể hiện), cùng với phương tiện kỹ thuật và kỹ xảo tiên tiến để chuyển tải những yếu tố câu chuyện lên màn ảnh thật hiệu quả.
Điện ảnh cách mạng Việt Nam hình thành trong chiến tranh với nhiệm vụ bám sát cuộc chiến đấu của nhân dân nên đối tượng phản ánh chính của điện ảnh là cuộc sống và con người thời hiện đại. Tính hiện đại cần phát huy trong điện ảnh Việt Nam rất gần với khái niệm tính chất tiên tiến của văn hóa Việt Nam. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng nền điện ảnh mang tính hiện đại có ý nghĩa thiết thực và cập nhật đối với sự nghiệp chung của dân tộc.
Tính hiện đại và tính dân tộc là hai phạm trù luôn trong trạng thái vận động, gắn kết với nhau, bổ sung, hỗ trợ nhau để tạo nên một sự thống nhất. Tính hiện đại nằm trong tính dân tộc và ngược lại, tính dân tộc luôn có sự vận động, thay đổi theo thời gian lịch sử, trong mối liên hệ với tính hiện đại.
Tác phẩm điện ảnh sẽ có giá trị khi mang tính dân tộc và tính hiện đại đậm nét cả trong nội dung tác phẩm lẫn hình thức thể hiện. Nó góp phần làm nên diện mạo của điện ảnh Việt Nam. Như vậy, “dân tộc, khoa học, đại chúng” vẫn là 3 nguyên tắc dẫn dắt nền điện ảnh Việt Nam phát triển, tạo nên những giá trị mới và ghi dấu vào bản đồ điện ảnh thế giới.