Thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh

Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững đang là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân.

Doanh nghiệp bắt nhịp sản xuất xanh

Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được người tiêu dùng tại nhiều quốc gia coi trọng, đòi hỏi các nhà sản xuất phải thay đổi chiến lược, đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Để không bị loại ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam hướng tới.

Theo ông Đinh Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Á Mỹ (Amy Grupo): Sản xuất xanh hiểu đơn giản là quy trình sản xuất giảm thiểu lượng phát thải carbon ra môi trường. Mục tiêu của Amy Grupo là trong vòng 5 năm tới, các nhà máy được đầu tư theo tiêu chuẩn cũ sẽ giảm thiểu được 30-50% lượng phát thải carbon ra môi trường. Trong khi đó, các dự án mới sẽ ứng dụng ngay những giải pháp xanh từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và phân phối, như sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên, điện mặt trời, xe nâng điện, đóng gói tự động... Hiện tại, Amy Grupo đã thay đổi từ việc sử dụng nhiên liệu than trong sản xuất sang sử dụng chất đốt sinh thái như trấu, vỏ điều, viên nén mùn cưa...; hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái tại 5 nhà máy của Công ty. Đáng chú ý, ngày 9-5 vừa qua, Amy Grupo đã hợp tác với 3 đối tác nước ngoài xây dựng dây chuyền sản xuất đá thiêu kết (một sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ để hạn chế sử dụng đá tự nhiên nhưng nổi trội về độ bền, mẫu mã, kích thước) theo tiêu chí nhà máy xanh, với số vốn đầu tư gấp 4 lần theo tiêu chuẩn cũ. “Rõ ràng nguồn vốn cho sản xuất xanh là rất lớn, nhưng Amy Grupo xác định đây là khoản đầu tư chiến lược để đón đầu cơ hội thị trường. Hiện sản phẩm của Công ty đã có mặt ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Anh... Thực tế cho thấy, các đối tác nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn xanh”, ông Đinh Quốc Tuấn chia sẻ.

Thu hoạch cỏ chế biến thức ăn cho bò sữa ở Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk) thuộc Tập đoàn TH. Ảnh: NGUYỆT HÀ

 

Một khu cánh đồng, trang trại và nhà máy của Tập đoàn TH trong chuỗi sản xuất sữa tươi sạch khép kín theo mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Ảnh: NGUYỆT HÀ

Nhận định thị phần cho hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn xanh rất lớn, Công ty TNHH Dụng cụ AN MI (hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác) đã cung ứng cho nhiều đối tác, khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, Honda... Hiện Công ty đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho toàn bộ mái nhà xưởng 5.200m2; sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất, hệ thống xử lý nước thải hiện đại... Tuy nhiên, DN cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty: Để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành DN xanh, hằng năm, DN cũng cần khoảng 5-7 triệu USD/năm để đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của DN.

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như: Năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị-công trình xanh, tài chính xanh... Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, là lựa chọn tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Thu hút sự vào cuộc của khu vực tư nhân

Theo các chuyên gia, để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép là tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6-7%/năm, đồng thời phải đưa công nghệ xanh vào phổ cập trong hoạt động kinh tế. Chính mục tiêu, yêu cầu phát triển này tạo ra cơ hội và không gian phát triển mới cho cộng đồng DN, gồm cả DN trong nước và DN nước ngoài, cho các nhà đầu tư quốc tế. Mục tiêu này cũng đòi hỏi Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa.

Đánh giá cao sự vào cuộc của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) dẫn chứng từ báo cáo khí hậu Việt Nam của World Bank cho thấy, Việt Nam từ nay đến năm 2040 cần 368 tỷ USD để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện giảm phát thải ròng, trong đó cần nhiều đóng góp của khu vực tư nhân. “Để huy động được nguồn lực quan trọng này, Chính phủ Việt Nam phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn. Đặc biệt, cần sớm có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này...”, ông Thomas Jacobs đề xuất.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Á Mỹ. Ảnh: TRANG NHUNG 

DN tư nhân có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, song ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay, mức độ hiểu biết của DN về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% DN tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường. Có tới 91% DN cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương... Do đó, VCCI đề xuất cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng DN trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó, cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi DN đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề xuất, cần có chính sách giảm 2% thuế thu nhập DN cho các DN đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh như trường hợp Bangladesh đang làm.

Đặc biệt, cần có đánh giá việc thực thi chính sách về kinh tế xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. VCCI đã xây dựng và công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm 2023, nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của các địa phương.

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...