Thanh tra chuyên ngành hải quan và những vướng mắc

Là 1 trong 7 đơn vị thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN), trong quá trình triển khai thực hiện TTCN hải quan theo Luật Thanh tra 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP (Nghị định 03) đã bộc lộ một số vướng mắc.

Article thumbnail
TTCN hải quan và những vướng mắc. Ảnh: TQ

Về việc giao nhiệm vụ tham mưu về công tác TTCN, Điều 22 Nghị định 03 quy định: Tổ chức tham mưu về công tác TTCN: Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN giao nhiệm vụ tham mưu về công tác TTCN cho đơn vị trực thuộc.

Qua thực tiễn, Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Hải quan đề nghị làm rõ: Hình thức giao nhiệm vụ tham mưu về công tác TTCN cho đơn vị trực thuộc như thế nào? Giao theo quyết định ban hành chức năng, nhiệm vụ hay giao bằng văn bản từng lần/định kỳ tháng/quý/năm?

Về vướng mắc này, Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Hải quan đề xuất, trước mắt, cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN ban hành văn bản giao cho 1 đơn vị thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác TTCN. Về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 19/2013/NĐ-CP quy định về Tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính, trong đó có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Hải quan.

Về việc phân công thực hiện nhiệm vụ TTCN:

Về hình thức, thời gian phân công, khoản 20 Điều 2 Luật Thanh tra quy định: Người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN là người được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN.

Khoản 2 Điều 24 Nghị định 03: Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN, trong đó có nội dung: Phân công công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ TTCN.

Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy định về việc cấp và sử dụng thẻ TTCN. Ảnh: TQ 

Theo Tổng cục Hải quan, vấn đề cần thống nhất hình thức phân công thực hiện nhiệm vụ TTCN, phân công từng lần hay theo định kỳ (tháng, quý, năm).

Đề xuất thực hiện của Tổng cục Hải quan: Cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN ban hành quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ TTCN theo từng năm, có danh sách cán bộ công chức kèm theo. Khi có quyết định cấp thẻ TTCN thì những cán bộ công chức được cấp thẻ đương nhiên được coi là được giao nhiệm vụ TTCN, thời gian giao cũng theo thời hạn hiệu lực của thẻ.

Nội dung cần làm rõ giữa quy định của Luật Thanh tra và Nghị định 03: Khoản 1 Điều 37 Luật Thanh tra quy định: Hoạt động thanh tra do người được giao thực nhiệm vụ TTCN thực hiện theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 1 Điều 33 Nghị định 03: Đoàn thanh tra có trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra (nếu cần thiết) và thành viên khác. Thành viên khác của đoàn thanh tra là người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN và người khác tham gia đoàn thanh tra nhưng không phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN.

Khoản 2 Điều 33 Nghị định 03: trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN...

Theo khoản 1 Điều 37 Luật Thanh tra (nêu trên) thì các thành viên đoàn thanh tra phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN. Tuy nhiên khoản 1, khoản 2 Điều 33 Nghị định 03 thì chỉ có trưởng đoàn, phó trưởng đoàn thanh tra mới phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN, còn thành viên khác của đoàn thanh tra có thể là người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN hoặc là người không được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN.

Tổng cục Hải quan đề xuất thực hiện: Thực hiện theo qui định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 Nghị định 03 nêu trên. Vì trên thực tế, có trường hợp đoàn thanh tra của Tổng cục Hải quan do Vụ Thanh tra - Kiểm tra chủ trì thực hiện vẫn lấy bổ sung cán bộ công chức của vụ, cục nghiệp vụ liên quan để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về điều kiện, tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN (người được phân công thực hiện nhiệm vụ TTCN):

Khoản 3 Điều 38 Luật Thanh tra quy định: Người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN phải là công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN; phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành, am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ thanh tra và có ít nhất 1 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN, không kể thời gian tập sự.

Đề xuất thực hiện: Về điều kiện “có nghiệp vụ thanh tra”: Tổng cục Hải quan đề nghị một trong những đối tượng sau: Là công chức đã học và được chứng chỉ nghiệp vụ thanh tra viên hoặc thanh tra viên chính. Là công chức đã học và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng TTCN trước đây theo Luật Thanh tra 2010; Là công chức được học và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra (do Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện theo Luật Thanh tra 2022).

Khoản 2 Điều 25 Nghị định 03: Người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Thanh tra và các điều kiện khác tùy theo đặc thù của ngành, lĩnh vực do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quy định.

Vấn đề cần làm rõ: “Các điều kiện khác tùy theo đặc thù của ngành, lĩnh vực" là như thế nào? Khi nào có quy định về vấn đề này? Việc triển khai thực hiện trong thời gian Bộ Tài chính chưa quy định cụ thể về vấn đề này.

 Đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN có trang phục riêng thì được phép sử dụng trang phục này khi làm nhiệm vụ thanh tra. Ảnh: TQ

Đề xuất thực hiện: Để thực hiện kế hoạch TTCN của Bộ giao năm 2024, trong khi chưa có qui định về các điều kiện đặc thù của Bộ Tài chính thì cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN trong Bộ Tài chính được thực hiện theo khoản 3 Điều 38 của Luật Thanh tra.

Về trang phục, thẻ thanh tra. Khoản 2 Điều 43 Luật Thanh tra quy định: Người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN được cấp trang phục, thẻ TTCN theo quy định của Bộ trưởng để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ TTCN.

Khoản 1 Điều 26 Nghị định 03 quy định: Người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra; được cấp trang phục, thẻ TTCN theo quy định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ TTCN.

Đề xuất thực hiện: Đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN có trang phục riêng thì được phép sử dụng trang phục này khi làm nhiệm vụ thanh tra.

Đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy định về việc cấp và sử dụng thẻ TTCN để công chức được giao nhiệm vụ TTCN được cấp thẻ sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài những nội dung nêu trên, Tổng cục Hải quan cũng đề cấp đến một số vấn đề vướng mắc như: Nhiệm vụ, quyền hạn của người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN khi tham gia đoàn thanh tra; Sổ nhật ký đoàn thanh tra; Về việc gửi kế hoạch thanh tra; Việc công khai kết luận thanh tra; Về việc sử dụng các mẫu biểu và trình tự thủ tục khi tiến hành một cuộc thanh tra…