Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được
Ngoài những đề xuất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra trong nửa cuối nhiệm kỳ, các ý kiến gửi về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân cũng kiến nghị cần khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu, không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được.
Đồng chí NÔNG VIỆT YÊN, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái:
Phải gần dân, sát dân
Với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế để đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ, chính quyền huyện Mù Cang Chải luôn xác định phải gần dân, bám sát nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó có những chính sách, việc làm thiết thực giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cũng chính là tạo ra những cơ hội để thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Với những chính sách thiết thực đó, năm 2022, thu ngân sách toàn huyện đạt hơn 138 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên; các mô hình phát triển kinh tế, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế tạo các sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng của huyện Mù Cang Chải, giúp người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo thu nhập ổn định. Công tác giáo dục, y tế cũng được triển khai đồng bộ. Hoạt động của chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường...
Hiện nay, tại những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Mù Cang Chải; sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống.
Du lịch đang phục hồi sau dịch Covid-19. Trong ảnh: Khu du lịch núi Bà Đen ở xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: HOÀNG THỊ HÀ |
Đồng chí NGUYỄN VŨ CHIÊN, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nam Định:
Giáo dục lý tưởng, phát huy tốt vai trò của thanh niên
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đoàn Thanh niên tỉnh Nam Định đã nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên Nam Định giai đoạn hiện nay”, góp phần xây dựng hệ thống các chuẩn mực đạo đức, các giá trị hình mẫu đối với thanh niên, thiếu nhi của tỉnh.
Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội được cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi ở Nam Định hưởng ứng tích cực, với hơn 60.000 tin tốt, câu chuyện đẹp được đăng tải. Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu nhi cũng được các tổ chức đoàn hết sức chú trọng... Qua đó, lực lượng thanh niên đã phát huy tốt tính sáng tạo, vai trò xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của tỉnh đề ra.
Thời gian tới, Đoàn Thanh niên tỉnh Nam Định tiếp tục tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; đổi mới công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho thế hệ trẻ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đoàn viên, thanh niên gắn với thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị...
----------
Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Qua các con số thống kê về số cán bộ bị xử lý kỷ luật, số vụ án về tham nhũng kinh tế bị khởi tố, số bị can bị bắt, bị xét xử cho thấy, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang rất hiệu quả, quyết liệt, quyết tâm cao và không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên hiện nay, trong khối các cơ quan nhà nước đang xuất hiện hiện tượng cán bộ ngại việc, sợ việc, sợ sai nên đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, không dám đột phá, công việc trì trệ. Để khắc phục tình trạng này, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã đề cập.
Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn cần tích cực đẩy mạnh phòng hơn chống. Bởi khi một cán bộ hoặc một doanh nhân bị khởi tố, bị xử lý hình sự sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có thể khiến doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm...
----------
Đồng chí NGUYỄN VĂN TÂM, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk:
Quan tâm hơn đến tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện, xã, điều khiến chúng tôi phấn khởi là cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã luôn đoàn kết, quyết tâm vượt khó. Đặc biệt, mặc dù trong giai đoạn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các dự án như đường giao thông, nước sạch, trường học, thủy lợi...
Hai năm qua, xã Cư Pui đã tiếp nhận nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhờ vậy, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Cư Pui đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo; trồng được hơn 1.500ha rừng, vượt 300% so với chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 100%, học sinh nghỉ học giảm từ 4% vào năm 2020 xuống còn 0,87% trong năm 2023; nhiều chỉ tiêu khác đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tôi cho rằng cần phải nỗ lực khắc phục các khâu yếu, mặt yếu, không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đến việc đầu tư phát triển khu công nghiệp, nhà máy để tạo việc làm, giải quyết tốt nhu cầu lao động cho đồng bào...